in

Dịch văn học là cống hiến thẳm sâu

Kiều Bích Hậu

Ở Việt Nam hiện nay, số lượng người dịch văn học không nhiều. Đã như vậy lại còn không chuyên nghiệp, nghĩa là họ không sống chỉ bằng thu nhập từ dịch văn học, mà phải làm việc khác để “kiếm cơm”, dịch văn học chỉ là nghề tay trái. Trong bối cảnh ấy, tỉnh Thái Nguyên có dịch giả tiếng Đức là Phạm Đức Hùng, cần mẫn dành thời gian dịch và xuất bản tới 6 cuốn sách, hàng trăm truyện ngắn, bài thơ từ tiếng Đức, là một cái duyên, và thật đáng trân trọng.

Trên thế giới, các nhà văn được trời phú cho con mắt thứ ba để cảm nhận, thấu thị vẻ đẹp cuộc sống, con đường đi của nhân loại và thể hiện nó trong tác phẩm văn học, cống hiến cho nhân loại. Các dịch giả văn học (dịch xuôi) ở ta đang làm công việc nhập khẩu tinh hoa tinh thần và tư tưởng của dân tộc khác về cho người Việt hưởng thụ. Công việc thầm lặng ấy của các dịch giả thời gian qua vừa vất vả, đầy thách thức, thu nhập không cao, thậm chí còn phải bỏ tiền túi để in tác phẩm dịch. Chưa hết, khi tác phẩm dịch được xuất bản, họ còn phải đối mặt với dư luận khắc nghiệt về vấn đề chất lượng bản dịch. Đó là những tranh luận không có hồi kết, bởi các nhà văn khi sáng tác, văn bản thường có nhiều tầng nghĩa, chuyển dịch được tầng nghĩa nào lại phụ thuộc vào phông văn hóa, kiến thức, kiến văn, tài năng, năng lực ngôn ngữ của người dịch,…

Trong bối cảnh ấy, số lượng dịch giả tiếng Đức còn hiếm hoi là điều có thể hiểu được. Điểm lại các dịch giả tiếng Đức thế hệ đầu có dịch giả Đỗ Ngoạn (thầy của Phạm Đức Hùng), Thế Lữ, Quang Chiến; thế hệ thứ hai có: Thái Kim Lan, Nguyễn Khắc Khoa, Trần Đương, Nguyễn Văn Hoa, Hoàng Đăng Lãnh, Lê Chu Cầu, Phạm Đức Hùng, Diệp Phương Chi, Trần Thị Hòa Bình, Cù Huy Phan Tạo, Lê Quang, Nguyễn Xuân Hằng,… Họ chính là vốn quý, là cây cầu truyền tải nền văn học của nước Đức và các tác phẩm tiếng Đức về cho bạn đọc Việt Nam. Tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ xếp vào hàng ngôn ngữ mạnh trên thế giới, nên nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng và giá trị của các nền văn học khác cũng được dịch và xuất bản bằng tiếng Đức. Do đó, qua các dịch giả tiếng Đức, người đọc Việt Nam sẽ bớt bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức các tác phẩm đỉnh cao của thế giới.

Dịch giả Phạm Đức Hùng có may mắn được học tập tại nước Đức. Không chỉ học lấy một cái nghề, ông còn ngấm tư tưởng, văn hóa Đức, và nhất là tranh thủ nắm vững ngôn ngữ Đức, để sử dụng làm phương tiện chuyển dịch những tác phẩm văn học tuyệt vời từ tiếng Đức về Việt Nam. Chúng ta trân trọng và biết ơn ông về điều đó. Trong số 6 cuốn sách dịch từ tiếng Đức mà ông đã xuất bản, có: Đứa con của thời đại (Odon Horvath); Vụ án Deruga (Ricarda Huch); Bánh xe số phận (Hermann Hesse); Tiền nhiều chẳng để làm gì (Heidermarie Schwermer)… Biết thêm một ngôn ngữ, là được sống thêm một cuộc đời, bởi qua ngôn ngữ khác, ta được đón nhận cả một nền văn hóa khác. Nền văn hóa khác ấy, sẽ giúp chúng ta đối sánh, điều chỉnh, và tự nâng mình lên một tầm cao mới, với tầm nhìn mới, đem lại sự thay đổi tích cực cho đời sống.

Trước một nền văn học Đức và các tác phẩm giá trị thế giới xuất bản bằng tiếng Đức thật đồ sộ, mà lượng dịch giả tiếng Đức ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì quả là một thiệt thòi cho độc giả. Trong Hội đồng dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9, không có một dịch giả tiếng Đức nào. Cho đến khóa 10, thì Hội Đồng dịch văn học mới có một dịch giả tiếng Đức duy nhất là Phạm Đức Hùng. Điều đó cho thấy một sự trân trọng của Lãnh đạo Hội Nhà văn đối với mảng dịch văn học tiếng Đức, cũng như sự đánh giá cao những đóng góp của dịch giả Phạm Đức Hùng trong thời gian qua.

