in

Những bài học hay từ bậc tiền bối

Kiều Bích Hậu

Trong một chuyến đi thực tế của đoàn các nữ nhà văn đến Thanh Hóa năm 2017, tôi gặp nữ sĩ Bàng Ái Thơ lần đầu tiên. Ấn tượng lúc ấy của tôi về chị, đó là một phụ nữ có cốt cách quý phái ẩn sau vẻ ngoài bình dị, suồng sã nắng mưa với những vệt thời gian in dấu trên da tóc. Nhưng ám ảnh tôi hơn cả là đôi mắt buồn của chị, buồn hoang hoải mênh mang, cho dù có được lời nói tiếng cười liên tục thắp sáng, thì rồi cuối cùng đôi mắt ấy lại trở về với vẻ buồn lưu ký cố hữu. Điều gì, ai, ẩn ức nào sau đôi mắt buồn khó giấu ấy? Có lẽ rồi ngày nào đó tôi sẽ tìm ra chăng?

Nữ sĩ Bàng Ái Thơ cùng các văn nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trong ngôi nhà trên Đồi Nghệ sĩ, nơi lưu nhiều tác phẩm và di sản của cụ Bàng Sĩ Nguyên.

Nói chuyện với nữ sĩ Bàng Ái Thơ lâu lâu, thì hầu hết thời lượng và nội dung câu chuyện của chị là về bố chị, nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên. Chị kể rất nhiều, nhưng những gì tôi nhớ được là tình yêu lớn và có phần thiên vị của ông đối với con gái, là sự nghiệp cao vời ông để lại có ảnh hưởng sâu sắc tới các con, là sự trao truyền nội lực thâm sâu trong sáng tác nghệ thuật bền bỉ, là tài năng đặc biệt độc đáo khi làm nghề viết, hay vẽ, nhất là phong cách sống bao dung, rộng lượng, hết mình vì mọi người và vì nghệ thuật.

Mùa hè năm 2022, tôi lên Đồi Nghệ sĩ (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) thăm Bàng Ái Thơ, và vinh dự được vào thăm ngôi nhà lưu niệm Bàng Sĩ Nguyên vừa mới được dựng lên trên lưng chừng đồi, dưới hàng thông xanh vi vút gió. Bên bàn thờ ông, là giá sách nhỏ với những cuốn sách mới còn thơm mùi mực in. Hầu hết là sách về họa sĩ, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên và sách thơ của con gái ông. Tôi đã được nữ sĩ tặng cho cuốn sách mới xuất bản nhân ngày giỗ bố chị năm nay, cuốn “Bàng Sĩ Nguyên – Người lữ hành mải miết” (NXB Hội Nhà văn 2022). Đó là cuốn sách do Bàng Ái Thơ tuyển chọn 23 bài ký, bài báo trong số rất nhiều bài viết về Bàng Sĩ Nguyên, vị nhân sĩ để lại dấu ấn khó phai trong làng văn nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ 20, và còn ảnh hưởng mãi sau này.

Là một người cầm bút sáng tác, tôi thấy mình may mắn khi đọc cuốn sách “Bàng Sĩ Nguyên – Người lữ hành mải miết”. Lối sống, phong cách sáng tác của ông thực sự cởi bỏ cho tôi những vặt vãnh đa mang đời thường để có thể dành thời gian vàng cho việc mà mình yêu say đắm nhất, ấy là sáng tác văn học. Trong bài viết tựa đề “Cha tôi giữa đời văn, đời thường”, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Bàng Ái Thơ viết: “Vì muốn được tự do sáng tác nên cụ thích ở một mình. Cụ chọn ở miền Nam vì thời tiết Sài Gòn như cụ nói cũng dễ chịu hơn với sức khỏe của cụ, lại tiện sinh hoạt. Hằng ngày, hàng quà rong qua cửa ghé vào thả vài cái bánh tét, nải chuối, khoai luộc, ổ bánh mỳ… chỉ cần thế thôi cụ đã xong bữa, chứ không câu nệ rườm rà. Cụ tự nấu nướng, giặt giũ, chữa bệnh cho mình, không phải đến bệnh viện bởi sống thanh thản thanh tâm. Cuộc sống nội tại nơi mái nhà nhỏ vừa là xưởng vẽ, vừa là “Tàng thư các”, vừa là góc riêng sách và tọa thiền.” Đọc tới đây, tôi òa lên vỡ lẽ, Bàng Sĩ Nguyên chính là một biểu tượng sống của sự đơn giản trong cuộc sống một nghệ sĩ. Tài danh là thế, những tác phẩm nghệ thuật của ông được sưu tập, được trưng bày cả trong và ngoài nước, bộ tranh Kiều của ông còn đang trưng bày trong bảo tàng tranh Hoàng gia Nhật. Vậy mà ông sống khiêm cung, đơn giản lạ thường. Càng đơn giản bao nhiêu, ông càng vĩ đại bấy nhiêu. Dường như phải là những người đã vươn tới tầm Thánh nhân mới có được sự tự do an nhiên thoát khỏi những trói buộc của đời sống, lề lối sinh hoạt rườm rà, của hư danh và tiền bạc để dành trọn cái tâm cao vời, trái tim và tâm hồn nhẹ bẫng, thanh sạch cho nghệ thuật. Sự tập trung tối cao cho nghệ thuật như thế, mới khiến ông có được những vần thơ xuyên thời gian và không gian, sống mãi trong lòng bạn đọc của mọi thời, và khiến ông có thể sáng tác tới hơn 3000 bức tranh kỳ ảo như vậy.

