in

CHẢY XUỐNG BÌNH NGUYÊN (*) THƠ GAMZATOV QUA BẢN DỊCH THÁI XUÂN NGUYÊN

Có một ngày, tôi muốn bay lên cùng đàn sếu trắng của Gamzatov khi bắt gặp tứ thơ:

Rồi có ngày ta với đàn sếu trắng,
Trong màn sương màu xám lạnh cùng bơi,
Bằng tiếng sếu dưới vòm trời ta gọi
Tất cả những ai còn lại trên đời!

Tôi vô tình đọc được những câu thơ trên qua cách chuyển dịch của dịch giả Thái Xuân Nguyên, dư âm của nó cứ trở đi trở lại, dập dờn trong tôi như đôi cánh vỗ của những con sếu kia. Vì thế, tôi phải kỳ công đi tìm dịch giả để được đọc những vần thơ của Gamzatov từ anh. Và giờ đây bản thảo cuốn “CUỘC ĐỜI ĐỎNG ĐẢNH” do anh tuyển dịch từ thơ Gamzatov đã nằm trên tay tôi. Cần nói thêm rằng Gamzatov là một thi sĩ nổi tiếng của xứ sở Đaghecxtan, nhiều độc giả Việt Nam đã yêu và nhớ thơ ông từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, thông qua các dịch giả, các nhà thơ nổi tiếng như Bằng Việt, Phan Hồng Giang, Thái Bá Tân, Thụy Anh, Thúy Toàn.  

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ liên tục phát triển và thay đổi đến chóng mặt, kể cả văn học cũng không phải là một ngoại lệ. Nằm trong guồng quay ấy, với nhiều tác phẩm của Gamzatov đã đến với các thế hệ người đọc Việt Nam từ lâu, cùng với sự phát triển đa chiều, đa phong cách, đa trường phái thi ca, việc chọn dịch thơ Gamzatov lúc này liệu có phải là một thách thức đối với người dịch? Tôi bắt đầu lần mở tập bản thảo bản dịch “CUỘC ĐỜI ĐỎNG ĐẢNH” của Thái Xuân Nguyên bằng tâm thế có phần e ngại ấy!

Được biết Thái Xuân Nguyên là một người từng sống và làm việc ở nước Nga nhiều năm. Anh yêu thơ và làm thơ từ thuở lên chín, lên mười. Sau này dù theo học khối tự nhiên và trở thành doanh nhân nhưng sự say mê ấy vẫn đồng hành cùng anh trong cuộc sống. Từ năm 1999 đến nay anh đã xuất bản bốn tập thơ riêng trong đó có hai tập thơ dịch: Bóng núi vọng phu – NXB Thanh niên 1999, Vọng Đêm – NXB HNV, 2012; Dưới Bóng Bạch Dương (song ngữ) – NXB HNV, 2022 (Thơ dịch); Tuyển tập thơ trữ tình của Ê-xê-nhin (Song ngữ) – NXB HNV, 2022 (Thơ dịch) và bảy tập thơ in chung. Với “CUỘC ĐỜI ĐỎNG ĐẢNH”, chúng ta sẽ cùng xem cái hồn cốt của Gamzatov được anh chuyển tải thế nào qua tập thơ dịch này.

Đọc toàn tập tuyển dịch, ta nghe được nhịp trữ tình đầy đặn trong dòng thơ trí tuệ của Gamzatov. Ví như trong bài “Quả địa cầu”, dưới cái nhìn của ông, dù trái đất có biến đổi thế nào đi nữa, thì ông vẫn luôn thấy đó là một“khuôn mặt thân thương”. Ông dành cho trái đất một sự chăm sóc đặc biệt. Với việc sử dụng động từ “lau” trong hình ảnh “lau nước mắt” thật trìu mến, ta thấy ông coi trái đất như một người thân gần gũi cần ông che chở, ông muốn khắp trái đất không còn chiến tranh đổ máu. Điều này được ông viết bằng những câu thơ thật lay gợi:

“Đừng khóc nhé, tôi sẽ lau nước mắt

Sẽ hát về Người, rửa sạch máu vương”

Có những điều khi ông nói ra ta mới thấy nó đúng một cách hiển nhiên và nó kéo ta đi theo mạch thơ của ông mà suy ngẫm, như khi ông nói về “di chúc mới và cha ông để lại” cho mỗi người:

“Trong mỗi người trên quê hương mùa xuân,

Có di chúc mới và cha ông để lại.