Nói về việc dịch văn học Đức, dịch giả Phạm Đức Hùng chia sẻ: “Tôi chọn văn học Đức để giới thiệu với độc giả Việt Nam vì trước hết đây là một nền văn học lớn của thế giới với 12 nhà văn được nhận Giải Nobel Văn chương, sau đó văn chương Đức có nét đặc thù là đề cao giá trị tư tưởng và mang chứa những giá trị nghệ thuật khá khác biệt. Những tác phẩm tôi chọn dịch của các các tác giả khác nhau – những người có tư tưởng lớn, có lối tư duy khác biệt và có thủ pháp nghệ thuật đặc sắc (theo quan điểm của cá nhân tôi) được thể hiện trong các tác phẩm văn học của họ. Khi tiếp cận với những tác giả Đức thông qua tác phẩm của họ đã giúp tôi có thêm động lực, luôn hào hứng, kiên trì theo đuổi một lối sống lành mạnh, có nguyên tắc và cố gắng tư duy độc lập, logic, khác biệt.”

Dịch giả Phạm Đức Hùng đã có lựa chọn đặc biệt khi ông quyết định dịch tiểu thuyết “Bánh xe số phận”, của nhà văn Đức Hermann Hesse, một nhà thơ, nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu nước Đức thời đầu thế kỷ 20, từng đoạt giải Nobel văn học. Ông cho rằng, tác phẩm viết cách nay gần trăm năm, vậy mà lại nóng hổi những vấn đề trong giáo dục, nhân tính, lối sống, vô cùng tương hợp với tình hình Việt Nam hôm nay. Nhất là việc trẻ em phải “gánh” những chương trình học quá tải. Dịch giả Phạm Đức Hùng có băn khoăn rằng, các gia đình thì luôn mong muốn con em mình phải vào được trường chuyên, lớp chọn, mong ước có được những giải thưởng này nọ còn nền giáo dục thì vẫn luôn yêu cầu học sinh phải giỏi toàn diện và cố gắng nhồi nhét thật nhiều những kiến thức hàn lâm, nói ngắn gọn là một nền giáo dục ứng thí. Và vô hình chung chúng ta cũng đang “cướp” đi những cơ hội vui chơi của trẻ em, cơ hội được tìm hiểu thiên nhiên và cơ hội để học cách sinh tồn. Điều đó khiến trẻ em Việt Nam thiếu kĩ năng sống khi trưởng thành, còn đối với tầng lớp sinh viên sau khi ra trường thì thiếu kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm. Do đó, khi được một người bạn văn chương người Đức đã giới thiệu tác giả Herrmann Hesse và tác phẩm “Bánh xe số phận” cho ông, Phạm Đức Hùng đã quyết tâm dịch tác phẩm này sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam, ngõ hầu góp một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ và xã hội trong việc giáo dục trẻ em. Thêm nữa, người Đức họ luôn tự hào về dòng giống German, mắt xanh, tóc vàng của họ; tự hào về tinh thần Đức, về hệ tư tưởng Đức. Ngày nay các bậc cha mẹ và nhà trường Đức đều chú trọng việc trang bị kĩ năng sống cho trẻ em, rèn khả năng tự lập, chấp nhận thất bại ngay từ lúc đầu, luôn nhớ rằng “không có thất bại, chỉ có tạm thời chưa thành công” và cổ vũ trẻ em đối diện với thử thách.

Dịch tác phẩm đó, ông phải dành rất nhiều thời gian, công sức, và sự nghiên cứu sâu. Ở nguyên bản tiếng Đức, Hesse thể hiện một lối viết cầu kì, hoa mĩ, sử dụng nhiều điển cố, điển tích văn học; sử dụng các thành ngữ, tục ngữ một cách tinh tế (trong đó có nhiều thành ngữ tiếng Latinh); ngoài ra ông còn ưa dùng các từ vay mượn của tiếng nước ngoài và thổ ngữ. Dịch giả Phạm Đức Hùng cũng đã mất nhiều công sức và vượt qua thách thức để chuyển tải cái đẹp đẽ, cái tinh tế trong câu văn bằng tiếng Đức của Hesse sang tiếng Việt kèm với đó là tên những loại cây cỏ chẳng thấy có trong từ điển khi ở các đoạn văn tả cảnh kì thú. Khi dịch xong những đoạn khó ông có cảm tưởng đã có được những giây phút thăng hoa – những cơ duyên hiếm hoi mà Trời Phật đã ban cho! Đó cũng là phần thưởng chỉ dành riêng cho những dịch giả đam mê nghề như Phạm Đức Hùng. Tác phẩm “Bánh xe số phận” của Hesse qua bản dịch Phạm Đức Hùng, xứng là cuốn sách để chúng ta đọc đi đọc lại, và không chỉ là cuốn sách giúp những nhà giáo dục thay đổi, mà còn giúp mỗi chúng ta tự nhìn nhận lại mình trong việc giáo dục con cái và nhận ra sai lầm của mình.

