in

Chàng trai quê lúa mời gọi độc giả về miền trĩu nặng phù sa

“Làm rể miền Tây” – NXB Văn học.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng Nguyễn Hội lại có duyên làm rể miền Tây. Thời gian gắn bó với cả hai vùng đất thân thương, anh đem hết vào những trang viết.

Nặng lòng với những miền quê

Nhắc đến Thái Bình, bất cứ người con nào của vùng quê này sẽ nghĩ ngay đến những buổi chiều ngào ngạt khói bếp mẹ nấu cơm, những bữa ăn đạm bạc thơm ngon, những khu vườn, thửa ruộng – nơi hàng ngày được bà, được mẹ chăm bẵm… Tất cả đều chân chất, mộc mạc mà lại lưu luyến không quên.


Miền Tây cũng là vùng đất của những cánh đồng lúa mênh mông, của những con sông trĩu nặng phù sa, nơi sản sinh ra những con người cần cù, chịu thương chịu khó. Một vùng đất yên bình dị nhưng lại có sức hấp dẫn lớn đối với bất cứ ai có dịp đến thăm. Từ những cánh đồng lúa trải dài tận chân trời,  những  vườn trái cây quanh năm đều sai quả đến các ngôi làng trồng hoa kiểng với đủ loài hoa và cây cảnh.  Tất cả làm cho miền Tây thêm đẹp hơn, con người cũng vì thế mà nặng lòng hơn.


Bước vào vùng đất mà Nguyễn Hội làm rể, người đọc ngay lập tức bị quyến rũ bởi cuộc sống bình yên của thế giới tự nhiên khiến họ không thể rời mắt khỏi những trang sách: “Nụ bông ô môi chúm chím dịu dàng như nụ đào phương Bắc. Đến mùa, nụ ra đều, chạy dọc khắp nhành cây, thân cây. Nhiều nhành cây  nhỏ, nụ nặng oằn khiến nhành cây thả mình buông thõng dọc thân cây đung đưa trong nắng gió như những chuỗi hồng ngọc lung linh, đẹp đến nao lòng. Khi nở, bông ô môi không xòe căng viên mãn như hoa đào, hoa mai. Từng cánh ô môi cong cong, nghiêng nghiêng, hồng hồng ôm khép hờ xung quanh nhụy tạo thành một chùm hoa dịu dàng, e ấp”.

Ra mắt tập tản văn “Làm rể miền Tây” năm 2022 bao gồm 30 câu chuyện đời thực dung dị, Nguyễn Hội gây ấn tượng với độc giả bằng bút pháp giản đơn mà duyên kỳ đến lạ. Nội dung xuyên suốt cuốn sách là một chàng trai quê miền châu thổ sông Hồng. Anh biết đến và yêu thích những chú bộ đội biên phòng qua những tờ lịch từ rất nhỏ. Lớn lên, anh thi, học và tốt nghiệp trường đại học Biên phòng, vào biên giới Tây Nam công tác.

Coi thiên nhiên là tri kỷ

“Làm rể miền Tây” là sự kết hợp, đan xen độc đáo giữa khung cảnh, sinh hoạt, con người, lối sống, nghề nghiệp, mưu sinh, văn hóa,… giữa Nam bộ, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với Bắc bộ tại đồng bằng sông Hồng. Thành công của Nguyễn Hội trong cuốn sách này là làm bật lên được bản sắc của thiên nhiên và con người ở cả hai miền quê, mời rủ người đọc vui – buồn – nhung nhớ cùng mình.

Đất miền Tây trù phú, người miền Tây đôn hậu, hiền hòa. Đó có lẽ là cảm nhận của hầu hết du khách khi đến vùng đất chín dòng sông. Người miền Tây luôn cởi mở, phóng khoáng, sống chan hòa dù nơi đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm). Mỗi dân tộc có một nền văn hóa, phong tục riêng nhưng cái chung là họ luôn sống hòa hợp, giúp đỡ lẫn nhau. Không phải lối sống quá bận rộn, tấp nập như người thành thị, ở đây du khách sẽ cảm nhận được không khí bình yên và tình cảm thuần hậu của người dân. Qua đời sống thực tế đó, Nguyễn Hội viết mọi điều anh cảm nhận bao gồm lịch sử, quá khứ, hiện tại, tự nhiên, xã hội, nhân sinh, tình cảm, cảnh vật, tinh thần,… ở quê hương sinh thành và quê hương thứ hai – Miền Tây quê vợ. Mọi thứ dường như hiển hiện, dường như đang thấy, dường như đã qua mà lại hằn sâu trong ký ức.

“Những buổi trưa hè, khi tiếng ve râm ran khắp khu vườn. Tôi thích trốn mình dưới tán lá ken dầy xanh um của cây táo trong khu vườn hay dưới bóng mát mênh mông của cây ổi với những chùm quả sai lúc lỉu. Ở đó, tôi có thể vừa học bài rồi lăn ra ngủ mà không bị ai quấy rầy, rồi tận mắt chứng kiến từng nhành cây, chùm quả lớn dần lên mỗi ngày. Cũng từ đó tôi đã khám phá ra nhiều quy luật bí ẩn của tự nhiên…”


Nguyễn Hội đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ khu vườn của mẹ. Sau này, khi đã trưởng thành, anh luôn nhạy cảm với thế giới tự nhiên, dù là ở bất cứ nơi đâu hay đang làm gì, anh cũng chỉ nhìn thấy “tri kỷ” của mình:


“Chiều biên cương phương Nam, bầy bìm bịp trú trong bụi cây chốc chốc lại kêu chiều khắc khoải. Tiếng bìm bịp trầm vọng, âm vang như tiếng tù và thu quân trong một buổi chiều hoàng hôn loang màu chiến trận. Bản đồng ca du dương của muỗi bắt đầu khởi lên những âm thanh nhè nhẹ. Lòng người lính xa nhà chợt chùng xuống trong giây lát…”


Đọc đoạn này, có lẽ nhiều độc giả nhận ra: Việc ta làm gì trong tự nhiên không thực sự quan trọng, ta chỉ cần tuân theo một quy tắc: Chú ý đến những gì nó đang diễn ra và thực sự có mặt. Không quan trọng là ngồi bên biển ngắm sóng hay trong rừng nghe gió vi vu trên cây. Nó có thể đơn giản như niềm vui khi nhìn thấy những bông hoa, hoặc tiếng côn trùng vo ve quanh mình…


Nhu cầu tiếp xúc với thiên nhiên đã có sẵn trong chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là không thể sống nếu thiếu nó. Văn chương cũng vậy, cuốn sách “Làm rể miền Tây” của Nguyễn Hội là một minh chứng sinh động cho nhu cầu đó. Chương cuối cuốn sách, vẻ đẹp của thiên nhiên vẫn “thao túng” đến tận cùng ngòi bút Nguyễn Hội: “Giờ đang vào mùa nước nổi, con kênh Sông Trăng đầy lên ăm ắp. Những cánh lục bình đã trôi dạt cuối chân trời xa thẳm. Dòng sông hiền hòa, lại chở nặng phù sa cho mùa vàng bất tận. Những đêm trăng tròn đầy, ánh sáng lấp lánh diệu kỳ lung linh trên mặt nước,…”


Thưởng thức cuốn sách “Làm rể miền Tây”, độc giả yêu thiên nhiên, tôn thờ bình yên chắc chắn sẽ có những phút giây chánh niệm thực sự chất lượng.


Tiểu Mai

Nguyễn Hội – tác giả cuốn sách “Làm rể miền Tây”.

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Thơ Sabyasachi Nazrul