in

Tàn giấy sưởi ấm những phận đời không may mắn

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.

Suốt 50 năm cầm bút, Hoàng Việt Hằng đốt không biết bao nhiêu bài thơ. Có những bài thơ không trở thành tàn giấy thì cũng thất lạc. Thế nhưng chị vẫn viết. Viết cho đến khi bản thân cảm thấy thỏa mãn. Chị nói: “Tôi đã viết như đã sống cho cuộc đời này.”

Nửa thế kỷ viết

Nếu không làm nghề viết, hiếm ai thấu hiểu nỗi khó nhọc, vật vã của Hoàng Việt Hằng, nhất là khi chị quyết định sống bằng nghề viết tự do. Thơ không nuôi được bản thân, con cái, nên chị phải bươn chải thêm mảng văn chương, báo chí, vừa để nuôi thơ, vừa để nuôi thân.

Khó khăn trong cuộc sống cộng hưởng khó khăn trong nghề viết chính là động lực để Hoàng Việt Hằng thắp lên những đốm lửa thơ trong tâm hồn mình, đồng thời lan tỏa đến cộng đồng bạn đọc, mà phần lớn là những phụ nữ bất hạnh.

Sau nửa thế kỷ kiên nhẫn, bền bỉ với nghề, Hoàng Việt Hằng đã có một gia tài thơ và văn xuôi đáng ngưỡng mộ. Năm 2023, sự nghiệp thi ca của chị có thêm một dấu ấn đặc biệt, đó là sự ra mắt của “Hoàng Việt Hằng thơ tuyển”. Trong tập thơ này, Hoàng Việt Hằng gom nhặt hơn 100 bài thơ được chị viết trong nhiều giai đoạn cuộc đời.

Khi được vùng vẫy dưới bầu trời thi ca, Hoàng Việt Hằng như được chắp thêm đôi cánh để thỏa thích bay mà không biết mỏi. Dường như tố chất tự do trong đời sống và trong công việc đã bén rễ vào máu của chị. Thế nên, hầu hết những bài thơ của chị đều mang lại cho người đọc cảm giác rất đã. Thưởng thức thơ chị mà như được bay lên cùng chị:

“Ở trên thế gian này/ có mây và có nắng/ có một ngày tĩnh lặng/ để nhìn nhau mấy giây…”

Có những bài thơ buồn, Hoàng Việt Hằng vẫn khiến người đọc mỉm cười thích thú bởi cách chị sáng tạo với câu chữ: “Năm tiêu dao sáng xuân này/ rất nhiều gió ấm với ngày mưa/ tôi đi cùng nửa câu thơ/ nửa câu còn giữ dại khờ xót xa…”

“Hoàng Việt Hằng thơ tuyển” bao gồm một số bài thơ tác giả sáng tác khi tuổi còn xanh: “Những ngày thơ dại yêu tin/ những ngày chỉ ước được nhìn nhau thôi/ những ngày bom đạn khắp trời/ anh đi biển đảo ngoài khơi bấy giờ/ đảo đèn thuyền nhỏ mịt mờ/ sóng to gió lớn khó ngờ được đâu/ khó ngờ một mối tình đầu/ thuyền rời biển lại xa nhau một ngày/ sau này có ước làm cây/ để trông ra biển đọa đày có nhau…”

Có những giai đoạn Hoàng Việt Hằng “viết từng ngày để sống”, coi ưu phiền là tri kỷ. Có lẽ vì thế mà chị nhận được sự đồng cảm mãnh liệt từ bạn đọc. Chị kể: “Có một đêm rất khuya bất chợt chuông điện thoại bàn reo rất lạ, đầu dây bên kia không thấy xưng danh mà sụt sùi khóc… Lại một lần khác một người yêu thơ cảm ơn tôi vì tôi đã giúp chị không chìm xuống cái chết mà trấn an mình bình tâm trở lại…”

Viết vì nỗi niềm thương cảm đàn bà

Thơ Hoàng Việt Hằng không chỉ đồng cảm với nỗi đau, mà sau những giằng xé, chị lại gieo vào tâm hồn người đọc những vệt sáng lấp lánh, những niềm vui âm ỉ và những khấp khởi hy vọng, rằng cuộc sống này vẫn tuyệt đẹp, bất chấp số phận vùi dập họ ra sao: “Cứ vàng rỡ thềm hè đầy lá sấu/ chẳng si tình mà lá cuốn theo chân…”

Trong bài “Quê mẹ xào xạc gió”, Hoàng Việt Hằng viết: “Tìm về chân núi chùa Thầy/ để hái rau rệu, vớt dây hoa bèo/ ngước nhìn vách đá cheo leo/ thời gian ắng lặng những chiều xa quê…”

Những áng thơ như nhắc nhở người đọc, mỗi khi mỏi mệt vì cố gắng tiến về phía trước thì chỉ cần ngoảnh lại, cho phép bản thân buông một tiếng thở dài, là đủ để hân hoan bước tiếp. Đó là lý do thơ ca được ví như “liều vitamin” cho tâm hồn, dù là với độc giả hay với chính nhà thơ.

Đối với không ít độc giả nữ, thơ Hoàng Việt Hằng như một liệu pháp nghệ thuật sáng tạo sử dụng chữ viết để hiểu, giao tiếp và đồng cảm. Các sáng tác của chị thường không dài, nhưng phần lớn là cảm xúc. Chị tiếp xúc với những tình cảm mà bản thân chị có thể không biết là mình có cho đến khi nó được viết ra.

Sự thật là, thông qua thơ ca, người ta có thể bắt đầu hiểu được những trở ngại đang hình thành xung quanh tâm trí họ. Thế nên thơ là một trong những lối thoát tốt nhất đưa con người từ nơi tối tăm đến với ánh sáng.

Đối với những độc giả gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân, đọc thơ có thể có tác động tích cực tương tự như viết thơ. Đọc thơ cho phép người ta nhìn vào tâm hồn của người khác, nhìn thấy những gì đang đè nặng lên tâm trí và trái tim của họ, và có thể mở ra cánh cửa cho những cảm xúc từng bị kìm nén.

Hoàng Việt Hằng thổ lộ, chị viết như để mình tồn tại chứ không cầu mong gì. Thế nhưng mỗi lần ngại viết, chị sẽ lại nhớ đến tiếng nấc than, nhớ giọt nước mắt của bạn đọc nọ, thế rồi chị lại miệt mài giấy bút.

Ở tuổi nào chăng nữa, trái tim chị vẫn run rẩy trước những bất hạnh của con người. “Cảm ơn cú điện thoại bàn đêm khuya, nỗi niềm thương cảm đàn bà với thơ và những góc khuất khác của số phận”, chị nói.

“Hoàng Việt Hằng thơ tuyển” – Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Tiểu Mai

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Chùm thơ mới của nữ sĩ Eva Lianou Petropoulou (Hy Lạp)

“Vì sao Quân đội Việt Nam đã phải có mặt tại Campuchia và hy sinh đến hàng vạn cán bộ, chiến sỹ?”