Giá họ làm theo mà không ngần ngại,

Thế gian này hoàn thiện biết bao nhiêu!”

Đó là những thông điệp lớn về hòa bình, về gìn giữ thiên nhiên mà dịch giả đã chuyển tải được qua những câu chữ mang đầy “Sắc màu quê hương” của Gamzatov, và cũng vì thế, nó dễ dàng đi vào lòng người đọc như hình ảnh làng quê đã in trong tâm tưởng của mỗi chúng ta từ thơ bé.

Gamzatov có nhiều sự quán tưởng trong xã hội, trong cuộc sống. Ví như khi ông viết: “Nếu trái tim ác độc của con người” mà “biến thành băng và tuyết”, thì khi đó hành tinh của chúng ta “vĩnh viễn giá băng”. Cũng là sự quán tưởng như thế, nhưng ngay lập tức ông dùng phép đối lập để nói lên một niềm mơ ước:

“Giá như lòng nhân hậu của con người

Mà trở thành suối nguồn, mạch nước

Thì mãi mãi khắp nơi trên trái đất,

Có dòng nước trong róc rách ngày đêm”

Câu thơ viết nên từ những hình ảnh thật dung dị, gần gũi nhưng lại mang một ý nghĩa lớn về lòng nhân ái của con người. Rồi đôi khi, ông lại sử dụng yếu tố tâm linh và được viết bằng mạch văn hóa cổ truyền, như trong bài “Rắn và đại bàng”, vì thế nó dễ thẩm thấu vào lòng người đọc những ý nghĩa mà ông muốn truyền tải.

Thái Xuân Nguyên cho ta thấy tràn ngập trong thơ Gamzatov là núi đồi, thảo nguyên, là bản sắc văn hóa dân tộc Avar. Những hình ảnh ấy hiện lên qua từng nhịp chữ:

“Có phải chăng sếu kêu hay tiếng vọng

Tự ngàn đời như giọng xứ Avar?”

Từ tiếng sếu trên trời cao, làm thế nào để Gamzatov có thể nghe được “tự ngàn đời” giọng của “xứ Avar”? Tiếng thơ làm ta chảy nước mắt. Tiếng thơ làm ta thấy sếu không phải là sếu, mà sếu là linh hồn của những người con quê hương ông cứ “Bay mải miết” “trên chặng đường bất tận”. Tiếng thơ như động đến những cung sâu thẳm của lòng ta! Bản dịch cho ta thấy tình yêu trong ông nó chập trùng những “đỉnh non, vách đá, hoành sơn”của Đaghextan, cho ta hiểu ông yêu quê hương đất nước của ông biết chừng nào.

Dù đi bất cứ nơi đâu thì Đaghextan xinh đẹp với văn hóa dân gian huyền diệu vẫn cứ mãi trong ông. Dường như những điều này cũng nhập vào hồn thơ Thái Xuân Nguyên khi anh dịch. Ta thấy khuôn mặt Gamzatov bừng sáng lên bởi điệu nhạc “của biển Caxpi xa lắc”, ta biết ông kìm nén nỗi nhớ nhung “rừng Tliarotin thơm ngát” và mạch nguồn của “dòng Sulak hiền hòa”, của con sông “Kôisa” cứ thổn thức trong lòng ông. Tất cả những điều đó, ông “để lại” cho người ông yêu gìn giữ qua những vần thơ du dương:

“Để lại cho em ánh trăng rạng ngời,

Đóa hoa rừng Tliarotin thơm ngát,

Cả tiếng hát của biển Caxpi xa lắc,

Và dòng Kôisa về biển vội vàng”.

