in

“Làm giàu” bằng sự đa cảm

Nhà văn Trầm Hương

“Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” – tập thơ của Trầm Hương cho thấy năng lượng vô biên của một tâm hồn đam mê thơ ca.

Chị chia sẻ, tập thơ này như một món quà dành tặng chính mình sau một chặng dài văn nghiệp chỉ viết về người khác. Cuộc sống thường ngày có những lúc khó khăn vất vả đến nỗi chị không còn tâm trí làm thơ nữa. Nhưng hóa ra cảm hứng dành cho thơ không hề mất đi mà chỉ tạm thời chìm khuất giữa nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền.

Đến một lúc nào đó, thơ lại trở về với mình. Có lần Trầm Hương tâm sự: “Những năm qua, tôi viết văn xuôi nhiều nhưng đó cũng chỉ là một hình thức thể hiện khác của cảm xúc văn chương. Thơ vẫn hiện diện trong tâm hồn tôi, chỉ là tôi nghĩ thơ thì không nên viết nhiều”.

Tiếng nói kiêu hãnh bật lên từ nỗi đau

Với Trầm Hương, bất kể thời điểm nào của cuộc đời, “thơ vẫn là thứ nước cất thiêng liêng, là tinh chất, cô đặc, ẩn giấu trong tâm hồn. Khi thơ trào ra, góp mặt, cống hiến cho đời cũng là một định mệnh”.

Theo dõi hành trình của Trầm Hương trên con đường sự nghiệp, bất cứ ai cũng phải nể bút lực tuyệt vời của chị. Những tác phẩm tiêu biểu của chị phải kể đến tiểu thuyết Thị trấn không đèn, Mưa biển, Người đẹp Tây Đô (2 tập), Nắng quái, Đêm trắng của Đức Giáo Tông, Đêm Sài Gòn không ngủ, Trong cơn lốc xoáy. Ngoài ra, Trầm Hương cũng rất thành công với các tập truyện ngắn: Người đàn bà trong thu tím, Huyền thoại tình yêu, Nỗi sợ,…

Sở hữu những tác phẩm văn chương gây tiếng vang, thế nên khi Trầm Hương ra mắt tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” năm 2018, độc giả yêu mến chị ngay lập tức đón nhận với niềm thích thú, hân hoan. Mỗi bài trong tập thơ này được Trầm Hương viết vào những thời điểm khác nhau (từ năm 1985 đến năm 2018).

Thơ của chị thiên về cấu tứ đa dạng, tự do, ngôn từ phóng khoáng nhưng vô cùng tinh tế, giàu tự sự, dồi dào cảm xúc.

“…Ôi, em hạnh phúc biết chừng nào/ Em giàu có biết bao/ Giữa làn khói chiều cánh đồng hoang dã/ Gió gào từng cơn mái nhà sắp đổ/ Tím biếc bông hoa của đất/ Nồng nàn trong trái tim anh/ Rưng rưng bàn tay em nhận…”

Một câu thơ đẹp có thể khiến người ta rơi nước mắt. Nó đủ mạnh để làm mềm trái tim sắt đá nhất và chữa lành ký ức đau đớn nhất. Thơ phá vỡ các rào cản về thời gian và không gian, mang lại sự thoải mái cho người đau buồn và làm dịu tâm trí lo lắng. Thơ của Trầm Hương chính xác là như thế!

Mỗi người phụ nữ trong thơ Trầm Hương đều có số phận đặc biệt, họ yêu hết mình nhưng đều nhận về nỗi đau, sự bạc đãi, cô đơn và quên lãng. Nhưng dường như trong sự đớn đau ấy vẫn bật lên tiếng nói đầy kiêu hãnh:

“Em, người đàn bà làm thơ/ Ngỡ như đã sống nhiều cuộc đời/ Ngỡ như đã gặp quá nhiều bất hạnh/ Quá nhiều đau khổ, niềm vui/ Không gì có thể làm em buồn hơn/ Mà sao trước anh/ Em quá dại khờ, yếu mềm/ Để lộ trái tim đau trần trụi

Em, người đàn bà làm thơ/ Quyết liệt và kiêu hãnh/ Đã tát anh/ Như tát vào sự yếu đuối của chính mình…”

Vẻ đẹp mong manh của cảm xúc riêng tư

Với Trầm Hương, thơ là chìa khoá của tâm hồn. Nó thể hiện tất cả cảm xúc và bao hàm quá trình suy nghĩ độc đáo của chị thành lời nói cho bất kỳ ai nghe thấy.

Trong bài “Cây tâm hồn tôi”, Trầm Hương viết: “Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi một trái tim/ Bầu nhụy hoa tươi rói/ Dâng tặng anh những gì tốt đẹp nhất/ Tình yêu của tôi/ Mơ ước của tôi/ Tinh chất của tôi/ Chấp nhận đắng cay bất hạnh riêng mình/ Tôi chôn dưới gốc rễ/ Tôi làm thế/ Vì tin chắc một điều/ Cây tâm hồn tôi sẽ tồn tại trên thế gian này/ Bằng những nụ hoa/ Tinh khiết…”

Thạc sĩ Đặng Kim Thanh (giảng viên văn học đại học Sài Gòn) mỗi khi nghĩ đến Trầm Hương, đều tự hỏi, tại sao một người phụ nữ gặp nhiều khổ đau, nghịch cảnh như Trầm Hương lại có những vần thơ nồng nàn đến vậy? Câu trả lời là trái tim chị tràn ngập tình yêu thương.

Giống như cơ thể chúng ta cần thức ăn và năng lượng để phát triển trong thế giới này, thơ đóng vai trò là thức ăn cho tâm hồn giúp trẻ hóa nó, lấp đầy nó bằng năng lượng và sức sống. Thơ là niềm vui, thư giãn, động lực và năng lượng. Đam mê thơ theo cách đó, Trầm Hương đã tự gieo trồng và nuôi lớn cây tâm hồn của mình. Đó cũng là cách “làm giàu” rất riêng của chị. Những bài thơ thấm thía nỗi buồn, như cái đẹp mong manh của cảm xúc riêng tư và nỗi niềm nhân thế, là dòng suối chảy trong lành vượt qua cô đơn để sống đẹp và không ngừng cống hiến.

Thơ Trầm Hương mang lại sự bình yên vô tận. Việc tuôn ra cảm xúc trên những trang giấy giúp chị kết nối với tâm hồn, với con người thật của mình. Hơn thế, các tác phẩm của chị còn mang lại những rung cảm tốt cho những người đọc, giúp nâng cao tâm trạng của họ, mang lại sự phấn khích, đồng cảm hoặc giúp họ bình tĩnh lại, tiếp sức cho họ mở lòng đón nhận tất cả những cảm xúc mà họ trải qua trong cuộc sống.

Tiểu Mai

Tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ)

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

CHÙM THƠ SONG NGỮ TÁC GIẢ PHAN HOÀNG

Nữ sĩ Bàng Ái Thơ – Hồn thơ thức dậy băng bó nỗi đau đời