in

“Vì sao Quân đội Việt Nam đã phải có mặt tại Campuchia và hy sinh đến hàng vạn cán bộ, chiến sỹ?”

Tiểu thuyết “Pailin thời máu lửa” của tác giả Nguyễn Văn Hồng sau khi xuất bản ở Việt Nam bởi NXB Hội Nhà văn, đã được Giải thưởng văn học sông Mekong năm 2021.

Và đến nửa cuối tháng 3/2023, Ukiyoto Canada cũng đã xuất bản cuốn tiểu thuyết chiến tranh của tác giả Việt Nam: Đại tá – nhà văn Nguyễn Văn Hồng với tựa đề “Pailin – Blood and Fire” (Pailin thời máu lửa). Cuốn tiểu thuyết bản Anh ngữ do HFT (Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội) chuyển ngữ đã được phát hành toàn cầu qua kênh của NXB Ukiyoto với giá 12 USD/cuốn. Đây là tác phẩm đầu tiên của tác giả Nguyễn Văn Hồng xuất bản nước ngoài bằng ngôn ngữ Anh. Trước đó, ông đã có cuốn tiểu thuyết “Cambodia – Mặt trận Đông Bắc” xuất bản tại Mỹ năm 2018 bằng ngôn ngữ Việt.

Năm 2021, cuốn tiểu thuyết “Pailin thời máu lửa” đã ra đời tại Việt Nam (NXB Hội nhà văn) và ngay lập tức gây được sự chú ý lớn trên văn đàn.  “Pailin thời máu lửa” tái hiện sự kiện năm 1978, khi chính quyền Khmer Đỏ thực hiện chính sách thù địch chống Nhà nước Việt Nam và tàn sát dân Campuchia. Cuộc chiến ở Campuchia, ở góc độ vũ khí, là cuộc chiến sử dụng mìn nhiều nhất. Nhà văn Nguyễn Văn Hồng tái hiện bối cảnh một cách chân thực mà vẫn níu giữ được độc giả, dắt họ đi đến trang sách cuối cùng mà không quá ám ảnh về những gì đã diễn ra.  Nếu nói rằng Nguyễn Văn Hồng viết “Pailin thời máu lửa” để chữa lành thì cũng đúng, nhưng chưa đủ, bởi trải nghiệm thực tế của tác giả có lẽ phức tạp hơn thế một chút. Kể lại câu chuyện là thêm một lần đau. Tuy nhiên, phải đối mặt với những ký ức theo cách như vậy, người viết mới có thể giải phóng bản thân khỏi sự đau đớn.

Tác giả Nguyễn Văn Hồng chia sẻ về việc viết cuốn sách này: “Lợi thế để viết nên cuốn sách vô cùng chân thực là ở khía cạnh chính tôi là một người lính, ba mươi năm phục vụ trong quân đội, đã trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, được trưởng thành từ một người chiến sỹ trực tiếp chiến đấu ở phía trước đến các cấp chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và trước khi nghỉ hưu là Phó tư lệnh tham mưu trưởng quân đoàn mang hàm Đại tá. Cuốn sách được viết từ những trải nghiệm thực tế mà tôi là người trong cuộc.”

Chúng ta cùng trò chuyện với Đại tá – nhà văn Nguyễn Văn Hồng về trải nghiệm viết sách “Pailin thời máu lửa”.

-Thưa nhà văn, ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về cuốn sách “Pailin thời máu lửa”…

– Cuộc tổng phản công của một bộ phận QĐ NDVN kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng của “Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia” ngày 07-01-1979 đã đập tan bộ máy hiếu chiến, phản động của chính quyền “Campuchia dân chủ” dưới thời Pôn Pốt cầm quyền, đã đưa đất nước Campuchia được hồi sinh từ đống đổ nát.