Không chỉ ngợi ca “miền quê ấm áp nắng trời”, với những “con đường chênh vênh sườn dốc”, không chỉ nhớ tiếng hát cùng cây “đàn pandura” quê hương, mà Gamzatov còn nhìn thấy và đau lòng bởi những bản sắc riêng bị mai một đi trong cơn lốc hòa nhập của thế giới, như khi ông xót xa “Sao trên đồi Đaghextan trơ trụi thế?”, khi ông lo ngại rằng lũ trẻ “Sẽ không nghĩ suy, hát ca và tranh biện” bằng tiếng Avar. Những trăn trở này dội đến lòng ông từ khi trái đất còn chưa bị tàn phá nhiều như bây giờ:

“Tôi trở về nơi gió núi vi vu

Chẳng còn nhận ra đây là quê mẹ.

Tiếng cha ông giờ rời xa lũ trẻ”

Gamzatov yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, điều này người dịch thể hiện quá rõ trong thơ ông. Trước tiếng khóc của người mẹ, người vợ có chồng, có con hy sinh vì Tổ quốc, trái tim ông run lên. Ông liên tưởng cái chết của người lính trên chiến trận như cái chết của chính mình. Không một lời lên án, nhưng khi đọc đến câu cuối của tứ thơ, tôi ngỡ như một đòn chí mạng của chiến tranh giáng xuống đầu mình, và vì thế, tôi và các bạn, chúng ta phải bừng tỉnh. Đây là một sự liên tưởng có lẽ khó gặp:

“Ở đâu đó có người mới hi sinh,

Người mẹ ngồi khóc thương con liệt sĩ,

Ở đâu đó phụ nữ đang nức nở,

Tôi tưởng người ta an táng chính mình”.

Nói thơ Gamzatov chứa đựng tình yêu nhân loại, yêu đất nước, yêu cha mẹ, hay tình yêu của ông đối với một nửa kia của thế giới, không có nghĩa những điều đó phải tách ra từng mảng hay từng bài riêng biệt. Mà ở đây mọi ngả đường yêu thương của Gamzatov cứ hòa thành một và quay đều trong những bản dịch của Thái Xuân Nguyên. Trong nhiều “Khúc ca” của Gamzatov, ban đầu đọc lên ta có thể ngỡ đấy là tiếng hát dành cho người phụ nữ của ông trong “một ngày say đắm”. Nhưng không, lẫn trong tiếng gọi “Em thân yêu” có cả sự thổn thức trĩu lòng về “vết quầng thâm thiếu ngủ” và “lệ khô trên đôi má mẹ già”. Có hồi ức về những “thứ ngày xưa” đã “nuôi hồn anh khôn lớn”, có những “con đường như vành đai uốn lượn” của Đaghextan, đến cả “mùi ngan ngát cỏ hương” của thảo nguyên Avar cũng cứ luôn “phảng phất” quanh ông, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khoảnh khắc nào. Những điều này có thể thấy trong bài “Lúc anh lên đường” và đoạn kết đã gói lại tất cả:

“Gửi lại em nắng lửa với mưa nguồn,

Những đàn sếu và bầu trời xanh biếc,

Và như thế đã rất nhiều, anh biết

Anh mang theo mình trọn vẹn tình yêu”.

Gamzatov dành cho thơ tình của ông một lượng mực nhiều vô kể. Trái tim yêu của dịch giả cũng hòa theo nhịp yêu của ông vậy. Có lúc, sự ngất ngây khiến ông tưởng người ông yêu hóa vầng trăng. Nỗi si mê làm ông “chẳng cách nào đọc hết trăng em”. Cái cụm từ “trăng em” thì em là trăng hay trăng là em? Thật khó phân định lắm thay, không biết đâu là thực, là ảo. Chính ông cũng phải thốt lên mà hỏi: “đâu là bản dịch, bản nguyên”. Ông không bao giờ “nói với người thương lời ly biệt”, vì tình yêu của ông “luôn nảy nở bất kỳ”. Có lẽ chúng ta chưa gặp ở đâu mà tình yêu hóa thành nhà thông thái, chỉ có Gamzatov mới khuyên: “Bạn cứ hỏi, tình yêu sẽ trả lời”. Cũng thế, thật đặc biệt khi dưới con mắt của ông, “tình yêu là trường đại học”. Nếu đi theo Gamzatov, rồi chúng ta cũng sẽ bị “dẫn đời mình theo lệnh tình yêu”. Rất nhiều bài thơ về tình yêu của ông với muôn hình muôn vẻ. Xin hãy cứ để những vần thơ tình ấy từ từ ngấm vào ta, như men say của rượu Cognac cổ điển xứ Đaghextan trong một chiều xuân tan tuyết.

