in

THẦY THUỐC ƯU TÚ, DƯỢC SĨ CHUYÊN KHOA II TRẦN TỰU

TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU ĐÓNG GÓP CHO SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM

          Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống và thử thách trong cuộc kháng chiến, thầy thuốc ưu tú, Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi (SAVIPHARM) luôn phấn đấu, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới của ngành dược Việt Nam.

Rèn luyện ý chí nghị lực thời thơ ấu

           Ông Trần Tựu, tên thật là Trần Văn Tựu, sinh ngày 6.2.1948, tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Cha mẹ ông sinh ra 6 người con, ông có hai người anh, một người chị và hai em trai.  

          Khi Trần Tựu lên 6 tuổi thì cha mất, lúc đó, em kế Tựu, cu Tẹo 3 tuổi và em nhỏ nhất, cu Tí mới 3 tháng 14 ngày. Trước khi mất, cha bị bệnh rất nặng. Hồi đó là chiến tranh, không có thuốc men, không có bệnh xá, người cha ho rất nhiều, và trong một đêm đã qua đời. Mẹ Trần Tựu đã khóc, tiếng khóc nức nở khiến bà con hàng xóm nghe thấy và đến. Tình làng nghĩa xóm ở Việt Nam là vô cùng thiêng liêng, vô cùng quí giá. Họ cũng nghèo đến độ không có đủ bát để ăn cơm, bữa no bữa đói, nhưng mỗi người đã góp một ít tiền cho gia đình lo đám tang.

          Riêng cậu bé Trần Tựu, từ lúc ấy, trong lòng luôn nghĩ: “Tại sao cha mình chết? Cha chết vì không có thuốc!”. Cũng chính từ lúc ấy, cậu nghĩ sau này phải đi vào nghề thuốc để có thể đóng góp gì đó cho những người nghèo. Đó cũng chính là động lực khiến Trần Tựu có nguyện vọng theo đuổi nghề Y Dược.

          Nếu nói về nghề nghiệp, thì trước Cải cách ruộng đất, người nông dân Việt Nam chỉ có một nghề là làm thuê cho địa chủ. Gia đình Trần Tựu nghèo, sinh sống ở tỉnh Hà Nam, cái tỉnh mà ngay sau khi hòa bình ở Miền Bắc (1954), cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Người ta nói, Hà Nam là cái rốn của đồng bằng Bắc bộ, và huyện Bình Lục, huyện gia đình Trần Tựu đang sống, nghèo nhất tỉnh và cũng lại là cái rốn của tỉnh Hà Nam. Vì huyện Bình Lục thường lụt lội nên được gọi với cái tên là huyện “Bình Lụt”.  Mùa mưa đến, từ trong làng ra đường quốc lộ nước ngập và ngập trắng cả đồng. Từ xa xưa, trong vùng đã có câu ca dao: “Bình Lục đồng trắng nước trong, Cơm gạo thì ít rêu rong thì nhiều”.

         Cha mất, một mình mẹ cậu bé Tựu phải gồng gánh nuôi các con. Một thời gian sau, hai anh và chị của Tựu phải tha phương cầu thực, làm thuê, làm mướn ở các nơi, ở nhà chỉ còn 4 mẹ con. Sau Cải cách ruộng đất, gia đình cậu bé Tựu được chia vài mảnh ruộng nho nhỏ. Mẹ nhờ mấy mảnh ruộng đó và đi làm thuê, làm mướn để đổi công. Nhà không có người lớn đàn ông, không có trâu, sức cày, sức bừa không có. Cậu bé Trần Tựu khi đó khoảng 10 tuổi, cu Tẹo 7 tuổi và cu Tí 3 tuổi. Người mẹ đi mượn cái bừa để cùng các con đi kéo bừa ở mảnh ruộng nhà mình. Đây đúng là cái cảnh “kéo bừa thay trâu”. Ba mẹ con: mẹ và Trần Tựu kéo bừa, cu Tẹo thì cầm bừa, và em út, cu Tí còn quá nhỏ, ở trên bờ. Sức người làm sao bằng sức trâu, cậu bé Tựu khi đó mệt đến nỗi không thở nổi. Lần đầu tiên cậu cảm nhận được cụm từ “đứt hơi”. Khi đó mẹ cậu vẫn tươi cười cầm dây kéo bừa, tất cả sức nặng đều dồn về phía mẹ. Vừa kéo dây, mẹ vừa động viên các con: “Cố lên con, cố lên con, sắp xong rồi”. Đó là ý chí của người mẹ! Trong bối cảnh khó khăn, gian khổ đó, người mẹ đã truyền cho anh em Trần Tựu ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

         Thời kỳ Trần Tựu đi học phổ thông, từ nhà đến trường khoảng 4 cây số. Mùa hè đến mùa đông, cậu bé chỉ có một chiếc áo, một cái quần dài và không có đến một đôi dép cao su. Có ngày trời mưa, cậu bé phải cởi áo, đội sách lên đầu, dùng một cái gậy dò đường, lội nước từ nhà ra ngoài đường cái để đi đến trường. Mùa đông, phải đi bằng đôi chân trần lạnh buốt… nhưng nhờ ý chí, cậu bé vẫn vượt qua tất cả. Các em của Trần Tựu cũng vậy.

          Cho đến suốt cuộc đời sau này, ông Trần Tựu luôn luôn nhớ đến mẹ, ông nói ông nhớ đến mẹ trong cả những giấc mơ. Trong ông, hình ảnh mẹ tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, hết lòng vì con cái. Ông ngoại của ông Tựu là một thầy đồ, đã từng dạy rất nhiều học trò. Sau này nhiều học trò của ông thường kể về thầy đồ, người đã dạy chữnghĩa cho họ, với lòng tôn kính. Bà mẹ ông Tựu, trong dòng máu được truyền lại chất văn hóa từ người cha. Do sống dưới thời phong kiến, nên mặc dù cha là thầy đồ nhưng con gái vẫn không được đi học. Bà mẹ của ông Tựu không biết chữ, nhưng cụ thực sự là một nhà văn hóa. Cụ biết ngâm thơ và hát rất hay nhiều làn điệu dân ca, trống quân, sa mạc, và một vài điệu quan họ Bắc Ninh.

          Nếu trong cuộc sống lao động, mẹ ông Tựu đã rèn luyện cho các con ý chí và nghị lực thì trong cuộc sống thường ngày, cụ đã dạy các con cách sống làm người, dạy ông “chữ tâm”. Người mẹ đã dạy anh chị em ông qua những câu ca dao, tục ngữ về chữ “nghĩa”. Ông Tựu không thể quên những đêm hè nóng bức, trong căn nhà đơn sơ, bốn mẹ con cùng ngủ trên chiếc giường tre cũ. Mẹ ông vừa quạt mát bằng chiếc mo cau vừa hát ru cho cu Tí ngủ: “…Bồng bồng mẹ bế con sang…”. Lời ru vừa ấm áp vừa thiết tha, cùng biết bao lời ru khác, chứa đựng bao điều răn dạy các con. Bà mẹ dạy: “Luôn luôn phải có ngãi (tiếng địa phương của chữ “nghĩa”). Tất cả mọi người, người gần, người xa, ai cũng có nghĩa, ta phải luôn có nghĩa với mọi người”. Bà mẹ dẫn câu nói trong tục ngữ của người xưa “Người dưng có ngãi, ta đãi người dưng. Anh em không ngãi thì đừng anh em”. Bà mẹ đã dạy các con phải luôn luôn biết ơn những người từng giúp đỡ mình, và trả ơn những người ấy bằng cách giúp đỡ những người khó khăn hơn mà mình gặp. Những tiếng hát, những lời ru con ngọt ngào của người mẹ đã thấm vào anh chị em ông về tấm lòng yêu thương, về lẽ sống… để rồi sẽ là hành trang cho ông Trần Tựu trên mỗi bước đường sau này. Những tiếng hát, lời ru đó, ông đã mãi mãi mang theo trong suốt cuộc đời mình. Như nhà thơ Nguyễn Duy có câu:

                                  “Ta đi trọn kiếp con người

                              Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”

Thực hiện ước nguyện trở thành Dược sỹ

          Năm 1966, anh Trần Tựu vào học Trường Đại học Dược Hà Nội. Những năm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trở nên ác liệt. Giặc Mỹ đem máy bay ném bom, bắn phá Miền Bắc. Sau khi tập trung tại trường ở Hà Nội, các sinh viên phải về nơi sơ tán ở các tỉnh để học tập. Đoàn sinh viên anh Trần Tựu được lên một chiếc xe tải để đi đến một nơi có tên “Biển Động”. Mới nghe cái tên, anh Tựu và các bạn sinh viên cứ nghĩ sẽ ra biển. Nhưng không ngờ đó là vùng rừng núi thuộc thị xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang).  

