in

Nguyễn Quang Hưng sải cánh với “Mùa biến thái”

Tiểu Mai

“Mùa biến thái”, tập thơ của Nguyễn Quang Hưng gây ấn tượng với độc giả ngay từ cái tên. Tác giả luôn đau đáu suy nghĩ: văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc bằng văn học nghệ thuật. Vì lẽ đó “Mùa biến thái” ra đời, đó là cách Nguyễn Quang Hưng nói về Covid-19.

Là một nhà thơ trẻ, nhưng với ý thức làm nghệ thuật nghiêm túc, Nguyễn Quang Hưng đã dần có được chỗ đứng riêng trong trí nhớ của độc giả. Nhắc đến anh, độc giả “ruột” sẽ nghĩ ngay đến giọng thơ khoáng đạt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa 2 phong cách: hiện đại và truyền thống.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980.

Với tập thơ “Mùa biến thái”, đại dịch toàn cầu đã được tác giả đề cập trực diện, thẳng thắn, tạo nên cảm giác trầm trồ, thích thú nơi người đọc. Điểm nhấn của tập thơ dĩ nhiên là bài “Mùa biến thái” ở trang 38-39, Nguyễn Quang Hưng viết:

“Tìm người tiếp xúc liên quan

Dấu người tìm giữa vạn người đảo điên

Cuồng quay tứ phía tràn lên

Những luồng sắc nhọn phủ trên thiện lành

….

Chạy trong thiên biến vô bờ

Đừng quên cả những gì chưa có mình”

Đúng như suy nghĩ của Nguyễn Quang Hưng, trong thi ca nói riêng, nghệ thuật nói chung, đồng hành với thời cuộc là sứ mệnh của người cầm bút, bởi văn chương bao giờ cũng phải bắt nguồn từ cuộc sống.

Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó. Nói cách khác, hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là “chất liệu”  làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm.

Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: “Cuộc đời người viết không thể tách rời được đời sống, thời cuộc. Vì thế người viết cần nhận ra mình có trách nhiệm với nó, trong việc nói, kể, lên tiếng về nó, gợi mở để cùng nó đi đến sự tốt đẹp, mới mẻ hơn. Và đời sống, thời cuộc là bộ não khổng lồ cung cấp ý tưởng, chất liệu cùng những gợi ý nghệ thuật cho người viết”.

Nguyễn Quang Hưng đặt bài “Thiện nguyện” ở nửa cuối cuốn thơ “Mùa biến thái”. Đây là một ví dụ điển hình về việc ngòi bút của anh luôn đồng hành với thời cuộc. Anh viết:

“Một bữa đói một bữa no

Một bữa lưng lửng sao cho vừa vừa

Giữa cơn quẫn bách không ngờ

Tứ phương tay vái mà mơ qua ngày

Thôi thì thương giữa con người

Trong niềm kinh sợ còn lời hỏi han

Đủ đầy sẵn có chia sang

Vơi vơi thì cũng sẻ san gọi là”

Cái thú khi đọc thơ của những tác giả trẻ như Nguyễn Quang Hưng chính là phong cách độc lạ, mới mẻ, thậm chí có chút “gai góc”. Để có được phong cách riêng, theo anh, người viết phải có thông tin, tri thức, tình cảm,… Tất cả tạo nên cái gọi là “thể trạng tâm hồn”.

Ở bài “Ai gọi tôi trong phố?”, Nguyễn Quang Hưng cũng đặt vào đó những câu khiến người đọc thích thú:

“Đêm trong phố tối bảo gì?

Tôi đi dưới lá mà nghe gọi mình

Tiếng gì nhỏ nhẹ êm đềm

Như lời ca cũ nở trên tro tàn”

Bằng lối viết tự do, cách gieo vần, chơi chữ đặc biệt nhưng không quá hàn lâm nên độc giả dễ dàng nhớ và thấm từng tác phẩm. Đó là thành công của “Mùa biến thái”, là điểm nhấn ấn tượng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Hưng.

Covid-19 khiến cả thế giới ám ảnh về sự đau đớn, mất mát. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, đại dịch này cũng để lại nhiều bài học giá trị. Rõ ràng, nếu văn chương tách rời khỏi dòng chảy cuộc đời sẽ không thể vươn tới giá trị đích thực của nó, không còn là nghệ thuật vị nhân sinh được nữa.

Dẫu thế, “Mùa biến thái” của Nguyễn Quang Hưng vẫn có cả sự lãng mạn. Nghệ thuật thường vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Mỗi tác phẩm, mỗi đối tượng, mỗi câu chữ trong tác phẩm của Nguyễn Quang Hưng luôn tạo được sự bất ngờ, lý thú đối với người đọc. “Mùa biến thái” xứng đáng là một cuốn thơ nên có trên kệ sách của những ai đam mê đọc.

Nói về thời cuộc và công việc cầm bút, Nguyễn Quang Hưng bày tỏ: “Không ai mong muốn cuộc sống xảy ra các biến cố ghê gớm để chúng ta lấy đó mà sáng tác. Nhưng khi chúng ta đã phải đối mặt thì đó là một cơ hội tốt để đồng hành với thời cuộc bằng tác phẩm, bằng sáng tạo và bứt phá cho ngòi bút của mình. Đó là một dịp sải cánh cho người viết, trong đó có người viết trẻ”.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nhà thơ Laura Garavaglia (Italia)

Dịch văn học là cống hiến thẳm sâu