Thơ Gamzatov - Cuốn đời đỏng đảnh
Cuốn “Cuộc đời đỏng đảnh” của Nhà thơ Gamzatov, do Thái Xuân Nguyên chuyển ngữ

Trong tập thơ dịch này, có rất nhiều sự quán tưởng, sự suy tưởng của Gamzatov để chúng ta lạc vào. Khi nói đến những điều làm “tổn thương đến chết con người”, ông đặt một câu hỏi khiến ta đau đớn, bởi đến “Cả tình yêu, rượu vang và sự thật” là những điều đẹp đẽ được con người tôn vinh, vậy tại sao “Cũng giết con người đến chết đó thôi”? Câu hỏi là câu hỏi, mà dường như trong đó cũng có câu trả lời, bởi ngàn đời nay, “tình yêu, rượu vang” vẫn luôn là những nẻo đi ma mị dẫn lối chúng ta, nếu không bước vào đó làm sao biết được những men say tuyệt đỉnh của trần thế? Nhưng còn đó một câu hỏi mà mỗi một người có lương tri sẽ phải day dứt, đó là vì sao con người lại “chết” vì “sự thật”? Gamzatov đánh thức suy nghĩ của chúng ta ở chính chỗ này.

Ông có một sự suy tưởng sâu sắc từ cuộc sống đến quan niệm của đạo Phật. “Là nhà thơ”, ông tự nhủ “lẽ nào không ước mơ”: “Thành linh hồn khi vẫn còn đang sống/ Của cả con người, chim chóc, cỏ hoa”. Có lẽ những sự suy tưởng, kết nối này cũng mang đến tính nhân hậu tràn đầy và sự huyền ảo trong những trang thơ bất hủ của ông.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, ông có một bộ óc luôn bừng tỉnh sáng tạo, hay một bộ óc của trẻ thơ? Bởi trẻ thơ luôn có sự tưởng tượng vô giới hạn. Có lúc ông ngỡ “Nếu bỗng nhiên tôi trở thành kim loại”, có lúc lại tưởng tượng ra câu chuyện “khách gõ cửa trong đêm” của người dân miền núi quê hương ông, có lúc ông nghĩ mình là người “xạ thủ già” đi săn bắt những con thú là “ngôn từ” “ẩn trong rừng và trên núi”. Sự quán tưởng, suy tưởng của ông luôn mang đến những quan niệm khác lạ nhưng lại rất nhân văn. Như trong bài “Vinh quang”, ông lo ngại rằng ánh hào quang của sự vinh quang có thể “giết” chết “người sống”. Ngược lại, với người đã nằm xuống sau nấm mồ, đi qua một cuộc đời với muôn vàn thác ghềnh và thành quả, thì ông kêu gọi hãy dành sự “quang vinh” cho họ:

“Người chết vốn cần ngươi hơn kẻ sống,

Đừng quấy rầy người sống, hỡi quang vinh!