          Lúc đầu, sinh viên được bố trí ở trong nhà những bà mế người dân tộc Mường. Tất cả sinh viên phải lên rừng chặt cây, tre, nứa, lá về tự xây dựng lán trại để ở, dựng hội trường để học, dựng bếp ăn… Anh Trần Tựu được biên chế vào một đội xây dựng, đội trưởng là Anh Khoan, một cán bộ dược sĩ trung cấp đã đi làm, được bố trí đi học, anh Tựu được cử làm Đội phó lao động. Đội có nhiệm vụ là mang cây, nứa, mà người ta chặt sẵn, ở một nơi rất xa trên rừng. Từ nhà ở, sinh viên phải qua những con suối, những đồi núi và phải vượt qua một dốc núi rất cao có tên là Phì phò. Do dốc rất cao, trèo qua ai nấy mệt nhoài và phải thở dốc, nên nó mang tên kiểu thở “Phì phò”. Vượt qua dốc đó sang đến bên kia núi mới đến bãi cây, nứa mà các anh chị sinh viên khóa trước đã chặt sẵn để tốp sau mang, vác về. Người khỏe thì làm dây đeo lên cổ và hai tay ôm kéo hai bó nứa. Chị em phụ nữ kéo một bó. Anh Tựu vốn rất khỏe, kéo một lần sáu bó nứa, mỗi bên ba bó và kéo đi ào ào. Nhiều người khen anh Tựu tích cực, nhưng cũng có người nói anh Tựu là “hâm”, là “diễu võ” để tô điểm cho bản thân mình. Với anh Trần Tựu, ai muốn nói gì thì nói, anh làm việc theo bản tính của một người đã từng rèn luyện “kéo bừa thay trâu” thời thơ ấu.

          Anh rất vui vẻ, hứng thú với cuộc sống nơi rừng núi mà anh cảm thấy đầy lãng mạn. Lần đầu tiên anh được sống trong bầu không khí đoàn kết của những bạn bè sinh viên từ khắp nơi hội tụ về. Mọi người ban ngày làm việc, buổi tối tụ họp bên nhau. Anh Tựu có cảm giác những sinh viên các anh có thể làm những việc không tưởng. Khoảng 3 tháng sau, những lán trại đã được xây dựng xong, sinh viên bắt đầu vào học tập. Lán ở của các sinh viên Khoa Dược liệu kề bên Khoa Sinh hóa. Một bếp ăn được dựng dưới tán rừng cây sao nguyên thủy, bên dòng suối thật thơ mộng.

          Anh Trần Tựu học ở Khoa Dược liệu, bắt đầu được tiếp cận những môn học về dược liệu, bào chế thuốc, sinh hóa, vật lý,… Anh chăm học và rất yêu thích các môn học: dược liệu, bào chế thuốc, sinh hóa. Trong lòng anh tràn ngập những niềm vui trong cuộc sống học tập, dù vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng tinh thần thật phong phú. Mỗi buổi sáng, khi có tiếng kẻng báo thức, mọi người bừng dậy, hát vang những bài hát về đất nước, quê hương. Sau đó họ rửa mặt và lên hội trường học với những cái bụng trống rỗng. Hoàn cảnh đất nước chiến tranh, còn nghèo khó, sinh viên không có bữa ăn sáng.

          Đã từng được rèn luyện ý chí từ khi còn nhỏ trong gia đình nông dân nghèo, anh Trần Tựu luôn sống lạc quan. Được thừa hưởng di truyền văn hóa từ phía bên ngoại, anh đã sáng tác nhiều ca khúc ngay trong thời sinh viên. Có một kỉ niệm sâu sắc, anh Tựu đã cùng một người bạn sinh viên cũng nghèo như anh, quê Nghệ An, hai người chỉ có một tấm chăn chiên đắp chung để vượt qua những mùa đông lạnh buốt, khắc nghiệt tại vùng rừng núi miền cao. Nghĩa tình của anh em bạn bè những ngày sống bên nhau đã là nguồn cảm hứng để anh viết bài hát “Những người bạn sinh viên”. Bài hát đã được anh em sinh viên hát vang trong trường: “Từ bốn phương trời ta về đây chung một mái trường. Đời sinh viên chứa chan bao tình bạn chúng ta. Từ trong gian khó hoa nở thắm tươi hơn hoa rừng – Hoa của lòng ta. Chiều hôm củ sắn chia đôi, từng đêm tấm chăn đắp cùng vượt qua bao mùa đông. Vòng chặt tay hát ca vang lừng bên bếp lửa rừng khuya, Ráng chăm học hành cho đời nở hoa. Bạn ơi, tháng năm ghi lòng chúng ta, gian lao có nhau. Rồi ngày mai chắp cánh bay về khắp nẻo quê hương, mang trong lòng những người bạn sinh viên”…

         Học hết năm thứ ba, lớp sinh viên được chuyển về Hà Nội học tiếp năm thứ tư. Lúc này vẫn còn chiến tranh, nhưng mật độ ném bom bắn phá của Mỹ có giảm đi. Lớp sinh viên được nhà trường dựng cho một cái lán đơn giản, giống khi ở trên rừng núi để ở. Mỗi sáng, anh em đi bộ 4 cây số đến trường học, đến trưa phải di chuyển đến một địa điểm khác để ăn trưa và chiều tối trở về lán trại nghỉ. Anh Trần Tựu cùng bạn bè học tập và sống trong hoàn cảnh như vậy cho đến khi ra trường.

          Sau này, anh Trần Tựu nhận ra, ngay khi đất nước còn chiến tranh, Chính Phủ đã có chủ trương đào tạo cán bộ khoa học kĩ thuật các ngành nghề, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau khi giải phóng Miền Nam. Với Trường đại học Dược, đây là khóa đào tạo lớn nhất, đông đúc nhất: hơn 500 sinh viên. Các trường đại học khác cũng vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học Dược, năm 1971, số sinh viên tình nguyện đi phục vụ chiến trường Miền Nam là đông nhất.  

Thử thách tại chiến trường B

          Năm 1971, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc đang đến giai đoạn ác liệt nhất, miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn. Mặc dù giặc Mỹ ném bom ra cả miền Bắc, tàn phá khắp đất nước, nhưng miền Bắc vẫn làm nhiệm vụ hậu phương, chi viện toàn bộ sức người, sức của cho miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Những năm tháng ấy, lớp lớp thanh niên miền Bắc nô nức lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, gọi là chiến trường B. Các lực lượng chi viện cho chiến trường khi đó gồm: Nam thanh niên nhập ngũ, vào bộ đội; Nữ thanh niên vào “Thanh niên xung phong”, và lực lượng dân sự vào chiến trường làm các nhiệm vụ chuyên môn ở các ngành như Y tế, Giáo dục…

          Trong gia đình anh Trần Tựu, người anh Trần Hồng Chi và em Trần Xuân Thành (cu Tẹo) đã xung phong đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Anh Trần Tựu, theo chính sách lúc bấy giờ, không trong diện khuyến khích đi B. Nhưng là một sinh viên đã tốt nghiệp, với ý chí cách mạng mà ngọn lửa của Đảng, của Đoàn Thanh niên đã thổi vào trong anh đang bùng cháy, anh đã cùng một số tân Dược sĩ tình nguyện đi B, trong lực lượng dân sự vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu.

          Anh được tập trung huấn luyện để làm quen với những cuộc hành quân vượt núi Trường Sơn vào chiến trường sắp tới. Trong ba lô các anh đeo có đựng gạch để tăng sức nặng, rèn luyện sức khỏe, sức bền bỉ, dẻo dai, và tập đi bộ hành quân đường dài, đồi núi… Mỗi người cầm một chiếc gậy chống trên tay, nó trợ sức rất nhiều cho người đi bộ hành quân. Lúc này anh Tựu mới hiểu bài hát của nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên “Chiếc gậy Trường Sơn”.

          Sau một thời gian được huấn luyện, tất cả lên đường. Mọi người ngồi trên chuyến tàu lửa chạy về hướng Nam. Nghe theo những người đã đi trước, anh Trần Tựu viết sẵn một bức thư gửi mẹ. Anh gửi người mẹ thương yêu: “Mẹ luôn khỏe nhé, nhất định con sẽ lớn lên, cứng rắn và trở về với mẹ”. Đến địa phận tỉnh Hà Nam, anh Tựu nhìn xuống con đường quốc lộ chạy song song đường sắt, thấy một người đạp xích lô, anh ném bức thư xuống đường và hét to: “Nhờ bác gửi cho mẹ cháu!”. Có lẽ do tiếng tàu chạy lớn quá nên hình như ông xích lô không nghe thấy. Anh Tựu cứ lo ngại, băn khoăn mãi, nhưng về sau anh được biết lá thư đã đến tay mẹ.