Sách “Bàng Sĩ Nguyên – Người lữ hành mải miết”

Ông dạy con, bài học rất thực tế mà thấm sâu, rất sâu: “Thời gian của bố phải giành giật nhiều cho công việc. Con đừng bận lòng nhiều, cả con sau này cũng vậy. Rồi con sẽ quý từng khắc thời gian. Cho nên chúng ta đừng câu nệ, cứ quẩn quanh mấy cái việc sinh hoạt là không còn thời gian cho công việc nữa đâu.” Bài học ấy, ông không chỉ trao truyền cho con gái Bàng Ái Thơ, mà còn trao truyền cho tôi, một người vinh hạnh được tặng cuốn sách “Bàng Sĩ Nguyên – Người lữ hành mải miết”, và biết bao bạn đọc khác tiếp theo được đọc cuốn sách này. Thông điệp ấy của Bàng Sĩ Nguyên có sức lay động mãnh liệt tư duy về thời gian và cách chúng ta sống trên đời, có thể tạo ảnh hưởng thay đổi căn bản cho sức mạnh nội tại của dân tộc này. Nếu tất cả chúng ta đều thấm thông điệp đó, tự rèn luyện mỗi ngày thật kiên tâm, và tập trung thời gian, năng lực cho công việc có ích, thì bản thân mỗi người sẽ phát triển tận lực, thì đất nước này sẽ thịnh vượng vững bền.

Chính Bàng Ái Thơ chia sẻ: “Tôi học được ở bố rất nhiều. Ông giảng cho tôi nghe và nói chuyện với tôi bất kỳ lúc nào mà cha con tôi rảnh, dù chỉ mươi phút. Người đời cứ nói “Bụt chùa nhà không thiêng”. Ai thì không biết, chứ riêng tôi kính phục bố vô cùng. Tôi có thể đọc thơ ông, ngắm tranh ông vẽ và nghe ông giảng cả ngày không biết chán.” Chi tiết này trong sách cũng mang tính thức tỉnh đối với bất cứ người cha nào, người con nào. Chúng ta ngày nay thấy nhan nhản những câu chuyện bố mẹ mải làm ăn, bỏ con lại cho người giúp việc, giữa hai thế hệ không tạo được thói quen kết nối nên dù bố mẹ có thành đạt cỡ nào thì con cái cũng lại hỏng, xảy ra biết bao tai họa đau lòng… Trong làng văn chúng ta, cũng có những trường hợp nhà văn rất nổi tiếng, nhưng con cái chẳng những không theo nghiệp cha mẹ mình, không cầm bút mà còn chẳng thèm đọc những trang văn của bậc sinh thành, thậm chí phá phách khiến người cha, người mẹ đã theo nghiệp cầm bút nhọc nhằn mưu sinh, lại còn phải chịu đựng kẻ phá gia chi tử suốt đời. Như vậy, không phải anh cứ có tài, cứ nổi tiếng thì rồi con cái anh nó tự động noi theo mà làm đâu. Và tại sao Bàng Sĩ Nguyên lại có được những đứa con không chỉ nối nghiệp nhà, làm sáng danh ông cha, lại còn tạo nên tên tuổi lừng lẫy cho chính mình? Sự bền vững ấy chỉ có được, khi người cha của họ, nhân sĩ Bàng Sĩ Nguyên ngoài là một nhà thơ, họa sĩ, còn là một nhà nghiên cứu triết học thâm sâu. Minh triết đông tây kim cổ ngấm trong máu ông, thấm đẫm trong tư duy, trong từng tác phẩm, và chuyển hóa thành lối sống thanh cao giản đơn thường ngày, mấy ai đạt tới được?!