Người đã chết ngươi hồi sinh mãi mãi

Bằng làn hơi luôn bỏng cháy của mình”

Có lẽ Thái Xuân Nguyên cũng hiểu thật nhiều về Gamzatov và kỳ công tuyển chọn. Bởi anh không chỉ mang đến cho chúng ta ăm ắp những trang thơ của một Gamzatov với những chủ đề lớn, mà còn đó một Gamzatov của đời thường gần gũi. Có ai như ông đã đổ lỗi cho lý do già là bởi:

“Ai biết được, mái tóc tôi điểm bạc

Có thể một phần vì lỗi trẻ của em”

Thật là vừa hài hước vừa đáng yêu. Tôi nhớ nhà văn Mark Twain từng nói: “Bỏ hút thuốc là điều dễ làm nhất trên thế giới. Tôi biết thế vì tôi đã làm điều đó hàng nghìn lần rồi”. Và hôm nay ta gặp một Gamzatov trong câu thơ:

“Hãy tha cho anh, vì đâu chỉ một lần  

Anh đã ăn năn và được em tha thứ”

Sẽ còn nhiều lần nữa ta phải bật cười trước sự hóm hỉnh của ông.

Còn rất nhiều những khai thác nữa trong thơ Gamzatov, như tính triết lý, những ước mơ, những vẻ đẹp trong lao động, thi ca,… Một ai đó có thể nhìn thấy cả tính thiền trong thơ ông ở tuyển dịch này, nhưng trong phạm vi một bài tri âm nhỏ, tôi khó có thể diễn tả hết. Xin những tri âm tiếp theo của bạn đọc vào những khoảng trống còn lại.


Cầm trên tay bản thảo cuốn “CUỘC ĐỜI ĐỎNG ĐẢNH”, tôi mới thấy Thái Xuân Nguyên làm việc thật cần mẫn, tỉ mỉ và tâm huyết. Mỗi bài thơ anh đều đăng lại nguyên tác bằng tiếng Nga. Kế đến anh đăng phần dịch nghĩa. Phần cuối mới là phần anh chuyển dịch thành thơ. Tâm sự với tôi, anh cho biết anh đi theo trường phái dịch sát nghĩa và quan trọng nhất là thể hiện được hồn cốt của bài thơ, của tác giả, của dân tộc họ. Tuy nhiên, cái khó là vẫn phải có “chất thơ” và Việt hóa được tác phẩm.

Trong bài “Đàn sếu”, khổ đầu tiên theo dịch nghĩa là:

“Đôi khi tôi nghĩ rằng, có những người lính

Họ đã không trở về từ mặt trận đẫm máu,

Vào một lúc nào đó họ không nằm trên mảnh đất này,

Mà biến thành những con sếu trắng”

Đó là phần dịch nghĩa, và nó cũng đủ cho ta thấy chất thơ, chất huyền ảo trong Gamzatov. Và đây là phần dịch thơ:

“Ta từng nghĩ, có những người lính trận

Từ chiến trường đẫm máu đã không về,

Không nằm lại mảnh đất đầy lửa khói”

Ba câu dịch này quả là những câu thơ trữ tình, nhịp nhàng mà vẫn bám sát nghĩa. Đến câu khóa, chỉ bằng cách thay đổi một, hai từ và sắp xếp lại, Thái Xuân Nguyên đã cho chúng ta một tứ thơ thật lay gợi. Giọng thơ gần gũi với người Việt nhưng lại vẫn rất du dương “chất” Nga trong hình ảnh của đàn sếu:

“Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi”

Nói như vậy, không có nghĩa trong cả tuyển tập này người dịch đều đạt đến ngưỡng “tín, đạt, nhã”. Có những chỗ, anh buộc phải dùng bằng từ chưa được “thơ” cho lắm, như câu “Nơi đêm ngày dạy sinh viên kiến thức”. Một vài đoạn bị lặp từ, chẳng hạn:“Cả tia nắng sưởi bờ vai bé nhỏ/ Và vạt cỏ mềm chạm tới bờ vai”. Một đôi câu, một vài tứ tôi nghĩ có lẽ cần rõ nghĩa hơn nữa. Âu tất cả cũng là cái khó của người làm công việc dịch thơ.