          Anh Trần Tựu được biên chế trong một đơn vị hành quân trên đường Trường Sơn, gồm có bác sĩ, dược sĩ, cán bộ cơ yếu… Anh thường hăng hái, xung phong làm nhiều công việc trong đơn vị. Là người có cơ thể khỏe mạnh, nhưng không ngờ anh Tựu lại là người bị sốt rét đầu tiên. Anh chứng kiến những cơn sốt, đắp bao nhiêu chăn cũng không hết lạnh, cái lạnh từ trong người lạnh ra. Anh phải ở lại một trạm xá để điều trị. Sau 4-5 ngày, hết sốt, anh quyết định đuổi theo đơn vị, nhưng đoàn công tác của anh đã đi xa lắm rồi. Anh Tựu cùng những thương bệnh binh khác trong “đoàn thu dung” khoảng 20 người cùng đi tìm đến binh trạm kế tiếp và hi vọng có thể theo kịp đơn vị đã đi trước. Trong đoàn người cùng đi, anh Tựu và một anh tân binh trẻ thường hăng hái vượt lên phía trước. Bỗng cơn mưa rừng ập đến. Đứng trước con suối cạn, các anh nghe tiếng ầm ầm phía xa. Theo kinh nghiệm người ta nói lại, các anh biết là sắp có lũ quét. Hai anh vội leo lên lưng đồi tránh lũ cuốn. Vừa mắc xong võng nghỉ thì lũ quét xuống, con suối cuồn cuộn, ngập tràn nước đỏ ngầu. Hai anh em lấy cơm, ăn xong, ngả lưng trên võng ngủ một chặp, tỉnh dậy các anh thấy nước suối đã rút cạn, nhưng đoàn người đi cùng các anh đã đi hết cả. Hai anh em lạc trong rừng. Các anh đi miết, đến chiều tối, tới một khoảng cây thưa, nhìn thấy dãy núi phía xa có làn khói bốc lên. Có thể đây là một binh trạm và người ta đang nấu ăn, nghĩ vậy, các anh vội đi tới. Nhưng không phải, vì nhìn chỗ khác lại có khói bốc lên, thì ra đó là khí núi. Trời tối dần, hai anh em gặp một con suối khác. Lội theo con suối một đoạn, lên bờ thì trời đã tối đen. Có đèn pin nhưng các anh không dám dùng vì lo ngại biệt kích Mỹ Ngụy đang lùng sục có thể phát hiện. Hai anh em cứ dò dẫm đi trong màn đêm để lần tìm tới một con đường mòn.

Đến rất khuya, các anh tạm nghỉ lại, không dám chặt cây vì sợ gây tiếng động, chỉ lần mò tìm cây mắc võng. Hai người nằm võng không nói với nhau tiếng nào, nhưng cũng không ai dám ngủ. Sợ gặp biệt kích, sợ hổ báo, lâu lâu anh Tựu lại sờ xem anh bạn còn sống không. Cho đến khi nghe tiếng gà rừng gáy sáng, các anh mới yên tâm ngủ một giấc cho tới khi mặt trời đã lên cao. Các anh lại lặng lẽ đi tiếp, bụng đói cồn cào vì gần một ngày đêm chưa ăn gì. Tới quá trưa thì nghe có tiếng người. Nghe giọng nói tiếng Nam, các anh cảnh giác, biết đâu đó là lính Ngụy. Sau đó, nghe có thêm tiếng trẻ em, các anh mới mừng thực sự vì biết đó là đoàn ra Bắc nghỉ an dưỡng và cả các em nhỏ được đưa ra Bắc học tập. Hỏi thăm, được các anh chiến sĩ giải phóng chỉ cho về hướng con sông lớn có đoàn công binh đang làm đường ngầm. Đến đó, họ chỉ đường tiếp, đi đến chiều thì các anh gặp lại đồng đội trong đoàn thu dung đang nghỉ lại ở binh trạm. Mọi người trong đoàn hết sức mừng rỡ, họ kể: “Chúng tôi cứ nghĩ Trần Tựu đã chết rồi. Chúng tôi đã báo cáo binh trạm và binh trạm đã huy động người đi tìm nhưng không thấy các anh”.

          Sau hơn ba tháng hành quân, anh Trần Tựu đã đến Ban Y tế (thuộc Trung ương Cục Miền Nam) tại căn cứ ở Campuchia và được phân công về một đơn vị trực thuộc Ban. Anh Tựu lại bị lên cơn sốt rét nên được đưa vào một bệnh xá điều trị. Được Bác sĩ Nga, bệnh xá trưởng và nhân viên y tế chăm sóc, khoảng một tuần, anh Tựu khỏe lại. Chị Nga đưa anh đến lán chị chơi, mời anh ăn tối với chị, một bữa ăn giản dị trong chiến tranh. Chị đưa anh Tựu xem một cuốn thơ chị chép tay khoảng vài trăm bài mang theo từ miền Bắc. Trong các bài thơ, anh Tựu thích nhất bài thơ “Biển” của nhà thơ Xuân Diệu, cây đại thụ của thơ tình Việt Nam. Bài thơ tình rất hay đã lay động, tạo cảm hứng mạnh mẽ với anh. Tại lán của chị Nga có cây đàn ghita, và với cây đàn này, anh đã phổ nhạc cho bài thơ. Vài ngày sau, anh hoàn thiện ca khúc mang tên “Biển”. Sau khi ra viện, về đơn vị, anh Tựu hát bài hát này cho đồng đội nghe. Thế là ca khúc được lan truyền, nhiều Dược sĩ, đồng nghiệp đã hát ca khúc này trong thời gian ở chiến trường. Giáo sư sinh hóa Đặng Hồ, Dược sĩ Trần Khiên đã hát rất nhiều và hát rất hay ca khúc “Biển”.

           Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, phía Ngụy phải trao trả các cán bộ, đồng bào bị tù đày cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trung Ương Cục quyết định thành lập Ban Đón Tiếp tại khu giải phóng Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đoàn đón tiếp Lộc Ninhđược thành lập và gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất để khám chữa bệnh, an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng bào, đồng chí được trao trả. Một bệnh viện Ban Đón Tiếp, bảy Trạm y tế tại bảy đơn vị (gọi là K) đã được xây dựng.  

Anh Trần Tựu được điều động nhận nhiệm vụ là Trưởng khoa Dược Bệnh viện, đồng thời là Trưởng phòng Dược Ban Đón Tiếp với trách nhiệm tiếp nhận, quản lý thuốc men, y dụng cụ từ miền Bắc gửi vào chiến trường thông qua một đơn vị tiếp nhận (C13). Cơ sở Dược của anh cũng được giao nhiệm vụ tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền, một số loại thuốc tiêm để cung cấp cho Bệnh viện và các Trạm y tế.

          Trong một lần anh Trần Tựu đi công tác tại thị trấn Lộc Ninh, có một cán bộ gọi to “Tựu ơi, có thư từ miền Bắc này”. Anh Tựu phấn khởi chạy ra nhận thư. Mở thư ra đọc, anh bàng hoàng, đây là lá thư em út (cu Tí) gửi từ quê nhà báo tin về anh Trần Xuân Thành (cu Tẹo), em trai của anh:

          “Anh ơi, lá thư này đến tay anh chắc cũng muộn lắm rồi, không biết bao giờ nó mới đến với anh, nhưng em báo với anh một tin, anh Thành đã hy sinh rồi. Anh em chúng mình không bao giờ gặp lại anh Thành nữa…. Ở nhà mẹ đã khóc nhiều, ngày nào mẹ cũng khóc. Mẹ từng thương anh Thành nhất trong các anh chị em mình. Mẹ thương anh Thành là người vất vả nhất mà anh Thành lại tình nguyện đi bộ đội. Từng đêm mẹ cầu nguyện cho anh Thành hoàn thành nhiệm vụ để về với mẹ… Anh có nhớ nhà mình có cây bạch đàn không? Cây bạch đàn do anh Thành trồng giờ lớn lắm và mạnh mẽ vô cùng. Khi nhận giấy báo tử, mẹ cứ nhìn cây bạch đàn rồi mẹ lại khóc. Mẹ không ngớt nói: Cây bạch đàn nó trồng vẫn mạnh mẽ thế này mà sao nó lại không về với mẹ?”…

