in ,

TS. Phan Quốc Việt: Thay đổi bản thân để dịch chuyển số đông

Xukhôm Linxki – nhà giáo dục vĩ đại, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô – đã từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Dấu ấn của TS. Phan Quốc Việt có lẽ chính là hành trình đầy chông gai, kịch tính, nhưng cũng là những tháng ngày hạnh phúc tột cùng với những đứa trẻ tự kỷ.

Tháng 2/2022 tại Trụ sở Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam, TS. Phan Quốc Việt đã vinh dự nhận Huy chương Vàng và giải Đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIIPA) với công trình “Kiến tạo hệ sinh thái thực chứng – Huấn luyện dịch chuyển người tự kỷ”. Đây là giải thưởng xứng đáng cho những giá trị mà ông mang đến cho cộng đồng.

Tiến sĩ/Lương y Phan Quốc Việt

Thành công với giải pháp “kích hoạt ngược”

Tự kỷ là tên gọi một hội chứng khi trẻ bị khiếm khuyết trong giao tiếp và tương tác với mọi người, khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, dẫn đến giảm khả năng hòa nhập xã hội. Đặc biệt, với những người tự kỷ trưởng thành, để có được một công việc thích hợp là chuyện không hề dễ dàng. Khi mang trong mình căn bệnh này, trẻ cần có sự cảm thông từ cộng đồng, cần có người đủ tin tưởng để hỗ trợ tìm lại cân bằng trong cuộc sống.

Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, TS. Phan Quốc Việt cho rằng nếu như gia đình phát hiện và phát triển được những điểm mạnh của trẻ, thì chứng tự kỷ không phải là một gánh nặng quá lớn đối với họ. Song, để tìm thấy điểm mạnh hay là người đủ tự tin giúp trẻ tự kỷ trong cuộc sống thì cần phải áp dụng những phương pháp đặc thù. Dĩ nhiên, điều này vô cùng khó.

TS. Phan Quốc Việt dành trọn tâm huyết để nghiên cứu bài toán khó, và cuối cùng ông đã tìm ra một giải pháp nhằm phát triển tối ưu tài năng của trẻ tự kỷ, đó là kích hoạt ngược.

Về cơ bản, phương pháp này dùng hành động để chuẩn hóa hệ thần kinh vận động rồi dần dần giúp người tự kỷ phát triển tư duy và cảm xúc. Đánh thức hệ thần kinh bằng cách đan xen một cách hài hòa các hình thức vận động như: tung bóng, đội chai trên đầu, giữ thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp một bánh…

Những hoạt động này đòi hỏi tính nhẫn nại rất lớn, phải được kèm cặp thường xuyên và liên tục. Bởi lẽ, người bình thường thực hiện những việc này đã rất khó, người tự kỷ tăng động, giảm tập trung lại càng khó hơn.

Bước đầu tiên, phải tập đơn lẻ từng loại bài tập và bắt đầu từ giản đơn đến khó hơn, cuối cùng là bài tập phức hợp ghép 3 trong 1 (đội chai, tung bóng trên con lăn hoặc xe đạp một bánh). Với các trẻ mắc chứng tự kỷ, theo TS. Phan Quốc Việt, ngoài việc nuôi dạy trẻ trong môi trường yêu thương thì việc kết hợp các biện pháp khoa học cũng rất quan trọng. Đây chính là “liều thuốc mạnh” giúp trẻ mở lòng hơn, tự tin hơn khi thể hiện sở trường của bản thân, từ đó trẻ không cảm thấy lạc lõng.

Sau một thời gian áp dụng những ưu điểm của kích hoạt ngược, việc dạy trẻ tự kỷ dần trở nên hoàn thiện và có những kết quả đáng kinh ngạc: những đứa trẻ tự kỷ có thể hiện diện với hình ảnh tự tin, phát triển được những sở trường đặc biệt của bản thân. Quả thực, đó là một sự lột xác ngoạn mục so với suy nghĩ cố hữu về trẻ tự kỷ: rụt rè, sợ sệt, thiếu nhanh nhẹn.

