in

Anh Hồng và những câu thơ xô lệch

Thế giới của “Tôi & Đêm, và…” tràn ngập những khoảng lặng và những câu hỏi. Vùng suy tư của người viết bắt rễ từ những khắc khoải cá nhân rồi tỏa lan đến những câu chuyện bề bộn khôn lường của nhân sinh. Khi tác giả viết trong tâm thế bất an bởi những âu lo giằng xé, con chữ hiện lên cũng trăn trở nhọc nhằn. Phải chăng vì thế, thay vì trau chuốt cho du dương vần điệu, người viết trình hiện “những câu thơ xô lệch”.

Bìa tập thơ “Tôi và đêm, Và…” của tác giả Anh Hồng

TRONG THĂM THẲM BÓNG ĐÊM

Trong ý nghĩa mang tính biểu tượng, “Đêm” hàm chứa hai thái cực, một mặt nó là những khoảng tối bí mật và sự tăm tối xấu xa, mặt khác nó là cái khởi đầu cho sự sống mới, chuẩn bị cho sự hồi sinh. Chọn tiêu đề tập thơ là “Tôi & Đêm, và…”, tác giả đã lựa chọn một vùng thẩm mỹ mà ở đó người viết đặt mình trong trạng thái đi giữa thất vọng và khát vọng, bi phẫn và yêu thương.

Tác giả Anh Hồng

Có khi, đêm là một cõi riêng mà tác giả lẩn trốn những quay cuồng tha nhân, để lắng lại mà tự nhìn vào bên trong con người bản thể của mình:

Chìm trong đêm

bồng bềnh muôn ý nghĩ

trôi trong đêm

tôi nhìn tôi câm lặng

(Đêm & Tôi)

Trong cõi riêng của đêm, có thể thấy tác giả thường trực ý thức về sự cô đơn, bé nhỏ của mỗi con người trên cõi sống vô cùng vô tận này. Những ý niệm về bản thể, về sự tồn tại – mất còn được tác giả nhắc đến một cách dày đặc:

Bóng Tôi

đóng dấu vào đêm

(Tôi đi tìm Tôi)

Vậy nên, có thể hiểu được tại sao đêm dịu dàng nhưng lại chứa đựng những giằng xé dữ dội, tại sao đêm tĩnh lặng nhưng lại đem đến những chấn động bất an:

Còn rất nhiều điều đang dang dở

chẳng lẽ lại ngủ quên trong màn đêm êm dịu?

mơ một giấc mơ được bay qua ngọn núi cao nhất chạm đến bầu trời

được khóc cười riêng ta…

(Độc thoại)

Như một ám dụ về phía bên kia của tiềm thức, “Đêm” trở thành thế giới riêng để Anh Hồng tự vấn chính mình cũng như truy vấn đời sống trước những hiện hữu xung quanh. Thế giới riêng ấy, tưởng như để tác giả bước vào, nhưng rồi chính là để tác giả bước ra…

GIỮA MUÔN VÀN KẺ KHÁC

Nếu như trong các tập thơ ở giai đoạn trước (Mùa bánh kiến, Người đàn bà qua hai mùa tóc), tác giả phần nhiều gửi gắm xúc cảm cho những nỗi niềm riêng tư, thì đến tập thơ này người viết đã mở sang một cánh cửa mới trong sáng tạo khi dồn nén phức cảm cho những ưu tư về vận thế. Những biến động của đời sống, của thế giới đã dội vào tác giả những chấn động tâm can. Mỗi câu chuyện phận người đã trở thành ám ảnh trầm sâu để thôi thúc tác giả trút hết mình vào con chữ, như một ứng xử tự nhiên của bổn phận.