          Anh Trần Tựu gạt nỗi đau riêng. Chiến tranh, mất mát, đau thương là vậy. Anh cần nén nỗi đau, chuyển thành sức mạnh trong công việc của mình…

Khoa Dược do anh Trần Tựu là trưởng khoa, có hơn 10 cán bộ nhân viên gồm các Dược sĩ Đại học và Dược sĩ Trung học từ miền Bắc và từ các tỉnh ở miền Nam. Ngoài ra còn có các Việt kiều Cambodia và các dược tá được trao trả. Trong Khoa đa số là phụ nữ nhưng đã làm tất cả mọi việc, từ việc xây dựng cơ sở vật chất như kho thuốc, phòng pha chế, khu vực cất nước, hấp thuốc,… đến hoạt động pha chế thuốc trong điều kiện rất khó khăn của chiến trường, đảm bảo đủ các loại dịch truyền (mặn, ngọt), pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin,…

Phòng pha chế dã chiến được dựng với nền là những tấm ván ghép lại, xung quanh và trần được căng bằng các tấm nilon. Anh Trần Tựu đã có những sáng kiến mới tạo ra các dụng cụ để pha chế, sản xuất như: sử dụng các tấm dù pháo sáng làm vật liệu lọc thuốc; sử dụng lại các chai penixilin, rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin… Các dược sĩ đã thay nhau làm tất cả mọi việc: nhóm lò, cất nước, rửa chai lọ, pha chế thuốc, hấp tiệt trùng, cấp phát thuốc.

Mỗi buổi sáng, cả khoa ăn vội chén cơm chỉ với miếng cá khô, muối quẹt và rau rừng, và ai nấy cũng đều tận tụy với công việc đã được phân công. Tổ pha chế đảm nhận công việc vất vả, khó khăn nhất. Họ vào phòng pha chế liên tục từ sáng đến 1-2 giờ chiều mới xong công việc. Trong số đó, anh Trần Tựu không bao giờ quên Dược sĩ Trần Khiên và Dược sĩ trung học Nguyễn Thị Lý, hai cán bộ, cộng sự của anh, rất gương mẫu, làm việc cần mẫn trong phòng pha chế.

         Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm… đều từ cây khô trong rừng. Chủ nhật là ngày toàn khoa vào rừng cưa, mang vác củi, chuẩn bị cho cả một tuần sản xuất. Việc tìm kiếm các cây củi khô ngày càng phải đi xa hơn, vất vả hơn, nhưng Khoa Dược thì không thể thiếu nhiên liệu.

Các cán bộ nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để đảm bảo các loại dịch truyền, các loại thuốc tiêm được sản xuất và cung ứng đầy đủ cho một Bệnh viện và bảy Trạm y tế. Điều đặc biệt, các loại dịch truyền và thuốc do Khoa Dược sản xuất luôn bảo đảm chất lượng, được sự tin tưởng của các y bác sĩ và bệnh nhân. Hoạt động sản xuất của Khoa Dược Bệnh viện và Phòng Dược Ban Đón Tiếp luôn đáp ứng yêu cầu của điều trị với một số lượng lớn như một xưởng sản xuất.

          Anh Trần Tựu đã xây dựng một tập thể Khoa Dược đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, vượt mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được trên giao. Anh cũng tham gia ban chấp hành Đoàn thanh niên lao động tại Bệnh viện, nơi có đông đảo Đoàn viên thanh niên và anh luôn tiên phong trong mọi mặt hoạt động. Là người có năng khiếu văn nghệ, anh Tựu đã tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ, đọc thơ cho các thương bệnh binh nghe, đồng thời tổ chức những chương trình biểu diễn với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Niềm vui và vinh dự lớn đến với anh Trần Tựu: Ngày 02.08.1974, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bệnh viện Ban Đón Tiếp Trung ương Cục Miền nam.

Tiếp quản các cơ sở Dược Sài Gòn, dấu ấn khởi đầu giai đoạn mới

         Sau khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết, toàn quân, toàn dân chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Các lực lượng dân chính trong chiến khu chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ sở dân chính Sài Gòn. Đầu tháng 04.1975, anh Trần Tựu cùng các cán bộ ngành Y, Dược chủ chốt được lệnh tập trung, chuẩn bị cho việc tiếp quản. Từ căn cứ, các anh được xe chở đến một căn cứ khác. Ở đây, anh và mọi người được học tập về chủ trương, đường lối và phương thức tiếp quản Sài Gòn. Anh Trần Tựu trong nhóm các cán bộ Dược, thảo luận việc tổ chức, tiếp quản hơn 125 Viện bào chế của Sài Gòn.

          Trưa ngày 30.04.1975, đoàn quân tiếp quản các cơ sở dân chính của thành phố Sài Gòn từ vùng chiến khu Tây Ninh được lệnh hành quân. Dòng xe vô tận chở đội ngũ cán bộ khoa học dân sự nối tiếp nhau lăn bánh về hướng Sài Gòn. Một ấn tượng khó quên: chiều ngược lại, hàng loạt xe khách chở các binh sĩ của chế độ Sài Gòn đã cởi bỏ trang phục và vũ khí rời Sài Gòn.

          Lực lượng y tế gồm các cán bộ Y, Dược trong Ban y tế xã hội thuộc Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định đã tiếp quản nguyên vẹn các cơ sở y dược, bao gồm các viện bào chế, các công ty kinh doanh dược phẩm tại Sài Gòn. Anh Trần Tựu được giao phụ trách một nhóm cùng với 5 nhóm khác, với sự hỗ trợ của các chuyên viên thuộc cơ quan Quản lý Dược của chính quyền Sài Gòn cũ, tiến hành làm thủ tục tiếp quản các cơ sở Dược vắng chủ. Sau tiếp quản là việc sắp xếp lại cơ cấu các doanh nghiệp dược trên địa bàn thành phố Sài Gòn. Bộ Y tế và lãnh đạo ngành Dược đã tiến hành sắp xếp: Những doanh nghiệp lớn sẽ thuộc Bộ Y tế quản lý, những doanh nghiệp, viện bào chế vừa và nhỏ sẽ do UBND Thành phố quản lý. Anh Trần Tựu được UBND Thành phố quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 trên cơ sở sáp nhập 7 viện bào chế tư nhân. Trong công tác quản lý Xí nghiệp, Giám đốc Trần Tựu luôn quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển. Các cộng sự tận tụy cùng anh Trần Tựu về công tác chuyên môn mà anh luôn nhớ, đó là các Phó Giám đốc Xí nghiệp: Dược sĩ Chu Mai Hào, Dược sĩ Nguyễn Thị Khánh Lâm; Trưởng phòng nghiên cứu: Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng; và Quản đốc phân xưởng: Dược sĩ Trúc Tố.

          Trước những khó khăn do cấm vận, thiếu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, Dược sĩ Trần Tựu đã đưa ra chủ trương thúc đẩy nghiên cứu nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất thuốc. Xí nghiệp đã triển khai việc hợp tác với Giáo sư Đặng Hồng Vân, Tiến sĩ Phan Quốc Kinh, Đại học Dược Hà Nội. Những thành công của Xí nghiệp nổi bật khi đó là: Xí nghiệp 2/9 là cơ sở đầu tiên của ngành Y tế trong nước công bố nghiên cứu chiết xuất từ cây vàng đắng chất berberin; nghiên cứu từ cây cỏ sữa lớn lá làm thuốc chữa bệnh lị và bệnh đường ruột rất hiệu quả. Tiếp sau đó, Xí nghiệp đã nghiên cứu khai thác cây atiso tại vùng cao Đà Lạt, Lâm Đồng, sản xuất ra sản phẩm Phytol, tương tự sản phẩm Cophytol của Pháp chữa các bệnh về gan; nghiên cứu từ cây râu mèo sản xuất sản phẩm betasiphon làm thuốc lợi tiểu; nghiên cứu từ các cây tinh dầu Việt Nam để sản xuất Dầu gió nâu, Dầu gió xanh, được người dân đón nhận và sử dụng rộng rãi.

