in

Vài nét về  nhà văn Márcia Batista Ramos, Brazil

Márcia Batista Ramos là nhà văn Brazil. Cô có bằng Triết học-UFSM, là nhà quản lý văn hóa, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình văn học. Cô cũng là biên tập viên tại tạp chí Conexión Norte Sur Magazzín, Tây Ban Nha. Cô phụ trách các chuyên mục trên báo chí, bao gồm Inmediaciones (Bolivia), báo Exílio (Mexico), Trang tin archive.e-consulta.com (Mexico), Tạp chí Madeinleon (Tây Ban Nha) và tạp chí Barbante (Brazil). Cô đã xuất bản nhiều sách, tuyển tập văn riêng, và cũng xuất hiện trong nhiều tuyển tập chung với các bài tiểu luận, thơ và truyện ngắn. Cô là cộng tác viên cho các tạp chí quốc tế tại 22 quốc gia, là phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học Trung Quốc phiên bản quốc tế (thuộc Liên đoàn văn học và nghệ thuật Hồ Bắc, Trung Quốc).

Márcia Batista Ramos

Truyện ngắn

Tôi thấy hình ảnh Phan Thị Kim Phúc đang chạy trốn

Tác giả: Márcia Batista Ramos, Brazil (Khánh Phương dịch)

Khi những cây cam đã ra trái và tỏa bóng mát cũng là lúc khung cảnh mùa đông vang lên khắp phố phường. Chúng tôi ngồi sưởi nắng và bóc những trái cam mọng nước. Đó là một loại nghi lễ của mùa đông và theo cách chúng tôi cảm nhận, rằng mọi người trên thế gian này đều hạnh phúc. Thời gian trôi qua chậm chạp, nhẹ nhàng, mềm mại đến nỗi tôi tin rằng, cuộc sống này tươi đẹp biết bao và sẽ là vĩnh hằng.

Buổi sáng chúng tôi kể cho nhau nghe những giấc mơ của mình, thời gian như vô tận và chiếc kẹo bông hồng luôn khiến tôi mỉm cười. Chúng tôi luôn hát những bài hát cũ mà được nghe từ cha mẹ và chú bác hát trong các cuộc xum vầy.

Vào ban đêm, chúng tôi thích ngâm thơ hoặc chơi đùa với những cái bóng. Bóng tối đã hóa thân thành các nhân vật và kể những câu chuyện vui nhộn. Điều này tiếp diễn trong tâm trí chúng tôi trong suốt giấc ngủ nồng say.

Bạn bè đến và chúng tôi đi trên cùng một con đường, chúng tôi nhìn vào những đám mây mùa hè và khám phá ra những hình thù mà chúng để lại trên bầu trời. Chúng tôi không hề biết về thế giới khác, về thế giới vĩ đại đã sụp đổ trong chiến tranh.

Một ngày nọ, trong thế giới rộng lớn ấy đã xuất hiện hình ảnh một cô bé khỏa thân đang chạy. Cô bé ấy tên là Phan Thị Kim Phúc ở Việt Nam. Ngày đó tất cả người lớn đều nói về bom Na – pan.

Ngày ấy, tôi không hiểu gì về chiến tranh. Cha tôi nói với tôi rằng chiến tranh là một chuyện đáng buồn, nơi ấy có giết chóc và chết chóc. Khi ấy, chúng tôi rất tò mò nên đã hỏi về chiến tranh, về cái chết. Kể từ khi hiểu ra điều gì đó, vào buổi sáng, chúng tôi không còn mơ nữa. Dường như chúng tôi đã quên giấc mơ. Tôi không hiểu vì sao Phan Thị Kim Phúc lại cởi trần chạy thục mạng như thế. Nhà của cô bé đâu, mẹ cha cô đâu, quần áo cô đâu?

Sau tin tức với hình ảnh buồn bã ấy, mọi thứ đã thay đổi. Dần dần, chúng tôi ngừng hát những bài ca cổ từng được nghe từ cha mẹ và chú bác. Tôi bắt đầu không thích kẹo bông giống như một đám mây hồng nữa.

Sau thời gian chuyển đổi không hề mong muốn, chúng tôi đã hiểu về những điều tốt cũng như những điều bất hạnh của hành tinh này. Chúng tôi đã biết có một thế giới bao gồm cả bệnh tật và những điều tồi tệ. Thật tàn nhẫn làm sao, người ta bỏ đói trẻ em đến chết. Và tôi không muốn tiếp cận không gian đó, nơi tiền bạc tính theo số lượng và có sức mạnh vô biên. Tôi không muốn xem tin tức trên màn ảnh nhỏ với trái tim thắt lại. Rồi tôi bắt đầu viết lên những tờ giấy trắng.