 Để ngăn chặn sự phục hồi chế độ độc tài của Pôn Pốt trong khi nhà nước và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đang còn non trẻ, chưa đủ khả năng để bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được, theo thỏa thuận giữa nhà nước Việt Nam và “Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia”, sau khi chế độ độc tài Pôn Pốt sụp đổ, một bộ phận quân đội nhân dân Việt Nam được nhà nước Campuchia yêu cầu ở lại, chuyển sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ xây dựng chính quyền và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Trong đội quân tình nguyện ấy, một Trung đoàn bộ binh được giao nhiệm vụ chiến đấu với tàn binh Pôn Pốt bảo vệ thị trấn Pailin. 

Thị trấn Pailin như là một tiền đồn nằm trên một địa bàn có ý nghĩa chiến lược phía Tây tỉnh Bát Tam Băng giáp biên giới với Thái Lan; là nơi có ý nghĩa quyết định sự sống còn đối với tỉnh Bát Tam Băng nói riêng và toàn bộ đất nước Campuchia nói chung. Là nơi Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nhà nước Campuchia trong thế trận quân ta “quyết giữ”, lực lượng tàn quân Pôn Pốt “quyết giành lại” để đưa chính quyền lưu vong của chúng đang chưa có một chỗ đứng về đây trú ngụ làm căn cứ để từ đây chống phá cách mạng Campuchia lâu dài. Chính vì thế nên cuộc chiến đấu “giành” và “giữ” diễn ra ở đây vô cùng cam go, quyết liệt. Cuốn sách viết về cuộc chiến đấu ấy của một Trung đoàn bộ binh quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bát Tam Băng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước cho đến ngày quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ rút về nước.

  • Vậy nguồn cảm hứng chính khiến ông viết cuốn sách là?

-Nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đất nước Campuchia phát triển được như ngày hôm nay, mối tình đoàn kết truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia được khôi phục và cao hơn hết là góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị trong khu vực và thế giới. Đó là cái giá của hàng trăm ngàn sinh mạng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, trong đó có sự hy sinh to lớn của Trung đoàn quân tình nguyện bảo vệ thị trấn Pailin.

Biết nói gì hơn trước sự hy sinh của những người lính tình nguyện trong khi mình may mắn còn được sống đến ngày hôm nay. Đó là tâm trạng của một người từ cõi chết trở về, phải làm một việc gì đó để thể hiện vừa là tình cảm với những người đã khuất, vừa là trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau: chỉ có VIẾT về những cái chết để nhẹ bớt tâm hồn.

  • Ông đã nghĩ ra tiêu đề cuốn sách như thế nào?

-Việt Nam có câu: Ăn quả nhớ người trồng cây. Pailin ngày nay là một địa danh du lịch nổi tiếng của nhà nước Campuchia. Khách du lịch khi đặt chân tới địa danh nổi tiếng này chắc hẳn nhiều người không biết trên 40 năm trước, nơi đây, vì sự hồi sinh của đất nước chùa tháp mà hàng ngàn người con ưu tú của nhân dân Việt Nam đã phải nằm lại vĩnh viễn, máu của họ đã nhuốm đỏ vùng đất này. Cuốn sách như là một nhân chứng lịch sử, ghi lại vùng đất Pailin đã từng một thời nhuốm đỏ màu máu của những người lính tình nguyện Việt Nam.

– Có ai đó ngoài đời thực đã truyền cảm hứng cho ông viết cuốn sách và xây dựng hình mẫu nhân vật trong sách không?

-Hầu hết các nhân vật trong cuốn sách có thật, nhưng đã được đổi tên. Một số ít nhân vật vẫn giữ nguyên vì có tác động trực tiếp đến các sự kiện. Nói chung, các nhân vật đều góp phần làm nổi bật trong từng câu chuyện, từng tình huống có thật. Trong đó Trung đoàn trưởng đóng vai trò chính, người phải chịu nhiều áp lực: đối với nhiệm vụ, đối với người đồng cấp và với gia đình. Cuối cùng là kết thúc có hậu.

-Ai là nhân vật mà ông yêu thích nhất trong cuốn sách, và tại sao?