Trước tình hình chung của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã thăm thực tế hoạt động tại một số doanh nghiệp tiêu biểu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời xây dựng, triển khai cơ chế chính sách phù hợp. Tại Xí nghiệp 2/9 đã diễn ra cuộc họp trọn một ngày do chính ông Võ Văn Kiệt chủ trì. Thành phần cuộc họp gồm có đại diện UBND, các sở, ban, ngành thuộc Thành phố, Ban thư ký Tổng công đoàn Việt Nam cùng lãnh đạo Xí nghiệp 2/9. Dược sĩ Trần Tựu đã báo cáo với ông Bí thư Thành ủy các hoạt động thực tế của Xí nghiệp. Ông cũng mạnh dạn nêu những khó khăn, những băn khoăn, lo lắng do cơ chế chính sách ràng buộc. Sau đó, các ông Lê Quang Chánh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Mai Văn Bảy, đại diện Tổng công đoàn Việt Nam và đại diện các sở, ban, ngành phát biểu. Kết luận buổi họp, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đánh giá cao những nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc của Xí nghiệp 2/9. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Đây là việc làm đúng, Thành ủy ủng hộ, cần tiếp tục phát huy. Về những khó khăn của Xí nghiệp 2/9, UBND Thành phố, các sở, ngành cần giải quyết sớm theo trách nhiệm”. Trước khi rời Xí nghiệp 2/9, Bí thư Thành ủy căn dặn thêm Dược sĩ Trần Tựu với giọng nói ấm áp, thật gần gũi, thân mật: “Những việc đã làm là rất tốt, Tựu cứ mạnh dạn làm và làm tốt hơn nữa”.

          Thời điểm đó, các sản phẩm dược xuất khẩu rất hiếm. Khi dầu cao Sao vàng với bản quyền của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 (thuộc Tổng công ty Dược) được xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu, người dân, đặc biệt là những bà mẹ Liên Xô rất tin dùng sản phẩm này của Việt Nam, coi như một món quà quý. Các bà mẹ Liên Xô thường nói: “Các con đến thăm thì không có gì quý bằng cho tôi một hộp dầu cao”.

          Do nhiều khó khăn: thiếu các loại tinh dầu thiên nhiên như bạc hà, quế, hương nhu; thiếu ngoại tệ để nhập khẩu các nguyên liệu khác; sản xuất hoàn toàn thủ công, chiết rót bằng tay từng hộp… vì vậy, số lượng dầu cao Sao Vàng xuất khẩu sang Liên Xô rất khiêm tốn, mặc dù Tổng công ty Dược đã cho phép mở rộng sản xuất sản phẩm này ra nhiều xí nghiệp khác như Xí nghiệp Trung ương 2, Xí nghiệp Trung ương 26, Xí nghiệp Dược Đà Nẵng,… Sau khi cân nhắc, anh Trần Tựu nhận thấy, nếu biết tổ chức hợp tác sản xuất, nguồn nguyên liệu tinh dầu trong nước có thể từng bước được giải quyết; về qui trình sản xuất, nếu được chuyển giao, có thể nghiên cứu cải tiến, cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất, năng suất nhất định sẽ được nâng cao. Nghĩ vậy, anh Trần Tựu đã đề xuất và Xí nghiệp Dược 2/9 đã được chấp nhận là một đơn vị sản xuất Dầu cao Sao Vàng để xuất khẩu.

          Các công đoạn của qui trình sản xuất khi được chuyển giao hoàn toàn thủ công: người công nhân phải “nấu” các mẻ dầu cao trong các thùng, sử dụng nhiệt độ trực tiếp, chiết rót từng hộp dầu cao. Để giải quyết điều này, anh Trần Tựu đã mời Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa TP.HCM nghiên cứu, thiết kế một dây chuyền sản xuất mới. Sau một thời gian, Khoa Cơ khí đã trình bày hàng loạt các bản vẽ thiết kế. Song, những thiết kế này không thể triển khai được vì các bản vẽ quá phức tạp và thị trường thiếu các vật tư, thiết bị thích hợp.

          Với niềm đam mê nghiên cứu, anh Trần Tựu không chịu dừng ở đó mà tiếp tục bàn bạc trong nội bộ, quyết tâm tự nghiên cứu, cải tiến qui trình sản xuất. Ý tưởng căn bản của anh là phải cơ giới hóa hai công đoạn xử lý tá dược, pha chế và chiết rót, phù hợp với các điều kiện vật tư hiện có trên thị trường. Anh Tựu đem ý tưởng thiết kế dây chuyền sản xuất của mình trao đổi tỉ mỉ với hai công nhân kĩ thuật cơ khí lành nghề của Xí nghiệp là anh Nguyễn Hữu Cảnh và anh Vi Văn Long. Và dự án “Nghiên cứu, thiết kế dây chuyền sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu” đã được khẩn trương triển khai. Chỉ sau hơn hai tháng, với nỗ lực cao, dự án đã được triển khai thành công.

          Qui trình sản xuất được cải tiến bao gồm thiết bị xử lý tá dược, thiết bị pha chế chính với việc gia nhiệt có kiểm soát bằng hệ thống hơi nước (steam), hỗn hợp dầu cù là được lưu trữ trong thiết bị riêng với nhiệt độ thích hợp và vận chuyển trong đường ống đến khu vực chiết rót. Khâu chiết rót đã được cơ giới hóa với việc liên kết các đáy hộp chứa dầu caothành hệ thống chiết rót với năng suất tăng từ 60 – 100 lần cách chiết rót thủ công. Với việc đưa dây chuyền mới vào sản xuất, năng suất lao động tăng vọt: Xí nghiệp Dược 2/9 đã sản xuất thành công với sản lượng năm cao nhất đạt 59 triệu hộp Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu, chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này.

          Cùng với thành quả của việc sản xuất Dầu cao Sao vàng xuất khẩu, Dược sĩ Trần Tựu tiếp tục có sáng kiến, tìm ra giải pháp mới để góp phần giải quyết khó khăn gay gắt lương thực cho TP.HCM. Được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại thương, Xí nghiệp đã nhập lại vật tư, thiết bị như phân bón, xe vận tải, xe chở khách, giao UBND TP.HCM để chuyển cho các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và nhận lại lương thực cho thành phố.

          Xí nghiệp Dược 2/9 đã được vinh dự đón ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm. Các vị lãnh đạo đã đánh giá cao sự nỗ lực của Xí nghiệp 2/9 trong hoạt động nghiên cứu chuyển hướng sản xuất Dược phẩm từ nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là tổ chức sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu đạt hiệu quả cao.

Với việc đổi mới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của Xí nghiệp Dược 2/9 đã có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Nộp ngân sách của Xí nghiệp Dược 2/9 chiếm hơn 50% tổng lượng nộp ngân sách của 12 xí nghiệp và công ty dược của TP.HCM. Tại Đại hội thi đua nhân điển hình tiên tiến của Thành phố, UBND Thành phố đã đánh giá cao những thành quả nổi bật của Xí nghiệp Dược 2/9 giai đoạn 1975 – 1985. Dược sĩ Trần Tựu được cử đi dự Đại hội thi đua toàn quốc, được Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Xí nghiệp Dược 2/9 đã được tặng thưởng một Huân chương Lao động hạng Nhì, một Huân chương Lao động hạng Nhất và được đánh giá là một trong 10 doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của TP.HCM. Với những thành công xuất sắc của Xí nghiệp Dược 2/9, trong vai trò là Giám đốc Xí nghiệp, anh Trần Tựu đã trở thành một trong những giám đốc tiên phong, dám nghĩ, dám làm, tạo dấu ấn trong giai đoạn khởi đầu quá trình đổi mới của TP.HCM.

 “Sự kiện Đà Lạt”

Trước những khó khăn của nền kinh tế, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chủ trương nghiên cứu, tổng kết về mặt lí luận, thực tiễn của nền kinh tế tập trung bao cấp, đồng thời nghiên cứu các đặc trưng của nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, và kinh nghiệm thực tế của các địa phương và các doanh nghiệp điển hình. Tháng 7.1983, tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư thành ủy TP.HCM đã tổ chức báo cáo thực tế các hoạt động của một số doanh nghiệp điển hình với các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. “Sự kiện Đà Lạt” có mối quan hệ hữu cơ và đóng góp thiết thực đến công cuộc đổi mới.

Chiều ngày 11.7.1983, ông Nguyễn Văn Linh giao việc cho anh Lê Hồng Quang, người giúp việc trực tiếp: “Sáng mai, 7 giờ xuất phát đi công tác ở Đà Lạt khoảng 10 ngày. Ta đi hai xe và ba xe khác của các đồng chí ở UBND Thành phố và các xí nghiệp cùng đi. Cậu liên hệ với các anh và lo ăn uống trên đường đi”. Theo đề nghị của ông Võ Thành Công, Trưởng ban công nghiệp Thành ủy, ông Nguyễn Văn Linh đã chỉ định giám đốc các doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố chuẩn bị tài liệu về hoạt động của đơn vị mình để báo cáo trước các vị lãnh đạo cấp cao tại Đà Lạt. Trong danh sách, có tên Giám đốc các doanh nghiệp: ông Nguyễn Quang Lộc, Tổng giám đốc Bột giặt VISO; ông Lê Đình Thụy, Giám đốc Công ty Thuốc lá 2; ông Trần Tựu, Giám đốc Xí nghiệp Dược 2/9; ông Nguyễn Văn Long, Tổng giám đốc ngành dệt và bà Lê Thị Lý, Giám đốc Dệt Phước Long.