Ngoài sách văn học tiếng Đức, dịch giả Phạm Đức Hùng còn xuất bản tác phẩm dịch thuộc loại sách kỹ năng – “Tiền nhiều chẳng để làm gì” của nữ tác giả người Đức Heidemarie Schwermer (NXB Công Thương, 2020). Trong thời buổi hầu hết loài người đều cuồng quay trong vòng xoáy kiếm tiền, bị tiền điều khiển, thì cuốn sách có nhan đề và nội dung “ngược dòng”, mang tính cảnh tỉnh này, đáng để tìm đọc, suy ngẫm, để hiểu rằng mỗi con người chúng ta đều có khả năng tạo dựng và thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống. Trong xã hội hiện đại, con người có điều kiện sống tiện nghi hơn, sở hữu nhiều tài sản hơn, làm việc cũng được hỗ trợ “đến tận chân răng” với bao phương tiện hiện đại, thế nhưng, con người dường như lại lo lắng nhiều hơn, bất an hơn, ít lòng tin với nhau hơn. Hầu như trong mỗi người, đều đang bị con virus tâm thần ăn mòn, mà ta không hề biết. Vậy chúng ta làm thế nào để thoát thân khỏi mớ bòng bong này? Thế nên cuốn “Tiền nhiều chẳng để làm gì” của nữ tác giả người Đức Heidemarie Schwermer, giúp ta cách buông bỏ những gì không cần thiết, vật chất và cả phi vật chất, bằng những gợi ý thông thái, hữu ích.

Cuốn sách chỉ ra rằng, sự buông bỏ tiền, hóa ra đã mang lại cho tác giả cuốn sách nhiều tự do hơn cả, khiến bà đi được nhiều nơi thú vị, ở tại nhiều ngôi nhà khác nhau, làm quen nhiều người mới, và học được những bài học sâu sắc hơn. Bà cũng ngộ ra rằng, có rất nhiều sự thật trong những câu chuyện cổ tích, rằng thế giới này tốt đẹp và đầy phiêu lưu. Tất cả chúng ta đều có khả năng tạo dựng và thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống. Cuốn sách Tiền nhiều chẳng để làm gì của Heidemarie Schwermer thực sự gợi lên suy ngẫm về hệ giá trị hiện tại của chúng ta, những ràng buộc và nỗ lực phi lý mà chúng ta đang trải nghiệm, từ đó khích lệ thái độ dám đương đầu với những khuôn mẫu cũ mòn, để rồi từ đó, chung tay, chúng ta sáng tạo nên lối sống trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn, kết nối với nhau chặt chẽ hơn trong niềm tin tưởng, trong hạnh phúc. Với việc dịch tác phẩm này, Phạm Đức Hùng đã cùng với tác giả, giúp cho tư duy bạn đọc thay đổi, khi được tiếp cận cuốn sách.

Thời gian qua, dịch giả Phạm Đức Hùng cũng đã vượt qua cơn bạo bệnh một cách kỳ lạ, và sau đó, ông còn xuất bản được cuốn tiểu thuyết đầu tay “Sắp đặt của số phận”. Tôi tin rằng, điều kỳ diệu đó có được, cũng là nhờ một phần trong ông có cả nền văn hóa Việt và Đức hài hòa, bổ sung cho nhau và tạo nên sức mạnh riêng. Sự kiên trì của người Việt, tinh thần quyết liệt và trí tuệ vươn đến chiến thắng sau cùng của người Đức chính là nguồn năng lượng đặc biệt mà ông sở hữu, giúp ông trải nghiệm những thử thách khắc nghiệt và cả những ngọt ngào của cuộc sống đem lại, trong tâm thế bình an và vững vàng.

Box: Thông tin về dịch giả Phạm Đức Hùng

Ngày sinh: 1.8.1962

Quê quán: Xã Minh Quang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Trú quán: Số nhà 229, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên từ năm 2011 và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2018.

Bắt đầu dịch truyện ngắn đăng báo từ năm 2005. Cho đến nay đã xuất bản:

Tác phẩm đã dịch và xuất bản từ tiếng Đức:

– Cái đài nến bị chôn vùi (tiểu thuyết, Stefan Zweig (Áo), NXB Văn học, 2011).

– Vụ án Deruga (tiểu thuyết, Ricarda Huch (Đức), NXB Hội Nhà văn, 2017).

– Đứa con của thời đại (tiểu thuyết, Ödön von Horváth (nhà văn mang quốc tịch Hungary viết bằng tiếng Đức), NXB Hồng Đức, 2017).

– Truyện ngắn đặc sắc thế giới (tập truyện, nhiều tác giả, NXB Hồng Đức, 2018).

– Bánh xe số phận (tiểu thuyết, Hermann Hesse (Đức), NXB Hội Nhà văn, 2019).

– Tiền nhiều chẳng để làm gì (kỹ năng sống, Heidermarie Schwermer (Đức), NXB Công thương, 2020).

– Hàng trăm truyện ngắn và bài thơ của nhiều tác giả đã dịch đăng ở các báo, tạp chí văn nghệ trung ương và địa phương.

Sáng tác đã xuất bản:

– Về miền ánh sáng (truyện ngắn, báo Văn nghệ, 2022).

– Sắp đặt của số phận (tiểu thuyết, NXB Lao động, 2022).

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nguyễn Quang Hưng sải cánh với “Mùa biến thái”

Thơ viễn tưởng của Joe Dolce