in

NHÀ GIÁO – NHÀ VĂN LÊ XUÂN ĐỨC ĐÃ VỀ TRỜI

LÊ TUẤN LỘC

            Tôi đang đưa các nhà văn đi dự trại sáng tác của Chi hội Văn học công nhân ở vùng mỏ Quảng Ninh thì chị Hoàng Thị Thanh Xuân – vợ Nhà văn Lê Xuân Đức điện cho tôi, nói: Anh Đức mất rồi chú ạ. Chị không nói tiếp được nữa, nức nở khóc. Tiếng một người con gái nói tiếp: Cháu là Quỳnh Anh con bố Lê Xuân Đức. Bố cháu mất hôm nay. Báo tin chú biết. Tôi sững người, cho dù biết anh Đức mệt một thời gian nhưng vẫn sinh hoạt, tiếp khách, đi bộ thường ngày. Tôi phải tìm cách gói gọn để kịp về Hà Nội viếng anh.

          Phong cách của một thầy giáo, nhà văn Lê Xuân Đức rất kín kẽ, sâu sắc và thận trọng. Lần ấy, nhà văn Nguyễn Bảo bận việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội, không đảm đương tiếp công tác của các nhà văn Xứ Thanh tại Hà Nội, anh Bảo xin nghỉ. Chúng tôi muốn anh Lê Xuân Đức làm Trưởng ban Liên lạc Văn nghệ sĩ – Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội (Tên gọi cũ) thay anh Nguyễn Bảo. Anh Lê Xuân Đức nói: Để tôi xem đã, công việc của tôi cũng rất bận. Một tuần sau, anh Đức điện cho tôi và anh Bảo đồng ý nhận làm trưởng ban. Hay có lần, khoảng năm 2016, anh Lê Xuân Đức lúc đó sức khỏe cũng suy giảm dần. Anh xin nghỉ công việc đồng hương Văn nghệ sĩ. Rất thận trọng anh viết một lá thư cho người gửi tôi đề nghị tôi thay anh. Ý anh muốn giấy trắng mực đen là đề xuất của anh để mọi người không bàn bạc gì thêm nữa. Tôi rất nể trọng cái thận trọng rõ ràng giấy trắng mực đen của anh.

          May mắn cho anh có được một đàn con 5 người đều thành đạt và đều học giỏi văn chương theo nghiệp bố. TS Lê Tuấn Anh, học nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Cộng Hòa Liên bang Nga. Rất không may, cháu mất đột ngột ở Nga. Thư viện Quốc gia đã có một hội thảo về thân thế sự nghiệp của thầy giáo Lê Tuấn Anh. Kỷ yếu Hội thảo ấy, anh Lê Xuân Đức đã để trên bàn thờ con trai như một kỷ vật của con. Người con gái thứ hai, giải nhì văn Quốc gia, thạc sĩ, nguyên là hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn An (trưởng Bưởi), một trường nổi tiếng của Hà Nội xưa nay. Người con gái thứ ba, Lê Quỳnh Anh, Giải ba Văn Quốc gia, Luật sư, giám đốc Văn phòng Công ty Luật nổi tiếng. Người con trai thứ tư Lê Hoàng Anh, thạc sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Người con trai thứ năm, Lê Việt Anh, TS Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Nhà giáo Nhà văn Lê Xuân Đức có 11 đứa cháu đều học giỏi, 6 cháu đang du học và làm việc ở nước ngoài. Thế là quá giàu rồi, anh Đức ạ. Những đứa con, cháu là tài sản còn lại quí nhất đời sau của gia đình nhà giáo nhà văn Lê Xuân Đức.

          Nhưng Phúc đức tại mẫu. May mắn hơn cho nhà văn Lê Xuân Đức là có một người vợ hiền tần tảo, chị Hoàng thị Thanh Xuân, cô giáo mẫu mực. Nhà văn Lê Xuân Đức tuổi cao, yếu dần, một số lần phải đi bệnh viện. Nếu không có chị Xuân bên cạnh, chắc anh Đức đã “đi” lâu rồi, cho dù nay chị vẫn ốm đau luôn. Nhưng người ốm ít chăm người ốm nhiều. Các cụ xưa nói: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Cái may đó mấy người có được. Duyên trời xe thôi, chị Xuân ạ. 

          Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế có lần nói với tôi: Gia cảnh nhà thầy Đức những năm 70 của thế kỷ trước, gian khổ và kham khổ lắm. Chị là cô giáo dạy văn giỏi nhưng lương vẫn không đủ nuôi con, vẫn phải làm thêm: làm tương ớt, nấu bia gia công, bỏ mối hàng cho các quán ăn…thế mà vẫn nuôi được bảy miệng ăn và các con đã học nên người

          Những năm dạy học và sau này từ nghiên cứu đã cho nhà văn Lê Xuân Đức một tư liệu đồ sộ về Bác Hồ. Và bây giờ những tác phẩm nghiên cứu về thơ Bác, về cuộc đời và dấu chân Người trên thế giới đã được nhà văn Lê Xuân Đức thể hiện. Những lần tôi đến thăm anh, chồng sách về Bác Hò cứ dày thêm.

          Rất nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng, cac nhạc sĩ, nhà điêu khắc vv… đã có sáng tác về Bác Hồ. Theo dấu chân Người đi khắp Trung Hoa dể nghiên cứu về dấu chân Người đã đến. Đi khắp thế giới để nói về thơ Bác Hồ để tìm thêm những dấu chân Người. Cơ hội may mắn ấy, ngoài Lê Xuân Đức, Việt Nam mấy người được thế. Tôi mừng cho anh, trước khi về trời đã làm xong những việc lớn về nghiên cứu thơ Bác Hồ.

          Nhà văn Lê Xuân Đức quan niệm: “Văn học là con người, là cuộc sống, là tư tưởng, là tình cảm, là sợi tơ lòng đang rung… Văn học bắt đầu từ những cái cụ thể, từ sự xúc động của rung động từ đáy sâu của tâm hồn. Chính vì thế, nó khơi gợi, nó lôi cuốn, quyến rũ anh, quyến rũ tôi, quyến rũ mọi người, luôn luôn mở cửa chào mời, khiến người ta say mê từ lúc nào không biết nữa. Nhà văn phải là người có bản lĩnh và con đường đi riêng của mình.”

          Đúng rồi, nhà văn Lê Xuân Đức ạ. Mỗi nhà văn cần có bản lĩnh và con đường đi riêng của mình. Anh đã có con đường đi riêng để nghiên cứu về thơ văn Bác Hò. Hy vọng, anh thanh thản về trời để báo cáo với Bác những công trình của anh.


Nhà văn – Nhà giáo Lê Xuân Đức, sinh ngày 12/8/1939 tại Hậu Lộc, Thanh Hóa; Trú tại Căn hộ 501 CT1, Tràng An Complex, số 01 Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội; Nguyên cán bộ giảng dạy Đại học sư phạm Vinh, Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Thanh Hóa; Đại biểu Quốc hội khóa VIII; nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Văn phòng Quốc hội; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Đảng Viên Đảng Công sản Việt Nam. Nhà giáo – Nhà văn Lê Xuân Đức đã mất hồi 13 giờ 10 phút ngày 10 tháng 11 năm 2022, hưởng thọ 84 tuổi.

          TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN

          Một thời để nhớ (PBVH, 2000); Đến với những bài thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (PBVH – 2002, 2003, 2006); Nay ở trong thơ (PBVH – 2005); Đọc thơ Bác Hồ (2005); Nay ở trong thơ (2005); Lời bình 79 bài thơ Bác Hồ (2006-2008); Thi hứng thêm nồng (2006); Đọc thơ Hồ Chí Minh (2008); Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (2010); Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (2011); Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh (2012); Nhât ký Trong tù và lời bình – chọn lọc (2013); Ngục trung nhật ký – Thẩm bình (2013); Thẩm bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (2015); Thơ chúc Tết mừng xuân của Bác Hồ và Lời bình (2015, 2016, 2018); Thẩm bình Ngục trung nhật ký của Chủ Tịch Hồ Chí Minh – song ngữ Việt Trung (2015); Ngục trung Nhật ký – Thẩm bình (2015); Thẩm bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh; Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh (2020).

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Tặng thưởng năm 2007, của Tạp chí Văn nghệ quân đội: Mấy vần thơ xuân của Sóng Hồng, Thơ ca Bác Hồ viết cho thiếu nhi. Giải thưởng chính thức văn xuôi của Tuần báo Văn nghệ (1969) với truyện ngắn Tiếng Biển. Giải thưởng tác phẩm văn học xuất sắc 2008 Đọc thơ Hồ Chí Minh của Ban vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giải B tác phẩm Nhật ký trong tù – Thẩm bình của Ban vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2015). Giải B tác phẩm Thẩm bình thơ ca tiếng Việt Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh của Ban chỉ đạo giải thưởng tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 cho tác phẩm Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh.

Hồ Linh Đàm, ngày 13/11/2022

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Truyện ngắn của nhà văn Uzbekistan: Sherzod Artikov

Nhà thơ Laura Garavaglia (Italia)