Tại Đà Lạt, Ban tổ chức bố trí ông Nguyễn Văn Linh và thư kí nghỉ tại một biệt thự 1 tầng, Giám đốc các công ty, xí nghiệp ở một biệt thự gần đó. Điều đặc biệt, hàng ngày, với sự giản dị và gần gũi, ông Nguyễn Văn Linh cùng dùng bữa chung với tất cả cán bộ lãnh đạo các công ty, xí nghiệp. Trong mỗi bữa ăn, ông đều khuyến khích và căn dặn các Giám đốc: Cần phải nói một cách thực tế, chân thật những trở ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về thu nhập đời sống của công nhân viên tại đơn vị và mạnh dạn đề xuất những giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách với các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Cần phải làm rõ: những doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới, đạt được những thành quả và là những ốc đảo thì cần phải tạo điều kiện để phát triển nhiều ốc đảo khác.

Trong các buổi họp, ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì, thành phần tham dự có ông Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Võ Chí Công, Thường trực Ban bí thư, ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Thành Công, Trưởng ban Công nghiệp Thành ủy, và các Giám đốc đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của TP.HCM. Theo sự sắp xếp, vào mỗi buổi sáng, từng Giám Đốc báo cáo tình hình thực tế về hoạt động của đơn vị trước các vị lãnh đạo trung ương. Các báo cáo đều nêu lên những khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; mặc dù các doanh nghiệp đều thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, được cấp trên giao kế hoạch nhưng không được cân đối vật tư; cơ chế chính sách có nhiều ràng buộc dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đình đốn. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn tự cân đối – huy động ngoại tệ, huy động vốn

nhập – bổ sung nguyên liệu, vật tư… để duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và đảm bảo đời sống cho người lao động đã bị coi là “xé rào”. Các Giám đốc mạnh dạn đề xuất, đề nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn, trở ngại, bổ sung và điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được quyền tự chủ trong mọi mặt hoạt động, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đồng thời có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Được phân công báo cáo trong buổi làm việc cuối cùng, Dược sĩ Trần Tựu đã trình bày tình hình hoạt động của Xí nghiệp Dược 2/9 với những nỗ lực khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh với trọng tâm là nghiên cứu phát triển, nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn dược liệu trong nước để sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thuốc phòng chữa bệnh của nhân dân thành

phố và các tỉnh/thành. Xí nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu, thiết kế và cải tiến các trang thiết bị, đặc biệt là dây chuyền sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu. Ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nghe và rất hài lòng về nỗ lực vượt khó của Xí nghiệp 2/9, đặc biệt là việc đẩy mạnh sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu, ông nói: “Đồng chí Bregiơnép, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô có nói với Tổng bí thư Lê Duẩn của chúng ta rằng: Nếu Việt Nam mà cung cấp cho Liên Xô mỗi người một hộp Cao Sao Vàng thì Liên Xô cũng hết lòng ủng hộ những cái Việt Nam cần, đồng chí cần nỗ lực hơn nữa thúc đẩy sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu”.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trường Chinh ân cần nói với Dược sĩ Trần Tựu: “Ngày xưa không có thuốc tây, ông cha ta đã nghiên cứu sử dụng thuốc nam để chữa bệnh rất hiệu quả. Xí nghiệp của đồng chí cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất ra nhiều hơn nữa sản phẩm thuốc điều trị cho người dân”.

Làm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM         

Sau đó, Thành phố có chủ trương thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Dược bao gồm các công ty sản xuất thuốc, kính mắt và các công ty kinh doanh khác. Ông Trần Tựu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, có 5 phó tổng giám đốc trực tiếp quản lý từng lĩnh vực. Với vai trò phối hợp chung, Liên hiệp đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để từng thành viên phát huy vai trò chủ động và sáng tạo của mình, đóng góp thiết thực cho hoạt động chung của toàn Liên hiệp. Công ty YTECO đã làm tốt chức năng huy động kiều hối, nhập nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc song song với các hoạt động kinh doanh khác. Công ty SAPHARCO với mạng lưới các nhà thuốc ở khắp các quận huyện đã có bước tổ chức lại, đảm nhận tốt hơn vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thuốc đến mạng lưới các bệnh viện, các nhà thuốc trên địa bàn thành phố, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác cung ứng thuốc đến các địa phương khác.

Do quá trình sáp nhập các viện bào chế thành các doanh nghiệp chỉ đơn thuần mang tính cơ học, đã dẫn đến sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các doanh nghiệp, Dược sĩ Trần Tựu nghiên cứu, xây dựng phương án với sự kiên trì thuyết phục đi đến đồng thuận sắp xếp lại cơ sở vật chất của các đơn vị, tiến hành điều chuyển các cơ sở bao gồm nhà xưởng của một số đơn vị chưa khai thác hoạt động hiệu quả cho các đơn vị có tiềm năng nhưng thiếu cơ sở vật chất, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn Liên hiệp.

Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM đã triển khai một chương trình nghiên cứu định hướng phân công lại sản xuất phù hợp với cơ sở vật chất và tiềm năng của các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển tại Xí nghiệp Dược 2/9, Xí nghiệp dược phẩm dược liệu, Viện Dược phẩm Sài gòn, Xí nghiệp Dược phẩm 3/2, các Xí nghiệp mắt kính… Nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn dược liệu, nguyên liệu trong nước đã được triển khai, góp phần khắc phục khó khăn về nguyên liệu hóa dược nhập khẩu, tạo ra nhiều nhóm dược phẩm mới phong phú sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, góp phần giải quyết khó khăn về thuốc tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.

Ngoài địa bàn Thành phố, Liên hiệp các Xí nghiệp Dược và các doanh nghiệp tiên phong trực thuộc đã mở rộng các hoạt động hợp tác, liên doanh liên kết với các xí nghiệp liên hợp dược, các doanh nghiệp địa phương trên toàn quốc trong hoạt động khai thác các nguồn dược liệu, tinh dầu, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và cung ứng thuốc. Lãnh đạo Liên hiệp các Xí nghiệp dược, 12 doanh nghiệp là một tập thể đoàn kết, luôn chia sẽ những kinh nghiệm và cùng khắc phục các khó khăn trong mọi mặt hoạt động. Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam đã có nhận xét: Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM mặc dù mới thành lập nhưng có bước phát triển mạnh mẽ không kém gì Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam.

Tại Hội nghị Trung ương ngày 9.2.1987 do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì, Dược sĩ Trần Tựu – Tổng Giám Đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM đã được vinh dự báo cáo những kết quả trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức – hoạt động, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài Liên hiệp, phát triển sản xuất và kinh doanh, đáp ứng yêu cầu dược phẩm của Thành phố và các địa phương trong khu vực.

Đóng góp cho sự đổi mới cơ cấu ngành Dược Việt Nam

          Từ những năm 1990, Trung ương có chủ trương tiến hành sắp xếp, đổi mới cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các Bộ, các địa phương theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn và hiệu quả; tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp cùng ngành nghề, đồng thời chuyển đổi Liên hiệp các xí nghiệp (hình thức tổ chức phổ biến thời gian đó) thành các Tổng Công ty Nhà nước. Với kinh nghiệm đúc kết trong thời gian làm Giám đốc Xí nghiệp 2/9 và Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM, ông Trần Tựu được điều động về Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế).

          Nhiệm vụ của ông Trần Tựu là nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển Liên hiệp các Xí nghiệp thành Tổng Công ty Dược Việt Nam với cơ cấu, tổ chức, hoạt động phù hợp, hiệu quả, trình Bộ Y tế thông qua, báo cáo Ban Đổi mới doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ phê duyệt. Việc nghiên cứu xây dựng đề án chuyển Liên hiệp thành Tổng công ty thực sự có nhiều khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy thời gian trước, Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam đã từng xây dựng đề án đến 3 lần nhưng đều chưa được Bộ Y tế thông qua. Ông Trần Tựu với trách nhiệm được giao đã tranh thủ ý kiến của các cán bộ chủ chốt trong Liên hiệp, các cán bộ lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, đã nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đề án của các Tổng công ty khác, và đã làm việc liên tục trong 4 tuần. Cuối cùng, bản Đề án chuyển đổi Liên hiệp các Xí nghiệp Dược thành Tổng Công ty đã được hoàn thành. Sau khi lấy ý kiến của các doanh nghiệp thành viên, Đề án đã được Bộ Y tế thông qua, trình Ban đổi mới doanh nghiệp phê duyệt cho phép triển khai.