TS. Phan Quốc Việt cũng hết sức bất ngờ về kết quả này, ông cho rằng thực tế vượt xa mong đợi của chính ông và đồng nghiệp. Những đứa trẻ ban đầu không kiểm soát được hành vi, thường xuyên la hét, giật đồ ăn,… lại có thể có được những nhận thức về cuộc sống, tương lai có thể trở thành diễn viên xiếc, trợ giảng, diễn giả ngay chính cơ sở nơi các em đã từng rèn luyện và học tập.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất là câu chuyện của cậu bé Nguyễn Khôi Nguyên. Trước khi được gửi gắm ở Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, Khôi Nguyên bị tự kỷ dạng tăng động giảm tập trung, chỉ biết giằng giật đồ chơi, thức ăn của những người xung quanh,… Sau 2 năm được đào tạo bài bản theo các phương pháp của Trung tâm, cùng với sự nỗ lực của bản thân, Khôi Nguyên đã có những bước phát triển đặc biệt. Và giờ đây, cậu bé đã có thể ngồi ăn một cách lịch sử, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi và phân biệt được sáng – tối. Cậu bé còn có thể vừa đội chai, vừa tung hứng 8 bóng trong khi đứng trên 3 con lăn hoặc di chuyển trên xe đạp 1 bánh. Nhìn thấy sự dịch chuyển mỗi ngày của Khôi Nguyên, gia đình và thầy cô đã có thể an lòng và tự hào bởi họ đã hỗ trợ cháu đi trên một con đường đúng đắn và dần trưởng thành.

Tháng 6/2023, Nguyễn Khắc Hưng – cậu bé bị chứng tự kỷ nặng được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận. Góp công lớn vào kỷ lục này có bàn tay của Tiến sĩ/ lương y Phan Quốc Việt. Nguyễn Khắc Hưng sinh ngày 16/9/2009. Kết quả khám của Khắc Hưng tại bệnh viện ngày 9/6/2023 ghi: cá nhân xã hội như trẻ 5 tuổi, vận động tinh 4 tuổi, ngôn ngữ dưới 2,5 tuổi, vận động thô 6 tuổi, biểu hiện thờ ơ với xung quanh, hạn chế giao tiếp mắt, hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhận biết hạn chế nhiều so với tuổi, cười vô cớ, thang điểm CARS là 47/60, tự kỷ nặng cấp độ 3.

Đáng nói, mẹ của Khắc Hưng vướng vòng lao lý từ khi em 2 tuổi, bố mất khi em chưa đủ 14 tuổi. Từ năm 2022, Hưng được nuôi nấng, dạy tại dỗ Trung tâm Tâm Việt. Chỉ đúng một năm sau, ngày 21/6/2023, Khắc Hưng đã trở thành nhân vật nắm giữ Danh hiệu Kỷ lục Thế giới Guinness. Kỷ lục mới của Nguyễn Khắc Hưng là đứng thăng bằng trên bóng, đội bóng trên đầu, tung hứng 3 bóng trong thời gian lâu nhất (35 phút 9 giây). Kỷ lục đó được thực hiện vào ngày 21/6/2023. Hiện nay, Khắc Hưng đang chuẩn bị đăng ký các kỷ lục khác về giữ thăng bằng và tung hứng, khuyến khích các bạn tại Trung tâm trẻ tự kỷ Tâm Việt cũng đăng ký lập kỷ lục và thể hiện tài năng độc đáo của mình.

Mặc dù lựa chọn hành trình nhiều chông gai, thử thách nhưng nhìn thấy sự trưởng thành của các thiên thần nhỏ, TS. Phan Quốc Việt vô cùng tự hào. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao dành cho ông và là động lực để ông tiếp tục sứ mệnh yêu thương, chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Trong thời gian tới, mục tiêu của Trung Tâm Phát triển Con người Tâm Việt là định hướng cho trẻ học Tiếng Anh cùng nhiều hoạt động bổ ích khác nhằm tạo cho các cháu khả năng giao tiếp, phát triển thêm ngôn ngữ, văn hóa; đồng thời tạo môi trường hòa nhập, hội nhập với thế giới xung quanh; cân bằng hài hòa tâm lý, đời sống, khai mở khả năng, để bản thân các em luôn được tỏa sáng.

Từ miễn phí đến… vô giá

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nơi mà cằn cỗi được coi là “đặc sản”, khắc khổ được xem là “thương hiệu”, TS. Phan Quốc Việt hiểu thấu những vất vả mà thiên nhiên gieo vào mảnh đất này.