Bởi cũng có ai như ông, trong ngôi nhà nhỏ bé, mà lối đi chỉ hẹp bằng chiều ngang viên gạch lát nền, thì thứ tài sản nhiều nhất là sách và tranh. Về sách, ngoài những chồng bản thảo thơ phải đóng lại tính bằng bao, thì là những chồng sách cao chất ngất, toàn là sách triết học, y học, thần học. Tranh không có chỗ treo, xếp chồng lên nhau, cuộn lại những phác thảo chen chúc. Đó chính là thế giới diệu kỳ của ông, một thế giới nghệ thuật sống động, một không gian hạnh phúc tỏa ngời, đời này mấy ai có được. Chính vậy, trong cuốn sách này, tác giả VL viết: “Với Bàng Sĩ Nguyên không chỉ về thơ, họa mà ông khiến những ai ngồi đối diện phải tôn trọng bởi những tri thức rất sâu về triết học, Phật học. Ông chia sẻ về triết lý sống của mình, dù cuộc sống có nhiều biến cố, nhưng phải luôn lấy cái bấp bênh làm vững chắc, lấy cái đơn giản làm phồn vinh và lấy thất bại làm thành công.” Nếu không thấu thị đời sống, biết vòng xoáy tử sinh luân hồi, tính hai mặt âm-dương, thì làm sao ông có thể ung dung tự tại mà vượt qua bao biến cố thăng trầm cùng thân phận đất nước và thân phận riêng mình, thân phận gia đình mình, để dẫn dắt đàn con cháu đông đúc đến thế giới của nghệ thuật thăng hoa, để bản thân ông đạt đến tuổi 92 mới nhẹ nhàng bay xa cõi trần.

Điều tuyệt vời nữa ở Bàng Sĩ Nguyên, mà qua cuốn sách này, tôi được sáng tỏ, đó là cái lối trẻ trai vĩnh viễn ở phong cách người nghệ sĩ. Tôi cứ đọc đi đọc lại, để mình được ngắm cảnh này, không gian này: “Với đôi guốc mộc dưới chân, cọc… cách… cụ đi dạo trong vườn với mấy vần thơ:

“Ơi Hồ Xuân Hương

Có mảng trời xanh chết đuối

Tôi muốn vớt trời xanh

Nhưng không vớt nổi

bởi

Có bao giờ cứu nổi mình đâu…”

Nhà hiền triết già ơi! Kiến thức phương Đông, kiến thức phương Tây đầy ắp trong cụ. Vậy mà cụ vẫn sống tự nhiên như cây cỏ, chim nhỏ ngoài trời. Vô tư không màng hám danh lợi, dùng cây bút, con chữ và những mảng màu để quân bình sự mình, sự đời.”

Ông không bao giờ nghĩ đến tuổi già, bởi ông chẳng thể già. Với năng lực làm việc như thế, sự hồn nhiên như thế, thì thời gian dường như không thể chạm nổi vào ông. Thực ra, ông thoát ra khỏi chiều thời gian đơn tuyến, không nằm trong dòng thời gian trôi. Ông vẫn tự nhiên nói với các con, như một lời khẳng định chắc chắn: “Khi nào bố già, bố sẽ,…” Chỉ đơn giản là ông không thể già được, dù ông có tiến tới tuổi đời lý tính nào đi chăng nữa. Chính ông, đã chỉ cho tôi một điều huyền bí của sự “trẻ mãi không già” mà tôi đã cất công đi tìm bao lâu nay. Trân trọng và biết ơn ông mãi mãi.

Chú thích ảnh:

  1. Sách “Bàng Sĩ Nguyên – Người lữ hành mải miết”
  2. Nữ sĩ Bàng Ái Thơ cùng các văn nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trong ngôi nhà trên Đồi Nghệ sĩ, nơi lưu nhiều tác phẩm và di sản của cụ Bàng Sĩ Nguyên.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Vài nét về  nhà văn Márcia Batista Ramos, Brazil

Thơ Mukhlisa Eshpulatova (Uzbekistan)