Tôi chưa sẵn sàng để hiểu về địa ngục với các cấp độ khác nhau được xây dựng vì chiến tranh. Tôi không ngại bị chỉ trích vì không biết chuyện gì đang xảy ra trên hành tinh này.

Điều gì đã xảy ra khi chúng tôi cho rằng thế giới tuổi thơ một ngày nào đó đã thay đổi. Những khuôn mặt mới sẽ xuất hiện, những khuôn mặt xa lạ trước gương. Sự thật là chúng tôi không hiểu nhiều thứ, bởi vì khi ấy đã bị phân tâm giữa việc thả diều và đoán xem món tráng miệng hôm nay sẽ là gì.

Thế giới của chúng tôi thật nhỏ bé với những tạp chí dành cho trẻ em, những album xinh xắn và các chuyến đi chơi cuối tuần. Rõ ràng, không thể tưởng tượng được có một thế giới khác so với thế giới nhỏ bé này, nó đầy rẫy sự xấu xa, hèn hạ và có những nhân vật bất hạnh, thậm chí không thể thỏa mãn cái tôi của chính mình. Thế giới đó, bây giờ tôi đã có thể hiểu nhưng vẫn luôn làm tôi ngạc nhiên.

Chúng tôi không biết rằng trò chơi “tính toán” là trò chơi người lớn với những thất vọng và nói dối. Bởi vì nói dối là cụm từ mà chúng ta cho rằng không nên thốt ra. Khi đã hiểu ra, tôi lắc đầu suy nghĩ, người ta làm như thế để làm gì?

Tôi tin rằng việc tự huyễn hoặc bản thân là điều không thể. Bởi vì, luôn có một khoảng thời gian nào đó, sự im lặng nội tại của lương tâm, nơi biết rõ “Danh tính” thực sự của bản thân, biết về sự điên rồ khôn lường, về mọi lỗi lầm, về những thói hư tật xấu dẫu được chải chuốt che đậy, về nhu cầu tầm thường và nỗi sợ hãi bao trùm như một cái bóng ám ảnh.

Đối với thế giới ngoài kia (với quyền lực và chiến tranh), tôi cố gắng tránh xa trong thế giới nhỏ bé của mình. Cái thế giới ngoài kia nó không có mùi vị như dâu tây hay sô cô la, mà nó rất phức tạp và để nói chuyện nó, người ta phải lựa chọn từ ngữ cẩn thận, trong khi tôi lại là người ăn nói tự phát nên rất có thể dễ dàng bị chệch hướng.

Khi trời mưa, tôi thích nhìn qua kính cửa sổ và xem cái cách mà giọt nước rơi từ trên trời xuống một cách kỳ diệu như thế nào. Niềm vui lớn nhất của tôi khi trời tạnh là được nhìn thấy đường phố có những tấm kính được rửa sạch với một màu tươi sáng. Những mái nhà sau cơn mưa được đổi mới diện mạo. Điều tôi không biết là nước mưa liệu có thể mang được sự sống cho những thứ đã chết hay không.

Mưa nặng hạt, biết là như vậy nhưng tôi vẫn đi trong mưa. Muốn mưa mang cho tôi sự sống tươi mới bởi đã có rất nhiều thứ đã chết trong tôi…

Ngày này sang ngày khác không có gì mới mẻ. Bạn bè đã chết. Họ ra đi không lời từ biệt và tôi thậm chí không còn cảm xúc nữa.

Ngày nay, tôi cảm thấy thật khó tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống. Tôi nhìn đôi bàn tay nhăn nheo của mình và không nhận ra chúng. Tất cả da đã khô héo, như thể đó không phải là tôi, đó như một chiếc váy cũ kỹ nhàu nát theo thời gian.

Sự thật là tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, hay có bao nhiêu người đã đi qua đời tôi, đã để lại những kỉ niệm như những tấm ảnh ố vàng. Tôi nghĩ đến những đất nước xa lạ, muốn đắm chìm trong những thứ vô trùng hoặc thưởng thức dăm ba con cá từ Biển Bắc, tôi tưởng tượng mình sẽ giải trí với những sinh vật không tồn tại này.