Thời trẻ, ông rất mặc cảm, tự ti bởi xuất thân của mình. Suy nghĩ tiêu cực luôn thường trực trong tâm trí ông. Phan Quốc Việt thích học toán nhưng tự cho rằng mình không đủ khả năng để trở thành nhà toán học, nên ông chọn lựa ngành cơ khí chế tạo máy – ngành khoa học được cho là thời thượng của thập niên 1970.

Tiến sĩ/Lương y Phan Quốc Việt. Nguồn: Soha

Với thành tích học tập tốt, ông được Nhà nước cử đi học ngành nghiên cứu chế tạo máy dệt ở Tashkent, thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan thuộc Liên bang Xô viết. Xuất phát điểm là số 0, lại theo học môn ngôn ngữ mới là tiếng Nga ở Tashkent, bản thân ông đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Và rồi, thành công luôn đến đối với những người xứng đáng. Ông đạt kết quả học tập xuất sắc ở cuối năm học. Thành tích đó đã khiến cho ông “bị” điều lên học ở ĐH Tổng hợp Lomonoxov, ngành Địa vật lý. Lúc này, mặc cảm, tự ti vẫn còn đeo bám ông. Sợ bản thân không xứng đáng được học tập cùng với “những người xuất sắc trên thế giới” nên phải được đại sứ quán vận động mấy lần, chàng thanh niên Phan Quốc Việt khi đó mới dám khăn gói lên Moscow học.

Thời gian học tại xứ sở Bạch Dương giúp ông tự tin hơn rất nhiều, từ đó ông mạnh dạn tham gia các hoạt động học tập và nghiên cứu. Ông nhận tấm bằng Cử nhân Địa vật lý (Đại học tổng hợp Lômônôxốp, 1971-1977) và sau đó không lâu là bằng Tiến sĩ toán lý (Đại học tổng hợp Lômônôxốp, 1984-1988).

Trở về nước, TS. Phan Quốc Việt lựa chọn làm việc trong ngành dầu khí. Qua mười mấy năm làm việc, tâm trí ông vẫn luôn mang theo một nỗi ám ảnh mơ hồ, rằng hình như mình chưa tìm thấy chính mình. Bởi vậy, ông nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường, mà ở đó, ông có thể ngừng trăn trở về những giá trị cốt lõi của bản thân. Một nơi mà ông có thể thỏa sức được làm việc, bung hết năng lực, sức mạnh nội tại, tình yêu thương và niềm đam mê.

Từ năm 1997 đến năm 2002, giai đoạn sự nghiệp của TS. Phan Quốc Việt gặp nhiều biến cố, đặc biệt là khi đang làm Chánh văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, ông sang Tổng Công ty Hồ Tây làm ủy viên Hội đồng quản trị, nhưng chỉ ở đó một thời gian ngắn rồi về làm Giám đốc Công ty dầu khí Hà Nội. Được một thời gian, ông quyết định ra ngoài mở Công ty Tâm Việt. Rất nhiều người đồn đoán về quyết định này của ông. Có tin đồn ông bị kỷ luật, mất chức, khiến gia đình cũng bị ảnh hưởng. Nhưng, quyết định này dường như là một dấu mốc vô cùng to lớn. Ông cho rằng, nếu không phải là lúc này thì sẽ không bao giờ ông được cất cánh với ước mơ thực sự.

Con đường sự nghiệp của TS. Phan Quốc Việt rẽ sang hướng mới, nhiều khó khăn và thử thách hơn cả nửa trước cuộc đời của ông.

Thời gian đầu tiên, ông thuyết phục các bạn trẻ cho ông được dạy họ miễn phí, khi có được sự hài lòng tuyệt đối của người học, ông mới bắt đầu thu tiền học phí. Thậm chí, ông còn phải tự tay dán từng mẩu giấy, đi phát tờ rơi, tờ quảng cáo cho từng lớp học kỹ năng mềm của mình, rồi cũng tận mắt nhìn thấy người ta ném hết tờ rơi vào sọt rác. Ông xem như không có chuyện gì. Với ông, muốn có được thành công thì phải đi qua những chông gai ấy.