          Trong quá trình phát triển, đã xuất hiện những doanh nghiệp đầu đàn với các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả; nhưng đồng thời, vẫn có một số doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn do thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu. Dược sĩ Trần Tựu cùng Hội đồng quản trị của Tổng công ty đã thảo luận, nhất trí chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp này với nhiều giải pháp: bổ sung nguồn tài chính, thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình quản lý sản xuất và kinh doanh.

          Được sự chấp thuận và hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng công ty đã xây dựng thành công Đề án Qui hoạch tổng thể – đầu tư phát triển Tổng công ty Dược Việt Nam giai đoạn 1996 – 2025. Thực hiện chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đã có bước bứt phá tiên phong trong việc xây dựng và triển khai các dự án đầu tư mới, với trang thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh như Công ty IMEXPHARM, Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 1.

          Tổng công ty đã chủ trì nghiên cứu thực tế, đề xuất các Bộ ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất thuốc và nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, trực tiếp giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Theo đề nghị của Tổng công ty, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã trực tiếp xem xét, giải quyết các vướng mắc về thuế suất để thúc đẩy sản xuất các nguyên liệu kháng sinh nhóm betalactam tại công ty Dược phẩm Mekophar; bổ sung nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, phát triển nguồn dược liệu tại các công ty chuyên kinh doanh dược liệu như Công ty dược liệu trung ương 1, Công ty VIMEDIMEX 2, Trung tâm dược liệu miền trung,…; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nguồn dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước.

          Thấy rõ động lực của hoạt động khoa học, công nghệ, Tổng Giám đốc Trần Tựu đã đề xuất Hội đồng quản trị thảo luận, triển khai chủ trương đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển trong Tổng công ty và ở tất cả các doanh nghiệp. Nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được phê duyệt, triển khai: Hai Đề tài cấp Nhà nước do Dược sĩ Trần Tựu làm chủ nhiệm được Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đã triển khai với sự tham gia của các cán bộ khoa học của Tổng công ty, các Viện, Trung tâm khoa học thuộc các Bộ ngành; hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển, được hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước; nhiều đề tài đã chuyển thành các dự án đầu tư, tạo ra các sản phẩm thuốc chất lượng cao.

          Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, 24 doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam đã luôn gắn bó cùng vượt qua các khó khăn, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Dược giai đoạn 1995-2005 đã có bước phát triển mạnh với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, góp phần cùng ngành Dược cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho yêu cầu phòng và chữa bệnh, trong đó gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước.

Xây dựng SAVIPHARM – Doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động Khoa học & Công nghệ và đổi mới quản lý

Xác định chiến lược phát triển với các chặng đường 5 năm – 10 năm

          Ngay sau khi nghỉ nhiệm vụ tại Tổng Công ty Dược Việt Nam, Dược sĩ Trần Tựu đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư công ty sản xuất – cung ứng thuốc hướng tới các chuẩn mực cao.

          Dược sĩ Trần Tựu đã thảo luận các ý tưởng với người thân trong gia đình và những người bạn đồng nghiệp có tâm huyết, tất cả đều đồng tình ủng hộ. Khởi đầu, đội ngũ SAVIPHARM chỉ vẻn vẹn có năm người: Dược sĩ Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; Cử nhân Vũ Khánh Hương (phu nhân Dược sĩ Trần Tựu), phụ trách khối kế hoạch và cung ứng; Thạc sĩ Trần Lê Minh (con trai Dược sĩ Trần Tựu), phụ trách hoạt động kinh doanh; Cử nhân Bùi Thị Kim Liên, phụ trách tài chính và kế toán; và cô Tiêu Thị Kim Thanh, thủ quỹ. Dược sĩ Trần Tựu đã cùng với Cử nhân Vũ Khánh Hương đi thăm, làm việc với hầu hết Khu công nghiệp/Khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Khi làm việc với lãnh đạo Khu chế xuất Tân Thuận (TTC), đi thăm các nhà máy đã được đầu tư và các khu đất sẵn sàng cho thuê, ông Trần Tựu thấy điều kiện hạ tầng của Khu chế xuất Tân Thuận đáp ứng những yêu cầu cho hoạt động sản xuất các sản phẩm nhạy cảm, chất lượng cao như thuốc chữa bệnh. Khu chế xuất Tân Thuận đã được Tạp chí UK Corporate Location Magazine của Anh đánh giá là Khu chế xuất thành công nhất châu Á, được Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là Khu chế xuất có điều kiện hạ tầng tương đương với điều kiện hạ tầng của Nhật Bản. Ông đã quyết định chọn khu chế xuất Tân Thuận là nơi đầu tư Công ty sản xuất kinh doanh thuốc, mặc dù giá thuê đất ở đây cao hơn 10 lần so với giá tại các Khu công nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Một ngày đáng ghi nhớ, ngày 30.11.2006, Dược sĩ Trần Tựu đã ký kết hợp đồng thuê 25.000m2 của Khu chế xuất Tân Thuận với sự chứng kiến của ông Sáu Quang, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA).

          Với 35 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành sản xuất dược phẩm, các kiến thức thu nhận khi đi thăm, làm việc tại các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm, các trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp ở các nước phát triển, Dược sĩ Trần Tựu đã trực tiếp xây dựng “Dự án Đầu tư Nhà máy sản xuất Dược phẩm”. Sau khi lựa chọn đơn vị thiết kế, ông đã trực tiếp phối hợp xây dựng qui hoạch tổng thể đầu tư trên diện tích 25.000 m2, tiến hành thiết kế toàn bộ cơ sở vật chất giai đoạn 1 của Công ty. Đồng thời, tiến hành xây dựng chiến lược phát triển của SAVIPHARM giai đoạn 5 năm (2005 – 2010) và 10 năm tiếp theo (2010 – 2020), với các mục tiêu được xác định: trước mắt Nhà máy và toàn bộ cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn GMP WHO, những năm sau đó hướng tới đạt các tiêu chuẩn cao GMP Nhật Bản, GMP châu Âu,…

Đầu tư đồng bộ cho hoạt động KH&CN – Động lực phát triển của SAVIPHARM

          SAVIPHARM đặc biệt chú trọng đầu tư cho hoạt động Khoa học Công nghệ, coi đây là động lực phát triển của Công ty. Mặc dù nguồn vốn ban đầu ở mức khiêm tốn, nhưng Dược sĩ Trần Tựu đã dành nguồn lực tài chính đáng kể, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển; các phòng thí nghiệm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại từ các nước G7; pilot được đầu tư các thiết bị tương thích các trang thiết bị tại nhà máy sản xuất thương mại, phù hợp với qui định của GMP, tạo thuận lợi cho việc nâng cỡ lô, đảm bảo hiệu suất và chất lượng sản phẩm. SAVIPHARM có đội ngũ cán bộ được tuyển chọn và đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước. Những cán bộ khoa học ưu tú được gửi đi tham quan, học tập và đào tạo tại các trường, các trung tâm đào tạo ở nước ngoài như Trường Đại học Monash, Úc, Trung tâm GEA-NUS thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore… Chiến lược nghiên cứu phát triển được xác định: nghiên cứu phát triển các generic mới, đón đầu các sản phẩm sắp hết bản quyền, chuẩn bị cho việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới công nghệ cao có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài cùng loại, thay thế các thuốc nhập khẩu. SAVIPHARM đã dành ngân sách khoảng 5% tổng doanh thu hàng năm để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển. Với mục tiêu tạo bước đột phá mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển giai đoạn 2015 – 2025, Dược sĩ Trần Tựu đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Đầu tư Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ cao SAVIPHARM với trọng tâm là đầu tư trang thiết bị – công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất thương mại các sản phẩm pellet, vi hạt; nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ các sản phẩm công nghệ sinh học, các thuốc điều trị ung thư công nghệ cao. Trung tâm đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, hoàn thiện những chuyên đề nghiên cứu đầu tiên, các bộ hồ sơ đã sẵn sàng đăng ký xin cấp phép sản xuất.

Xây dựng thành công các chuẩn mực cao: GMP Nhật Bản, GMP châu Âu

          Tại thời điểm SAVIPHARM thành lập và khởi công xây dựng Nhà máy OSD, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam mới chỉ đạt tiêu chuẩn GMP WHO. Việc triển khai mục tiêu chiến lược đầu tư Nhà máy sản xuất của SAVIPHARM đạt GMP Nhật Bản, GMP châu Âu là một thách thức rất lớn đối với SAVIPHARM.