-Nhân vật yêu thích là Trung đoàn trường Ngô Xuân Mạnh (đã đổi tên). Nhân vật Trung đoàn trưởng giải quyết được nhiều tiêu chí của tác giả: Là người dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đấu tranh nội bộ để giải quyết mâu thuẫn một cách kiên quyết nhưng cũng rất khéo léo đối với người chính ủy về quan điểm nhìn nhận sự vật, về phương thức tác chiến (cách đánh), về mối quan hệ giữa người đứng đầu và các trợ lý và cả mối quan hệ giới tính với một phụ nữ người bản xứ… Nổi bật nhất là tư tưởng tiến công địch (tiến công và phòng ngự), áp dụng hình thức tác chiến phù hợp với đối tượng và môi trường trong nhiệm vụ quốc tế.

– Ông có tin rằng mình đã khắc họa chính xác tất cả các nhân vật không?

-Như trên đã nói, tôi (tác giả) là người trong cuộc, nói đúng hơn là cấp trên của Trung đoàn trưởng Mạnh nên tôi có thể chắc chắn rằng các sự kiện của các nhân vật (là những vai diễn) là chính xác. Có những hư cấu nhưng hư cấu dựa trên sự kiện có thật đã diễn ra.

-Ông muốn truyền tải thông điệp gì qua sách?

-Qua cuốn “Pailin thời máu lửa”, tôi muốn gửi đến bạn đọc trong và ngoài nước một nguyên lý là: mọi thắng lợi trong các cuộc chiến tranh đều phải trả giá. Đồng thời xuất bản cuốn sách cũng là dịp để bạn đọc giải mã về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trên tuyến biên giới Tây Nam gắn liền với nhiệm vụ quốc tế của một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam tại đất nước Campuchia. Sự giúp đỡ bằng xương máu vô tư, trong sáng của nhân dân Việt Nam dành cho những người cách mạng chân chính Campuchia theo quan điểm của Việt Nam “Giúp bạn là tự giúp mình”.

Ngày nay, nguy cơ xung đột có chiều hướng gia tăng trên khắp thế giới, hậu quả khó lường và bao giờ cũng phải kết thúc bằng đàm phán. Hòa bình, hữu nghị và hợp tác là xu thế của mọi thời đại.

-Ông nghĩ sao về mức độ truyền tải cảm xúc trên giấy của mình?

Tôi cho rằng: một cuốn sách, dù độ dầy bao nhiêu cũng không thể truyền tải hết những cảm xúc về một sự kiện nào đó chứ chưa nói đến một cuộc chiến tranh. Tôi theo đuổi đề tài chiến tranh từ ngày gác súng cầm bút, đã cho ra nhiều tác phẩm, nhưng mỗi lần nghĩ về chiến tranh, những cảm xúc về nó như níu kéo tôi, lởn vởn quanh tôi như vừa diễn ra hôm qua vậy. Riêng với cuốn “Pailin thời máu lửa” hình như tôi đã hài lòng về nó bởi những gì cần thể hiện thì đã được đưa lên từng trang giấy. Tuy nhiên, mức độ khốc liệt và những cảnh rùng rợn của chiến tranh thì chưa  nói lên hết được.

  • Ông hãy trích dẫn một vài câu yêu thích trong tác phẩm?

-Đây là đoạn văn nói về thời điểm mà Trần Duy Chiến và một số chiến sỹ bị hy sinh và một đoạn văn khi nhận được tin quân Tình nguyện Việt Nam chuẩn bị rút về nước:

