in

LÀM THẾ NÀO THÍCH ỨNG VỚI MỌI HOÀN CẢNH?

Trần Thị Lộc là sinh viên lớp dược 1D1-DH 03 – Khoa Y Dược – Trường Đại học Thành Đông. Quê em ở Thái Thụy, Thái Bình. Vừa đi học, vừa đi làm nhưng em là một tấm gương ham học, vượt khó để được học và em đã đạt điểm giỏi trung bình 9,0. Không những thế, em còn là một cán bộ mẫn cán của ngành dược, một Đảng viên gương mẫu của Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy – Thái Bình.

Sinh viên Trần Thị Lộc cùng tác giả – cô giáo Khuê Anh tại sân trường Đại học Thành Đông

Một trưa mùa hè oi ả tháng năm, tôi vừa bước vào phòng nghỉ của giáo viên, kịp bật điều hòa lên và với tay rót cốc nước lọc. Bỗng có tiếng gõ cửa:

– Cạch, cạch, cạch.

Ai thế nhỉ. Tôi thầm nghĩ và bước ra.

– Em chào cô.

Một khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn của cô học trò lớp dược chào tôi, hơi bẽn lẽn ngại ngùng.

– Vào đây em.

Chưa biết em định gặp tôi về việc gì, nhưng tôi vẫn mời em vào phòng.

– Thưa cô, đang giờ nghỉ trưa, em chỉ xin cô một việc thôi ạ. Cô cho em thêm bài tập để em rèn luyện được không ạ?

Tôi chững lại mất mấy giây. Đã lâu lắm rồi, muốn các sinh viên của mình giải quyết hết các bài tập trên lớp đã là khó thực hiện, nay lại có một cô học trò xin thêm bài sau khi môn học đã kết thúc thì thật hiếm.

– Được, được em ạ. Cô sẽ gửi cho em. Tôi vội nói.

Thế rồi cô học trò nhỏ của tôi đi xuống và ngay tối hôm đó tôi gửi liền cho em.

Sinh viên Trần Thị Lộc trong giờ thực hành tại trường Đại học Thành Đông

Bẵng đi một thời gian, công việc bận rộn, tôi cũng không nhớ tới chuyện đó nữa. Một hôm, trong lúc trà dư tửu hậu, nói chuyện lan man, một anh đồng nghiệp vốn là Tiến sĩ hóa học có tiếng bỗng nhắc đến cô học trò của tôi: “Thật đặc biệt, cô bé này không chỉ chịu khó học hành mà khi hết kỳ học rồi vẫn xin tôi thêm bài tập”. Chà chà, vậy là môn của tôi không phải môn duy nhất em xin thêm bài.

Tôi bắt đầu dự định trò chuyện với em để biết thêm về tâm tư của một con người, nhưng vẫn chưa có dịp. Thế rồi hôm đó vì cần danh sách các bạn sinh viên tham gia chống dịch covid nên tôi nhắn cho lớp phó học tập là em. Em vội vàng:

– Vâng thưa cô, em sẽ tập hợp rồi gửi ngay cho cô ạ.

Nhân lúc thảnh thơi, tôi và em bắt đầu chat. Lúc này tôi mới biết, phía sau cái khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn kia là một cuộc sống khá vất vả. Năm 2002, do điều kiện riêng em chỉ được đi học trung cấp dược ở Hải Dương. Tốt nghiệp xong em vào làm trong ngành một thời gian rồi trúng tuyển vào biên chế của Bệnh viện đa khoa Thái Thụy. Mãi đến năm 2015 em mới thu xếp được để học lên hệ cao đẳng, chế độ tự túc. Em nói với tôi: “Em học vì ham muốn có kiến thức để hiểu biết, để làm việc chứ không phải vì nhu cầu tăng lương cô ạ”. Ước mơ không dừng lại ở đó, năm 2021 em tiếp tục trúng tuyển vào khoa Y Dược – Trường Đại học Thành Đông cũng vẫn chế độ tự túc. Vì hai lần đều không phải do bệnh viện cử đi, nên mức lương của em chỉ được hưởng ở bậc trung cấp. Thực sự quá thiệt thòi, thế mà em vẫn hồ hởi một cách chân chất: “Đi học em thấy mình hạnh phúc lắm cô ạ, ăn ít cũng được”. Mơ ước đi học của em được chồng rất hiểu và ủng hộ nhiệt tình. Mặc dù vậy, những khó khăn đặc biệt vẫn cứ chọn em để neo đậu. Em có một đứa con sức khỏe bị yếu, vợ chồng em thường xuyên phải đưa con đi viện. Điều này đã cản trở rất lâu ước mơ đi học của em. Em kể: “Hồi chưa đi học, đêm ngủ em toàn mơ được đi học, đi thi. Đến lúc tỉnh dậy lại không phải, em buồn lắm cô ạ”. Tôi cũng khá bất ngờ với niềm khao khát học tập không ngừng của em. Không nghĩ rằng bên trong cô gái mộc mạc, trẻ trung kia lại là một con người có ước mơ giản dị nhưng cháy bỏng đến thế.