Ông không ngừng suy nghĩ và tiếp tục chia sẻ. Trong năm 2000, ông đã tổ chức dạy được lớp học đầu tiên có thu học phí. Lớp học khi đó chỉ gói gọn trong một căn phòng nhỏ, có khoảng 5-7 sinh viên ở Trung tâm Pháp Việt, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, với một khoản học phí ít ỏi. (Ngay cả bây giờ, khi đã thành công và nổi tiếng với công việc đào tạo kỹ năng mềm, TS. Phan Quốc Việt vẫn chủ trương lấy học phí của sinh viên rất thấp, thậm chí sẵn sàng dạy miễn phí.)

Năm 2001, TS. Phan Quốc Việt đã có thể hướng dẫn giảng viên, các giáo sư ở các trường đại học về kỹ năng giảng dạy hiện đại. Không lâu sau đó, Công ty Tâm Việt của ông ra đời với câu slogan gây sửng sốt: “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”. Đến nay, công ty đã có gần 20 năm tuổi đời và đã trở thành một trong những nơi đào tạo kỹ năng mềm nổi tiếng bậc nhất trên cả nước.

TS. Phan Quốc Việt chia sẻ rằng mẹ ông sinh ra ông lần đầu tiên năm 1954, và ông lại được tái sinh lần hai vào năm 1998. Lý do là bởi trong quãng thời gian đó, ông được thực hiện đúng sứ mệnh của mình, có thể tự tin nói trước cả ngàn người mà không cần micro, nói hết giờ này sang giờ khác mà không biết mệt mỏi.

Nội dung giảng dạy của ông không chỉ gói gọn ở kiến thức chung chung mà còn giúp các học viên khai sáng và đi tìm sứ mệnh cho chính họ. Theo ông, khi tạo hóa ban cho mình một lẽ sống, thì hãy sống làm sao để bản thân có giá trị nhất, và được là chính mình.

Tiến sĩ/Lương y Phan Quốc Việt

Từ những giá trị sâu sắc về cuộc đời, ông đã thực sự thức tỉnh người học, đưa họ ra khỏi cõi mê man mà họ đang sống. “Trước khi đến với tôi, nhiều người không hiểu sứ mệnh là gì. Họ nghĩ sứ mệnh của họ là kiếm tiền nuôi con, hoặc kiếm tiền tiêu cho sướng. Người ta nghĩ sướng là mục tiêu, là kết quả mà không hiểu thực ra sướng là một quá trình. Bao nhiêu người lao vào kiếm tiền rồi khổ sở, trong khi lẽ ra họ phải được sung sướng trong suốt cả quá trình làm việc, nếu họ làm vì sứ mệnh của chính mình. Khi thực hiện đúng sứ mệnh, bạn hãy cứ làm việc, những hoa thơm quả ngọt của cuộc đời sẽ tự tìm đến bạn”, TS. Phan Quốc Việt nói.

Trên hành trình mới, sứ mệnh mới, TS. Phan Quốc Việt đã trở thành diễn giả nổi tiếng, đào tạo rất nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, cho các trường học và tổ chức đào tạo lớn như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân,… Gương mặt của ông cũng trở nên quen thuộc với vai trò MC hoặc diễn giả trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV3,… Ông còn là tác giả của bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” cho học sinh gồm 23 quyển, bán được gần 4 triệu bản, cùng với rất nhiều dự án, bài báo về kỹ năng mà ông đã xuất bản.

Những kết quả ấn tượng đó là minh chứng rõ ràng nhất cho ngã rẽ thần kỳ của ông. Từ thời điểm quyết định thay đổi bản thân, TS. Phan Quốc Việt không chỉ nổi danh trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm mà còn thành công với giải pháp dịch chuyển trẻ tự kỷ, từ những đứa trẻ đáng thương trở thành những tấm gương truyền cảm hứng và động lực cho nhiều người khác.

Chuyện nghề và chuyện đời của TS. Phan Quốc Việt cũng lan tỏa cảm hứng sống đẹp trong một thế giới không ngừng biến động: hãy cảm ơn những sóng gió đã xảy ra trong cuộc đời và chỉ cần không từ bỏ giữa chừng, thì rồi ngày vui sẽ lại đến, nắng lại về sưởi ấm con đường bạn đang đi.

Trang Nhung

What do you think?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Về với quê hương của nhãn ngọt, sen bùi

Chuyện lạ về ‘thần đồng thơ’ Trần Đăng Khoa