Bìa tập thơ “Tôi và đêm, Và…” của tác giả Anh Hồng

Đó là sự bàng hoàng nhức nhối trước câu chuyện đại dịch Covid-19, một biến cố mang tính thời điểm, nhưng những tang thương mà nó để lại thì sẽ còn mãi mãi ám ảnh:

Cơn mưa chiều tê tái

tang thương phủ trắng trời

những đoàn xe chật ních xác người lương thiện

phố trầm mặc cúi đầu

hoàng hôn ứa máu

chân trời

tả tơi…

(Sài Gòn 2021…)

Đó là những cảm thương, đồng vọng khi ngẫm nghĩ về bao phận người mong manh bất hạnh trên cõi thế vốn nhiều bất trắc này:

Ào ào cuộc hồi hương qua sa mạc trắng

đoàn người khát khô xúm quanh chiếc giếng cạn

chờ đến lần xin ngụm nước cầm hơi…

(Ngày khắc khoải trôi trong khoảng trắng)

Đó còn là những khoảng lặng với từng câu chuyện, từng hoàn cảnh, từng kiếp người mà tác giả chứng kiến. Lặng mình trước câu chuyện một người đàn bà điên cõng màn đêm đặc quánh cất lên tiếng thét lạc loài đi tìm con trong vô vọng, bất lực. Lặng người trước câu chuyện một người đàn ông chỉ còn hai con mắt buồn như mảnh trăng vỡ tự ba ngàn sáu trăm năm trước chìm sâu đáy bể với những khẩn cầu và khát vọng hồi sinh. Lặng mình trước số kiếp cô gái trẻ yểu mệnh tóc mây môi hồng, cây bị đốn ngang thân, hoa bị bão dập vùi với bàn tay mềm lá úa mùa thu. Lặng người trong đêm Noel khi nhìn người đàn bà lui cui khâu lưới bên sông, bóng lấp lóa đổ dài theo nhịp sóng, lặng lẽ đếm, đếm từng mũi vá, đếm khắc khoải, lo âu, với những mong mỏi bình dị mà nhọc nhằn về những mẻ lưới ngày mai…

sự thật thê thảm hơn mọi thê thảm

ngôn từ nhảy múa trêu ngươi

thơ bỗng trở thành giấc mơ xa xỉ

ngộ ra hạnh phúc giản đơn ẩn giấu trong những điều bình dị

Người được gần Người!

Người được bên Người!

Người được nghe tiếng Người…

(Ngày khắc khoải trôi trong khoảng trắng)

Cuộc sống bất toàn bất định đến khôn cùng, và con người bé nhỏ đang bị cuốn vào vòng quay vận thế với đầy rẫy những khổ đau, mất mát, tồi những toan tính, nhỏ nhen, mê lầm. Tác giả bẽ bàng nhận ra sự bất lực của chữ nghĩa, thơ ca, khi trong đời sống này con người ta chưa làm được ngay cả điều bình dị nhất là bên nhau, gần nhau, cùng nhau…

Bức thư pháp trong tập thơ

Điều đáng nói nữa ở đây, giữa những biến động nhân sinh ấy, tác giả vẫn tìm lại được cho mình một góc riêng bình lặng, lắng sâu, ấy là khi chị quay về với tình yêu – một tình yêu đã được cất giữ qua thử thách thời gian:

Em đan tay dưới sợi sợi thời gian

nghe năm tháng hắt lên bao mùa tóc…

(Em đan tay dưới sợi sợi thời gian…)

Bức thư pháp trong tập thơ

Phải là người phụ nữ yêu thương đến độ nào, chị mới cảm nhận được những rung động thành thật thẳm sâu, mới lắng nghe từ lòng mình những thương nhớ ngân vang như thế:

Nghe lời yêu âm âm trong gió

nghe lời thương lắng đắng trong mưa…

(Tận cùng một giấc mơ)

Với thơ, tâm thế viết cho ta hiểu được tâm thế sống. Bởi lẽ không ở đâu người viết trình hiện mình chân thật như trong thơ. Cũng như vậy, với tập thơ này, người đọc hình dung rõ hơn về một Anh Hồng sống yêu thương, trách nhiệm và quyết liệt. Những câu thơ “xô lệch” hẳn sẽ khiến tác giả phải đánh đổi rất nhiều bình yên, nhưng bù lại sẽ giúp chị không phải hối tiếc hay ân hận, bởi lẽ chị đã nói những điều cần lên tiếng.

Phạm Văn Vũ

What do you think?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Tới thăm xứ đồng chiêm trăm nghề, Làng Cựu cổ đưa ta về ký ức

Gặp gỡ đầu xuân giữa Nhóm nữ dịch giả Hà Nội với NSND Tâm Chính