in

Tập thơ “Tiếng Việt”, thao thức khôn nguôi về quê mẹ

Tập thơ “Tiếng Việt” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Tập thơ “Tiếng Việt” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Giống như biết bao phụ nữ khác, Quỳnh Iris de Prelle sửa soạn cho tuổi 40 nhiều thứ để luôn vui, trẻ, khỏe. Bên cạnh yoga và gym nhằm tăng cường sức mạnh thể chất, chị còn chế biến một món ăn tinh thần bổ dưỡng khác nữa, đó là thơ.

Bận rộn khi cả thế giới ngưng trệ vì Covid-19

Quỳnh Iris de Prelle là nhà thơ thuộc thế hệ 8X, đang sống tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Chị được người yêu thơ biết đến qua những tác phẩm nổi bật như “Song tử”, “Buổi sáng phủ định”, “Người mang nước”, “Biến đổi khí hậu”, “Nỗi buồn trên cây” (được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn).

Năm 2021, tập thơ “Tiếng Việt” (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) chính thức trình làng, tạo nên nốt thăng cho sự nghiệp văn thơ của Quỳnh Iris de Prelle. “Tiếng Việt” tập hợp những bài thơ (và một vài tác phẩm văn xuôi) tác giả viết chủ yếu ở nước ngoài, trong một giai đoạn đáng nhớ nhất của thế giới: Đại dịch Covid-19.

Trong lúc cả nhân loại điêu đứng và ngưng trệ mọi hoạt động, tâm hồn đam mê thi ca khiến Quỳnh không ngừng bận rộn. Phải nói rằng Covid-19 – kẻ không mời mà đến – đã thôi thúc các tác giả cầm bút sáng tác. Những tác phẩm của Quỳnh không chỉ phản ánh hiện thực nghiệt ngã, mà còn là nơi bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của riêng tác giả.

Covid-19 cũng là tác nhân khiến Quỳnh Iris de Prelle và các nhà văn, nhà thơ gốc Việt trên khắp thế giới dấy lên nỗi niềm hướng về quê mẹ.

“Những hàng tre xanh bao bọc quê nhà/ những triền đê ngập mặn/ những cánh đồng cói bạt ngàn/ chạy tung tăng đuổi bạn/ nhớ/ những buổi trưa đi học/ chạy qua nhà Thoa/ đến ngõ nhà Mừng/ đi qua những chiếc cầu dừa/ tìm đuổi những bông hoa dại/ nhớ.”

Trong bài thơ tựa đề “Tiếng Việt”, Quỳnh viết: “Tôi là diên vỹ xanh/ Mang nhiều hy vọng/ Anh là màu đất nâu/ trầm lắng/ hoa nở vì đất và nước và ánh sáng/ đất lặng im nuôi dưỡng màu hoa/ nước là sự sống/ bám chặt đất nâu và rễ thật sâu.”

“Không sống trên dải đất hình chữ S thân thương, hằng ngày, hằng giờ phải sử dụng ngôn ngữ khác để giao tiếp với những người không cùng sắc tộc, thế nhưng, Quỳnh Iris de Prelle vẫn mang trong tim những thao thức tiếng Việt.” – đó là nhận định của thạc sỹ Phạm Khánh Duy.

Có thể nói, trong nhận thức của Quỳnh, tiếng Việt cũng là thứ “căn cước” để chị tìm về gốc rễ của mình. Đó là lý do vì sao mà chị lại chọn “Tiếng Việt” làm nhan đề cho tập thơ mà chị đã dốc sức viết và sáng tạo.

Thơ của Quỳnh cũng giống như chính cái tên và con người chị – âm thầm, dịu dàng, lặng lẽ tỏa hương và “tỉnh” vào lúc không mấy ai còn thức. Ở vương quốc Bỉ xa xôi, Quỳnh chính xác là như thế.

“Tất cả chúng ta đều mang những vết thương/ vết thương nhiệt đới buồn/ vết thương ngôn ngữ/ vết thương từ những ký tự/ vết thương từ những lời nói/ vết thương từ những bình luận/ từ những cuộc tranh cãi không hồi kết/ từ những ấm ức đa mang/ hậm hực buồn chán…”

“Tình yêu là một mái ấm/ và không cần điều kiện nào/ đó là sự thật…”

Ngay cả khi không có Covid-19, thơ vẫn luôn hiện hữu và là một phần không thể thiếu trong đời sống. Thơ giúp chúng ta hiểu và trân trọng thế giới xung quanh. Sức mạnh của thơ ca nằm ở khả năng soi sáng thế giới để sự thật lẻn vào tâm hồn chúng ta. Không có băn khoăn về thơ, vì đơn giản, thơ dạy ta cách sống.

“Những cuốn sách của tôi/ trên những bậc thềm/ những ô cửa/ những giàn hoa/ những chiếc bàn/ những cuốn sách của tôi/ im lặng/ kiệm lời/ trong những hoang mang…”

Thơ của Quỳnh Iris de Prelle là thế – thủ thỉ, tỉ tê như đang trò chuyện với người đối diện, kết thành sợi dây đồng điệu, giúp người với người hiểu nhau, dẫn dắt chúng ta đi từ thù hận đến yêu thương, từ bạo lực đến lòng thương cảm.

Thơ là một con đường ngay lập tức để chúng ta trở thành người tốt hơn và trở thành sự thay đổi của thế giới. Và, bất chấp sự khác biệt, chúng ta không đơn độc trong đau buồn, niềm vui hay hạnh phúc. Đọc và viết thơ dĩ nhiên luôn khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Vai trò của những nhà thơ như Quỳnh Iris de Prelle là xây dựng lại và tạo nên một thế giới kết nối, quan tâm và nhân văn hơn.

Thơ cũng như thiền

“Bừng tỉnh giữa tuyết băng giá lạnh/ nở trong sương mù/ đóa hoa trắng mong manh/ vỡ ngực nhụy vàng/ mùa xuân đến/ mặt trời thức dậy sớm/ đi ngủ muộn màng lúc chiều hôm…”

Quỳnh Iris de Prelle cho ta thấy vẻ đẹp của những khoảnh khắc đời thường. Khi bạn tập trung vào một bài thơ, bạn học cách đọc cho thời điểm hiện tại. Khả năng hiện diện với chính bạn, và chỉ với những từ ngữ, hình ảnh trước mặt bạn, là cốt lõi của khả năng tập trung vào công việc sáng tạo của riêng bạn, thay vì bị lo lắng hoặc phân tâm. Bởi thế, thơ cũng như thiền. Chúng ta sử dụng thơ như một cách mạnh mẽ để bắt đầu buổi sáng hoặc để làm dịu bộ não giữa ngày.

Tập thơ “Tiếng Việt” của Quỳnh Iris de Prelle giống như một giọt nhỏ bé, trong trẻo, lấp lánh trong dòng văn học hải ngoại đương đại, góp phần làm nên vẻ đẹp lộng lẫy của rừng văn chương Việt Nam hôm nay.

Tiểu Mai

Nhà thơ 8x Quỳnh Iris de Prelle.

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nhà văn Hữu Ước

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của tác giả Hữu Ước xuất bản ở Hungary

Thơ tác giả MURAT YURDAKUL – Thổ Nhĩ Kỳ