in

Khi Ta tìm thấy được Mình

Câu chuyện của nàng Thê
Câu chuyện của nàng Thê

Kiều Bích Hậu

Gặp nữ sĩ Võ Thị Xuân Hà trong một quán ăn hương vị Huế, tôi cảm nhận chị vui và đẹp đằm thắm nhuần nhị, vẻ sắc sảo đã ẩn sâu hoặc có thể đã tan đi mất. Dường mùa Thu cuộc đời đã ngấm thực sự, khiến chị an yên tìm thấy chính Mình. Tác phẩm chị xuất bản gần đây nhất – Tiểu thuyết: “Câu chuyện của Nàng Thê” (NXB Hội Nhà văn, quý IV 2022) chính là minh chứng cho việc Ta đã tìm thấy được Mình.

Nữ sĩ Võ Thị Xuân Hà

Trong làng văn và những độc giả từng đọc tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà, cũng như đông đảo những người trong “Hội những người hâm mộ Nàng Thê” thì đều biết rõ “Nàng Thê” chính là một nick name của nữ nhà văn gốc Huế này. Tôi cũng đã từng tò mò, tại sao chị lại dùng cái nick “Nàng Thê”, mà chưa dám hỏi chị, thì với tác phẩm mới “Câu chuyện của Nàng Thê” tôi được giải đáp toàn diện.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết, chị ấp ủ tác phẩm này đã mười năm. Mỗi lần viết chỉ được vài trang, thậm chí vài dòng, rồi gấp lại. Trong thời gian công tác tại Hội Nhà văn, chị kinh qua nhiều công việc khác nhau, từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Văn trẻ, Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn,… Công việc bận rộn, trách nhiệm cao, lại thêm nhiều việc thường ngày và các đề tài mới níu kéo, nên tác phẩm mà chị yêu thương, muốn dành nhiều tâm huyết nhất, với tấm lòng trong trẻo nhất, lại cứ bị để dành. Hơn hai năm nay, khi rời khỏi những công việc ở Hội Nhà văn, chị được tự do hơn, tâm thế thảnh thơi và chị lại được rót tràn tinh thần phơi phới sáng tạo. Chính lúc này, men đã ủ kỹ, và “Câu chuyện của Nàng Thê” bắt đầu lên sóng Youtube, từng kỳ một, do chính tác giả đọc, khiến nhiều người nghe mê say. Người nghe truyện đặt câu hỏi cho tác giả, đề nghị chị đọc tiếp các phần sau của câu chuyện Nàng Thê. Họ truyền động lực cho chị, khiến chị cầm bút viết một mạch, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết kỳ lạ này, cũng là cuốn sách thứ 30 của chị. Chị đã tiếp cận bạn nghe đọc truyện trực tiếp trên mạng, một cách hoàn toàn khác so với trước đây, tác giả tương tác với bạn đọc ngay lập tức. Và tôi tin rằng, những bạn đọc (nói cho đúng hơn là bạn nghe truyện) đầu tiên hẳn có tác động đến tác giả theo một cách nào đó.

Nội dung tiểu thuyết cuốn hút mạnh, không chỉ bởi hành trình của một cô gái đẹp, vừa biết rõ, lại vừa như không hề biết nguồn gốc của mình, mà còn bởi những ẩn dụ lẩn khuất trong từng câu nói, từng hình ảnh diễn tiến lặp lại ở mỗi tầng lại cao hơn tầng trước đó. Câu hỏi muôn thuở “Tôi là ai? Từ đâu đến? Và sẽ đến đâu?” lồng trong thân phận cô gái qua từng chương sách, qua từng cảnh huống, từng kiếp sống mà cô trải qua. Triết lý về luân hồi cũng thật ám ảnh khi cô gái chẳng thể biết được mỗi lần mình “mở mắt” cô sẽ rơi vào, hoặc được đặt vào nơi đâu, với ai, thuộc vị trí nào,…

Với giọng điệu liêu trai, mỗi từ ngữ như con thuyền chở nặng nghĩa và ý, Võ Thị Xuân Hà vừa thách đố người đọc mới, vừa mê hoặc những siêu độc giả, vừa như cố tình che mắt các nhà phê bình thích dùng lúp mắt soi chữ. Nhưng nếu ta đọc tác phẩm này với tâm thế của một cô bé ham đọc truyện cổ tích, thì tất cả những định kiến hoặc kinh nghiệm sẽ được buông rơi, để sự vui thú của việc đọc cất bổng ta lên trong đôi cánh mộng mơ, bay vào thế giới cổ tích, thỏa sức khám phá các tầng sống trong vũ trụ bao la, trải nghiệm sống không giới hạn, không bị trói buộc bởi thói thường.