          Để hướng tới các chuẩn mực cao, Dược sĩ Trần Tựu đã triển khai chiến lược “Đưa SAVIPHARM ra thế giới – Đưa thế giới vào SAVIPHARM”. Trước hết là xây dựng các dự án đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế, chủ động đề xuất các chương trình hợp tác với các công ty, các tập đoàn đa quốc gia; cử các cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt, những người có kiến thức, ngoại ngữ tốt, có tinh thần nỗ lực học tập, vượt khó, đi nước ngoài; tổ chức gian hàng và tham gia các Hội chợ quốc tế ngành trang thiết bị – công nghiệp dược hàng năm (CPhI) để giới thiệu các thành tựu, các dự án của SAVIPHARM. Tại các kì hội chợ triển lãm, các cán bộ quản lý của SAVIPHARM đã tiếp cận với các nguồn kiến thức quí báu từ các đối tác. Nhiều đối tác đã quan tâm các dự án của SAVIPHARM, tiến hành thảo luận tại Hội chợ triển lãm và các cuộc thảo luận sau đó để tiến tới những nội dung hợp tác cụ thể.

          Sau khi khánh thành đầu tư giai đoạn 1, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đều đến thăm và làm việc với SAVIPHARM để tìm cơ hội hợp tác (Tập đoàn GSK, Pfizer, Merck, Johnson & Johnson,…). GSK đã trở thành Tập đoàn Dược đầu tiên ký kết hợp tác với SAVIPHARM, sau đó SAVIPHARM trở thành Nhà sản xuất theo hợp đồng của GSK khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Trung Quốc – Nhật Bản. Bộ Y tế Nhật Bản đã tiến hành thanh tra và cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản cho SAVIPHARM vào tháng 12.2010. Từ tháng 10.2011, SAVIPHARM đã hợp tác với GSK tiến hành xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản và sau đó đã mở rộng ra 3 quốc gia Cambodia, Malaysia, Lào.

Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, Dược sĩ Trần Tựu đã xây dựng “Kế hoạch triển khai nâng cấp Nhà máy số 1 theo tiêu chuẩn GMP châu Âu”, đồng thời triển khai đồng loạt các hoạt động quản lý theo tiêu chuẩn châu Âu. Từ ngày 26 đến ngày 30.8.2019, đoàn thanh tra đại diện cho cộng đồng châu Âu đã đến thanh tra nhà máy và toàn bộ cơ sở vật chất của SAVIPHARM. Và ngày 28.11.2019, SAVIPHARM đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu cho tất cả các dạng sản phẩm. Tại thời điểm này ở Việt Nam có một số nhà máy đạt GMP châu Âu, trong đó SAVIPHARM là công ty có 100% vốn Việt Nam xây dựng thành công tiêu chuẩn GMP châu Âu.

Xây dựng văn hóa đặc trưng SAVIPHARM

          Văn hóa là cốt lõi của doanh nghiệp, là động lực và mối liên kết chặt chẽ giữa cán bộ công nhân viên trong Công ty và là động lực để mọi người đoàn kết nỗ lực vượt qua các khó khăn, thực hiện các mục tiêu của Công ty. SAVIPHARM đã xây dựng nền tảng văn hóa với 5 giá trị cốt lõi: Chất lượng hàng đầu – Trách nhiệm trọn vẹn – Sáng tạo liên tục –– Đối tác thân thiện – Phát triển bền vững.

Giá trị cốt lõi “Chất lượng hàng đầu”, đã xác định trách nhiệm của cán bộ công nhân viên phải nỗ lực để đảm bảo chất lượng thuốc của SAVIPHARM đứng ở vị trí hàng đầu trên thị trường (bao gồm cả thuốc nước ngoài và thuốc sản xuất trong nước) và hoạt động cung ứng thuốc cũng với “Chất lượng hàng đầu”, đáp ứng các yêu cầu của y bác sĩ, dược sĩ trong ngành và người dùng thuốc.

Giá trị cốt lõi “Trách nhiệm trọn vẹn” thể hiện ý chí và trách nhiệm xã hội của toàn thể cán bộ công nhân viên SAVIPHARM trong hoạt động sản xuất – cung ứng thuốc, đồng thời xác định trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của người lao động và người dân, thực hiện các chính sách chăm sóc, hỗ trợ người nghèo, người dân bị thiên tai, dịch bệnh,…

Giá trị cốt lõi “Sáng tạo liên tục” nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân viên phát huy sáng kiến, các sáng tạo trong quá trình sản xuất và làm việc, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò nghiên cứu khoa học – nghiên cứu phát triển của đội ngũ làm khoa học, với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng cao với giá cạnh tranh.

Với Giá trị cốt lõi “Đối tác thân thiện”, SAVIPHARM đã xây dựng và thực hiện phương thức kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng và đối tác trong điều kiện có thể.

Hoạt động của SAVIPHARM dựa trên nền tảng căn bản của luật pháp, không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi thương hiệu, danh tiếng, lợi ích cốt lõi đã được thể hiện trong Giá trị cốt lõi “Phát triển bền vững”.

Xây dựng phương thức quản lý hoạt động chuyên nghiệp

          Với nhận thức: Đội ngũ cán bộ quản lý – cán bộ chủ chốt có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng, cải tiến liên tục và thực hiện phương thức quản lý mới, công ty SAVIPHARM đã đặc biệt chú trọng việc tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý với 4 kĩ năng: Học tập – thu thập kiến thức và xây dựng Hệ Thống Dữ Liệu; Rèn luyện kĩ năng viết, xây dựng văn bản; Xây dựng kĩ năng thuyết trình – báo cáo; Phát triển kĩ năng tổ chức, triển khai và kiểm soát công việc. Đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân viên của SAVIPHARM thường xuyên được trau dồi, nắm vững và triển khai hiệu quả 05 Giá trị Cốt lõi của Công ty, luôn xác định phải nỗ lực vượt khó để thành công. Văn hóa LEAN – cuốn sách hàng đầu về hoạt động quản lý của Tập đoàn Toyota và các tập đoàn đa quốc gia đã được SAVIPHARM giới thiệu, triển khai vận dụng trong quá trình hoạt động, quản lý kinh doanh và là nền tảng cho việc kiểm soát toàn bộ các hoạt động của công ty và từng phòng – nhà máy.    

Sau 15 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Thầy thuốc Ưu tú, Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu, SAVIPHARM đã trở thành một Doanh nghiệp Dược có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, đã đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp Dược Việt Nam. SAVIPHARM là một trong rất ít doanh nghiệp dược đạt cả 2 tiêu chuẩn cao GMP Nhật Bản, GMP châu Âu; đã nghiên cứu phát triển thành công 11 nhóm thuốc với 250 số đăng ký và 1 nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ với 222 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Khoa học & Công

nghệ. Năm 2019, SAVIPHARM được cấp Giấy chứng nhận “Top 50 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam” và được vinh danh trong “Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2020”. Đặc biệt, SAVIPHARM đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2020), Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 2015), Chủ tịch UBND TP. HCM tặng Cờ luân lưu (năm 2015) và Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Danh hiệu Ngôi Sao Thuốc Việt (năm 2015) và nhiều Giải thưởng cao quý khác.

Đền đáp công ơn với ngành y tế, người bệnh đã tin tưởng sử dụng thuốc của SAVIPHARM, Công ty luôn đi đầu trong hoạt động xã hội, từ thiện. Riêng năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, SAVIPHARM đã tài trợ tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng bao gồm một xe cứu thương với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, một máy xét nghiệm RT-PCR hiện đại và tiền mặt cho ngành y tế TP.HCM, thiết thực hỗ trợ các phương tiện và kinh phí trong công tác phòng chống dịch. Năm 2021, SAVIPHARM tiếp tục hỗ trợ ngành y tế, trung ương, TP.HCM và các địa phương với tổng trị giá trên 5 tỉ đồng bao gồm thuốc men, tài trợ Quỹ Vaccine,…

Khi người ta hỏi ông Trần Tựu về những khen thưởng cá nhân mà ông được trao tặng, ông nói: SAVIPHARM được Chủ tịch nước, Thủ tướng và các cấp khen thưởng, được phong tặng các danh hiệu, đó cũng chính là phần thưởng cho cá nhân tôi. Tôi nghĩ, phần thưởng lớn nhất đối với tôi là đã được học tập, rèn luyện và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người, như tôi từng mong ước từ khi còn nhỏ./.

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nhà thơ Sijo, Kim Min-jeong và tập thơ “Hoa, thời khắc ấy”

Tình yêu và nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Sỹ Bình