Sinh viên Trần Thị Lộc trong giờ làm việc tại Bệnh viện đa khoa Thái Thụy – Thái Bình

Nhớ lại những ngày covid, cô trò thường nhắn tin thăm hỏi và động viên nhau. “Cô ơi, tỉnh em hôm nay lên đến hơn 1000 ca rồi, lo lắng quá cô ạ. Các bạn bên y thì vất vả hơn bên dược bọn em”. Rồi em kể vì chồng em trong quân đội, thường xuyên phải tham gia rất nhiều những nhiệm vụ khó khăn nên em chỉ có thể tham gia chống dịch vòng ngoài. Em nói vậy nhưng tôi thấy mỗi vị trí, mỗi nhân viên y tế đều có những vất vả riêng. Đúng thời điểm Thái Bình là tâm dịch, em lại bị nhiễm lao khi thử test phát hiện lao sớm. Nhưng không vì thế mà em buồn bã hay trễ nải công việc. Nhìn thấy đồng nghiệp phải làm việc cực nhọc ở bệnh viện dã chiến, dù bản thân đang rất nhiều khó khăn nhưng em vẫn thu xếp đi trực thêm để chia sẻ với mọi người. Chuyện trực hộ đồng nghiệp của em thì nhiều vô kể. Có trường hợp thấy bạn vừa học vừa làm, em trực giúp. Chị bạn con nhỏ, bầu bí, em trực giúp. Có bạn ở quê xa em nhận trực Tết giúp. Có những ngày bị ốm mà em vừa truyền dịch vừa làm việc. Tôi kêu lên: “Em phải biết chăm sóc cho bản thân chứ”. Lại có dịp chồng thì trực bên quân đội, con ngã vết thương bị khâu phải nhập viện thế mà ba mẹ con dắt díu nhau vào bệnh viện, vừa trực vừa trông con. Em nói: “Em phải thích ứng với các hoàn cảnh cô ạ”. Tôi thật sự khâm phục tinh thần và ý chí phấn đấu của em.

Hai vợ chồng em Trần Thị Lộc

Việc thấm nhuần kiến thức cùng trái tim nhân hậu đã giúp em nhiều trong công việc. Em bảo chuyện nghề, chuyện tư vấn cho bệnh nhân đến mua thuốc thì nhiều lắm. Nhưng em nhớ nhất một lần, ngày đó em mới tốt nghiệp cao đẳng, một chiều mùa đông se sắt lạnh, trời đã xâm xẩm tối, em đang chuẩn bị đóng cửa hiệu thuốc để về thì có một cô gái bế con nhỏ đi vào như trong chuyện cổ tích. Em ngẩng lên và nhìn thấy một khuôn mặt đẹp như Đức Mẹ đầm đìa nước mắt. Trong giây phút, em ngừng tay thu dọn và hỏi: “Em ơi, có chuyện gì thế em?”. Người mẹ trẻ đáp: “Chị ơi, con em không chịu bú mà em không biết phải làm thế nào. Nay cho ra phòng khám tư thì bác sĩ bảo không làm sao”. Nói rồi cô ấy lại khóc nấc lên. Chắc là lần đầu có con nên chưa có kinh nghiệm và dễ bị lo lắng. Em bèn thử mở miệng cháu bé xem thì thấy có dấu hiệu nấm miệng. Em nhớ lại lần con em cũng bị như thế này và bác sĩ kê thuốc Daktarin Oral gel 10g. Làm thế nào bây giờ nhỉ, vì về nguyên tắc thì dược sĩ không được phép kê đơn cho bệnh nhân. Suy nghĩ rất nhanh, em nhớ đến kinh nghiệm dân gian và mách cho cô ấy về nhà lấy lá trà xanh dùng thử tối nay. Rồi đưa cho cô ấy tuýp thuốc Daktarin Oral gel 10g cùng số điện thoại của bác sĩ nhi. Dặn cô ấy: “Tối nay về chưa vội bôi ngay cho cháu, sáng mai em cho cháu đến khám, nếu bác sĩ kê đúng thuốc này thì em không phải mua nữa, dùng tuýp này bôi nhé”. Chiều tối hôm sau, cô ấy gọi cho em, giọng mừng rỡ: “Chị ơi, đêm qua đánh tưa bằng lá trà xanh cháu đã nhúc nhắc bú. Sáng nay bác sĩ kê đúng thuốc chị đưa và giờ thì cháu đã bú gần bình thường rồi. Em cảm ơn chị nhiều lắm”. Em bảo những lần tư vấn đúng cho bệnh nhân em vui lắm. Có được điều đó vì em luôn học kỹ kiến thức thầy cô giả

Thời gian trôi qua, rồi cũng đến cuối kỳ. Tôi đang xem điểm của sinh viên thì một cô giáo đi tới, ngó quyển sổ, cô chỉ tay vào một cái tên rồi bảo: “Cô bé Lộc này ham học lắm. Mình giảng mà em cứ lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Bài vở chép rất cẩn thận, sạch đẹp phẳng phiu”. À ra thế, em không chỉ ham học một môn, hai môn, mà còn rất nhiều những môn khác nữa. Hầu hết các môn em đều được 9, 10. Tổng kết trung bình đạt điểm giỏi 9,0.

***

Gió chiều hiu hiu thổi từ phía con sông Sặt mang nhiều huyền thoại. Nhớ lại những lần nói chuyện với tôi, em vui lắm. Còn tôi nhìn em với nụ cười hạnh phúc của người thầy và thầm cảm ơn cuộc đời này có những con người đáng quý. Em như một bông hoa đẹp của đồng nội muốn tận hiến hết mình cho những gì gần gũi xung quanh, cho cuộc đời. Em là Trần Thị Lộc, sinh viên lớp dược 1D1-DH 03 – Khoa Y Dược trường Đại học Thành Đông.

Chúc em hạnh phúc và toại nguyện ước mơ trở thành Dược sĩ của mình.

Ghi chép của Khuê Anh

 (Hải Dương, một ngày hè 2023)

What do you think?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Thơ song ngữ Nguyễn Sỹ Bình

SaVipharm và Bí quyết thành công: Sức mạnh của ‘Chính xác, Chi ly, Kỹ lưỡng’ trong ngành Dược