Có thể mỗi dịch giả lại có cách viết khác nhau, nhưng khép lại bản thảo “CUỘC ĐỜI ĐỎNG ĐẢNH”, những cảm giác e ngại ban đầu của tôi đã hoàn toàn bị phân rã. Thay vào đó, giờ đây tôi đã đọc được cái hồn thơ trên đỉnh núi, trên thảo nguyên bao la xứ Đaghextan mà Thái Xuân Nguyên đã nhập tâm tuyển dịch. Nó chứa đựng trong đó những câu chuyện mang nặng những mong ước lớn lao của Gamzatov đối với cả cõi nhân gian. Bằng những câu thơ dịch trữ tình, du dương, sử dụng những từ ngữ gần gũi với người Việt nhưng vẫn đậm hồn cốt Đaghextan, dịch giả đã cho chúng ta gặp một Gamzatov đau đáu những suy tư về nhân loại, về thế giới, về xã hội. Niềm vui, hạnh phúc và nỗi buồn trong ông đều rất lớn nhưng lại rất đời. Những ngôn từ được ông sử dụng trong thơ luôn chân thực, giản dị và giàu chất dân gian. Một đặc điểm lớn trong thơ Gamzatov mà người dịch đã làm nổi bật được, đó là ông luôn có một sự quán tưởng từ những hiện tượng của thiên nhiên, từ những quan niệm, đạo lý truyền thống đến các sự kiện của đời sống hiện tại, đến tình cảm của con người và thông qua bút pháp của ông, chúng ta sẽ tự khắc nhìn thấy một triết lý, một thông điệp mà nó hiển nhiên như trời phải có nắng, có mưa vậy. Thái Xuân Nguyên đã cho ta yêu một Gamzatov không chỉ mang một tư tưởng lớn, một tâm hồn nhân hậu trải rộng, mà còn dung dị và hài hước biết mấy. Vì những điều đó, thơ ông tan chảy đến từng cung bậc trong cuộc sống của mỗi chúng ta và đọng lại mãi. Tôi tin rằng qua tuyển dịch này, những tư tưởng của Gamzatov vẫn luôn có giá trị để thức tỉnh mỗi chúng ta và nó thật dễ nhập tâm bởi nhịp điệu của thi ca.


Trong cái ánh sáng xanh dìu dịu của một tối mùa hè, tôi bước ra ngoài hiên, nhìn lên bầu trời và thấy những ngôi sao đằng kia đang nhấp nháy, nhớ đến những “vì sao sáng” mà Gamzatov đã “thắp”, “những vì sao còn sáng bên trời” – trong đó có ông, Rasul Gamzatov, một nhà thơ chỉ đại diện cho tiếng nói của khoảng hai triệu năm trăm ngàn người dân quê ông (khi ông còn sống), vậy mà nó đi khắp trái đất, đi xuyên thời gian, không gian, “Lên sao Hỏa, Mặt trăng, nơi tận cùng dương thế”. Một con người sống mãi với nhân loại bởi tư tưởng bao la, rộng lớn, bởi trái tim nhân hậu diệu kỳ của ông, đúng như ông nói, “Cả cái chết cũng chẳng làm tôi sợ”(**).

Một trăm bài thơ trong tuyển tập này như một trăm cánh sếu bay trên bầu trời Đaghextan để chúc mừng nhà thơ Rasul Gamzatov nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ông: 8/9/1923 – 8/9/2023.

Cảm ơn dịch giả Thái Xuân Nguyên đã thực hiện thành công và giới thiệu một tuyển dịch giá trị. Rất mong được đọc những tuyển dịch tiếp theo của anh.

(Hà Nội, mùa hè 2023)

Khuê Anh.

(*): “Chảy xuống bình nguyên” – một câu trong tiêu đề một bài thơ của Gamzatov
(**): Những chứ in nghiêng trong ngoặc kép là nội dung trích từ thơ của Gamzatov.

Tình hữu nghị quốc tế cao đẹp qua tác phẩm “Biên khu Việt Quế”

Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương ra mắt 3 cuốn sách dịch

TỌA ĐÀM CUỐN SÁCH ĐỜI TÔI SỐ THỨ NHẤT – AI CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH TÁC GIẢ

What do you think?

132.2k Points
Upvote Downvote

Written by Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Tình hữu nghị quốc tế cao đẹp qua tác phẩm “Biên khu Việt Quế”

Giao hòa tâm linh