Nhưng sự trói buộc đời thường lắm khi thực tinh vi và ngọt ngào. Có mấy ai trong tuổi hoa niên mà lại thoát ra khỏi vòng trói ngọt ngào của hôn nhân, địa vị, tiền tài, danh vọng, các mối quan hệ và sự công nhận của người đời? Tôi thực sự ấn tượng bởi chi tiết tấm lưới lấp lánh cuốn chặt thân thể kiều diễm của Nàng Thê, dùng kéo, dao, khéo léo thế nào cũng không thể cắt nó ra khỏi nàng được. Không chỉ Nàng Thê, qua nhiều kiếp sống, mà mỗi chúng ta đây, đều đang bị một tấm lưới vô hình thít chặt. Dường như ta càng vùng vẫy, thì tấm lưới dai dẳng kia càng thít chặt. Liệu ta có thể cứ thế mà sống, quên tấm lưới đi và vẫn được tự do, được yêu hay không? Điều ấy thật là kinh khủng! Và tấm lưới ẩn dụ làm nên sức nặng cho tác phẩm.

Đọc từng chương sách, theo Nàng Thê đi tìm “định mệnh” – Linh hồn phản chiếu (Twin Flame) của mình, tôi chợt tự hỏi “Tại sao mỗi chúng ta, cứ mãi đi tìm một ai đó, để ghép vào với mình cho có cảm giác trọn vẹn?” Sự tìm kiếm ấy có vô vọng không, khi thế giới có hơn 7 tỷ người, chưa kể “mảnh ghép” của ta có thể lại đang lưu lạc ở một tầng sống khác, ở kiếp khác? Liệu ta sẽ lại luân hồi khi chưa thể tìm ra “mảnh ghép” thực sự của mình? Lắm khi, ta yêu đắm say và mừng rỡ tìm thấy “mảnh ghép” của mình. Nhưng chỉ sau một thời gian, thì lại cay đắng nhận ra mình nhầm lẫn! “Mảnh ghép” ấy thấp thoáng ẩn hiện, như trêu ngươi, đánh lừa ta hết lần này đến lần khác, hết kiếp này qua kiếp khác, như một vòng lặp định mệnh, bởi khi ta sai lầm, thì vòng lặp lại tiếp tục…

Nhưng ta biết làm gì đây nếu dừng tìm kiếm? Ta liệu có thể trọn vẹn với chính mình hay không? Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chỉ ra “Tình yêu vô điều kiện chính là bài học lớn nhất và quan trọng nhất của mối quan hệ Twin Flame nói riêng và của toàn bộ loài người nói chung”. Vậy đó, nếu không học được bài học đó, không giải quyết thực sự xong bài học đó, thì ta sẽ mãi đau khổ, mãi tìm kiếm trong vô vọng “Linh hồn phản chiếu” của mình.

Trong miên man tìm kiếm duyên mệnh, hết kiếp này đến kiếp khác, với ai đó có thể là chịu khổ nạn, có thể là sự hoảng sợ vô vọng, nhưng lại cũng có thể là những trải nghiệm sâu sắc, khi Ta hiểu được chân lý, tìm được Mình trong Ta. Có như vậy, Nàng Thê, hay bất cứ độc giả nào, khi giữa trang sách mơ mộng, tự đặt câu hỏi mình là ai, tìm kiếm gì, cũng có thể an nhiên tận hưởng khoảnh khắc tư lự ấy. Bởi duyên mệnh đi tìm, là tất nhiên thôi, là cần chấp nhận.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật 2023

Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật 2023