 …. “Chiến trường đã bước vào mùa mưa. Mùa mưa năm ấy trên mặt trận Pailin không ai có thể quên được. Mưa như trút nước, mây mù giăng đầy, phủ kín cái thị trấn đổ nát. Thảm rừng xanh bị gió cuốn, dập dờn như những đợt sóng biển đuổi nhau. Cây cối vặn mình kêu răng rắc, quấn vào nhau, gẫy đổ. Sấm chớp nhì nhằng như những ngọn roi quất mãi trên không trung, xé toạc các khối mây đen ra làm nhiều mảnh. Nước từ trên các sườn đồi trút xuống lấp đầy khe suối, biến đường thành sông, ao hồ thành biển. Những chiếc cầu chênh vênh nối hai bờ bị lũ cuốn trôi xuống hạ lưu mất hút, để lại những đoạn đường đứt quãng, lở lói. Đường số 10 bị cắt thành nhiều khúc, thị trấn Pailin bị cô lập hoàn toàn…”

   Hoặc là:

“Một ngày đẹp trời ở vùng biên cương. Buối sáng, ánh nắng ấm áp từ hướng đông rọi xuống mái ngói của ngôi chùa uy nghi và huyền ảo, làm rực rỡ thêm lớp nhũ vàng óng ánh đã bị thời gian che phủ từ hàng thập kỷ. Trên những cái sân trước các căn nhà chỉ còn lại những bức tường lở lói, lấp lánh sắc màu xanh đỏ, tím, vàng của những hạt đá quý lẫn với cát sỏi. Bầy chim két có bộ lông màu xanh nhạt từ đâu cũng bay về, lượn mấy vòng trên vùng trời Pailin rồi đáp xuống những cành đào lộn hột còn sót lại trong khu phố đổ nát. Vạn vật nơi đây hình như cũng thức dậy sớm hơn mọi ngày.

    Tại Trung đoàn 3, nhiều anh bật khóc như những đứa trẻ khi nghe cái tin quân Tình nguyện Việt Nam chuẩn bị rút về nước từ đâu bay đến…”

-Ông đã nhận được những phản ứng như thế nào về cuốn sách cho tới nay?

-Với bạn đọc là Cựu chiến binh, nhất là Cựu chiến binh quân Tình nguyện thì đón nhận sách với niềm hứng khởi pha lẫn tự hào và cảm ơn tác giả đã đưa họ lên những trang sách, họ coi như các nhân vật trong đó đại diện cho những người lính Tình nguyện nói chung. Cuốn sách đã làm trỗi dậy những ký ức một thời chiến đấu oanh liệt và mối quan hệ đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

   Với bạn đọc là những người ngoài cuộc nhưng yêu thích văn chương thì lại biểu lộ sự cảm ơn tác giả đã cho họ hiểu thêm về một cuộc chiến mà chưa được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cuốn sách đã giải đáp được một phần câu hỏi là: vì sao chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã sụp đổ từ ngày 07-01-1979 mà suốt 10 năm sau đó quân đội Việt Nam vẫn phải có mặt tại Campuchia và đã phải hy sinh đến hàng vạn cán bộ, chiến sỹ.

-Hiện nay ông có đang viết tác phẩm tiếp theo nào không?

-Tác giả vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân. Trước mắt đang hoàn thiện bản thảo vô cùng hấp dẫn để có thể tiếp tục gửi đến bạn đọc quốc tế về cuộc chiến tranh này.

-Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà văn?

Khả năng về văn chương có hạn, tôi không dám khuyên các nhà văn điều gì, chỉ mong sao nhà văn mạnh dạn thoát khỏi những ràng buộc thường ngày để đưa lên những trang sách sự nhìn nhận và phản ánh đời sống một cách khách quan, trung thực.

Box:

Tác giả Nguyễn Văn Hồng là Hội viên Hội nhà văn Tp. HCM, sinh năm 1945 tại Xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nhập ngũ năm 1964, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam từ 1965 – 1975. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam ông làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia từ 1979 – 1989. Ông có cấp bậc Đại tá, hiện đã nghỉ hưu. Đã xuất bản 11 cuốn sách, đoạt 4 Giải thưởng văn học trong nước và khu vực.

What do you think?

-1 Points
Upvote Downvote

Written by Kieu Bich Hau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.

Tàn giấy sưởi ấm những phận đời không may mắn

Bế giảng “Lớp Vẽ Trại Hè 2023” xã Yên Bài