Chiếc hộp âm nhạc lấp đầy bầu không khí trong chốc lát. Tôi thích thế và tôi rất vui. Khi âm nhạc kết thúc, tôi lưu giữ khoảnh khắc đó như một kho báu trong ký ức của mình. Điều này không xảy ra với con người, nó rất khác biệt, bởi vì con người thì đọng lại sâu trong ký ức và khi họ xuất hiện trong tâm trí của tôi, vì lý do này hay lý do khác, họ làm tổn thương tôi. Tôi không thể ngăn chúng lại như tắt tiếng nhạc trong chiếc hộp âm nhạc. Tôi không thể ngăn dòng nước mắt để chúng trôi như dòng nước chảy đến một nơi sâu hơn, lạnh lẽo, buồn bã. Tôi muốn tách mình ra khỏi vùng ký ức và rời xa nỗi nhớ, nhưng những giọt nước mắt mặn mòi đã lấp đầy những gì thiếu thốn từ cuộc đời. Tôi cảm thấy thời gian quá dài và Phan Thị Kim Phúc luôn là cô gái chạy trốn làn bom đạn.

Truyện siêu ngắn

ADN

Ngô Gia Thiên An (Dịch từ bản tiếng Anh)

Ông cha của ông cha tôi, những người thà làm kẻ hèn mà sống tiếp còn hơn trở thành những anh hùng với bộ xương khô, đã rời châu Âu trên những con tàu chật hẹp, từ chối phải bỏ mạng cho những cuộc Thế chiến không liên quan đến họ, những cuộc chiến mà họ vốn không hiểu rõ nguồn cơn, những cuộc chiến mà người ta không thèm nói rõ nguồn cơn, nhưng lại bắt họ phải hy sinh đời trai trẻ.

Can đảm của họ nằm trong va-li, với một bộ quần áo để thay và hai áo sơ mi, một tấm ảnh mẹ cha, một cuốn sổ cùng với mẩu bút chì than, chiếc lược bằng xương, vài đồng xu lẻ và cứ thế, vượt qua đại dương, để thích nghi với một ngôn ngữ mới, một xã hội mới và bảo toàn mạng sống.

Họ đội mũ và đeo cà vạt. Một số người mang theo chiếc đồng hồ bỏ túi cha cho lúc chia xa, chia xa vĩnh viễn… Một chiếc dây chuyền thánh giá vàng, hay vòng scapular[1] nhỏ in ảnh của mẹ.

Họ là những thanh niên mới đôi mươi nhưng cũng là những người đàn ông trưởng thành, một mình ở đất nước xa lạ. Vĩnh viễn bị cắt rời khỏi người thân. Vậy nên, chắc hẳn có một sự mất mát chảy trong máu tôi, sự mất mát mang tên “mồ côi”…

Khi mới đến đất này, ông tôi, Cesáreo gặp bà tôi, người phụ nữ da đen xinh đẹp[2] tên Isaltina, bà là con gái của những nô lệ đã giành lại tự do. Các cụ tôi cũng bị đoạt khỏi cha mẹ mình mà không có một cơ hội được chào tạm biệt hay nhận lời chúc thượng lộ cuối cùng… Đó là ký ức cuối cùng mà họ mang tới Brazil, nước mắt kết thành đá trong tim. Vì vậy, nỗi khát khao công lý vĩnh viễn chạy trong máu tôi…


[1] “Spacular”, từ bắt nguồn từ tiếng Latinh. Trong tiếng Latinh, từ này nghĩa là cái vai. Trong Công giáo, spacular dùng để chỉ loại vải hoặc quần áo được mặc bởi tu sĩ hoặc tín đồ Công giáo để thể hiện lòng tín Chúa. Ngoài ra, còn có loại spacular nhỏ hơn để đeo vào cổ như chiếc vòng, gồm hai miếng gỗ, vải hoặc giấy ép to bằng khoảng hai ngón tay, được trang trí, thường có hình chữ nhật được buộc bằng vải. Khi đeo, một miếng hình chữ nhật sẽ ở trước ngực và một miếng ở sau lưng người đeo.

[2] Nguyên văn: Negrita. Từ “negrita” được dùng nhiều bởi các nước Mỹ Latinh. Bắt nguồn từ các từ “Negro/negra” trong tiếng Anh, vốn là những từ đã lỗi thời để chỉ người đàn ông và phụ nữ da đen ở Mỹ. Lịch sử Mỹ có tồn tại chế độ nô lệ (thế kỷ 17-thế kỷ 19), trong đó những người da màu, nhất là da đen bị bắt phải làm nô lệ cho chủ yếu là chủ nô da trắng, và các từ “negro/negra” được sử dụng phổ biến trong thời kỳ này. Vậy nên, các từ này được hiểu là mang hàm ý xúc phạm, phân biệt chủng tộc và không còn được sử dụng. Từ “negrito/negrita” hiện nay vẫn được sử dụng với ý nghĩa nhẹ nhàng hơn, thậm chí là thân thiện. Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi xoay quanh việc sử dụng các từ này.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Chùm thơ song ngữ Joe Kidd (Mỹ)

Những bài học hay từ bậc tiền bối