in

Hành trình cảm xúc của “chuyến tàu lượn siêu tốc”

“108 đoản khúc thơ” của Nguyên Hùng do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
“108 đoản khúc thơ” của Nguyên Hùng do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Tiểu Mai

Là một nhà thơ giàu tính sáng tạo, trên hành trình thơ ca của mình, Nguyên Hùng xuất bản liên tiếp các tập thơ Cánh buồm thao thức (2007), Sóng không từ biển (2009), Bay về phía bão (2013), Dấu chân lục bát (2014), 102 mảnh ghép văn nhân (2017), và gần đây là “108 đoản khúc thơ”.

Trên 20 năm sống hết lòng với thơ, Nguyên Hùng đã cho ra đời 6 đứa con tinh thần đáng giá. Với anh, thơ là tiếng nói của cảm xúc. “108 đoản khúc thơ” của Nguyên Hùng là 108 sắc thái tình cảm – chủ thể sáng tạo – cũng là quá trình tích tụ những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên.

Nhà thơ Nguyên Hùng.

Đam mê hành trình sáng tạo thơ ca

Với Nguyên Hùng, thơ ca dường như vừa là duyên, vừa là nợ. Mà cái “nợ” này chính là anh chủ động vướng vào. Thế nên anh mới có những câu thơ được ví như “con tằm rút ruột nhả tơ”:

“Đôi khi lỡ một chuyến đò/ Cả đời vô vọng ngóng chờ qua sông/ Đôi khi lỡ chạm gai hồng/ Giật mình chợt nhớ mình trồng phong lan…” – (Đôi khi).

“Mưa đã tạnh mà trời chưa hửng nắng/ Áng mây chiều còn phủ xám âm u/ Đường tan tầm vẫn chìm trong hoang vắng/ Người đợi người trĩu nặng ưu tư” – (Sau mưa).

Có nhiều tác giả thừa nhận, với họ, viết thơ là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Và nếu họ có thể tặng tác phẩm cho ai đó, nghĩa là tác phẩm đã trở thành món quà vĩnh cửu. Những dòng thơ đặc tả thiên nhiên thường có tiếng nhạc riêng của chúng, dành cho tất cả những ai sẽ lắng nghe. Nguyên Hùng có lẽ cũng thế, trong “108 đoản khúc thơ”, độc giả tìm thấy không ít bài đẹp đến ngẩn ngơ:

“Bầu trời giận ai mà giấu sắc trong xanh/ Quên mặt đất ngậm ngùi nước mắt/ Thuyền neo đâu trốn ngày nắng tắt/ Bỏ sông buồn hoang vắng chiều thu” – (Chiều thu vắng).

Theo quan sát của giới chuyên môn, thơ Nguyên Hùng không theo niêm, luật, vận đối mà theo tứ, lập tứ trong tư duy lô gic, tư duy phản biện, tư duy đối chiếu và so sánh, đặc biệt là ảnh hưởng cấu tứ của thể thơ tự do. Khi đọc mỗi bài thơ ngắn của anh, độc giả không cần biết là viết mấy câu, mỗi câu mấy chữ, điều họ nắm bắt được là ý tứ, là tâm hồn và cảm xúc nhà thơ gửi gắm vào trong đó.

Cái hay của thơ ngắn tự do là khả năng khơi gợi trí tưởng tượng. Độc giả thường bị quyến rũ bởi những bài thơ ngắn khiến họ muốn biết thêm. Đôi khi, họ sẽ nhìn thấy chính mình trong những bài thơ về tình yêu và cảm hứng, đồng thời trải nghiệm “chuyến tàu lượn siêu tốc” đầy cảm xúc khi đọc về nỗi đau, thành công trong sự nghiệp, niềm vui, chiến thắng, hồi hộp, thử thách và thất bại. Đích đến của tác giả có lẽ là để người đọc tận hưởng sự đa dạng của các tác phẩm.

Quan niệm mở về cái đẹp

Bài thơ hay là bài thơ đọc đã hết mà ý tình chưa hết. Bởi thế, viết thơ ngắn thường khó hơn viết thơ dài:

“Bất chợt sao bất chợt trăng/ Bất chợt bão quét mưa giăng đầy trời/ Ta và em cũng vậy thôi/ Chợt hờn chợt giận để rồi mãi yêu”- (Bất chợt).

“Người là chiếc lá trên cành/ Gội mưa tắm nắng mà xanh cho đời/ Người như mây lững lờ trôi/ Bóng ru phận cỏ xua vơi bụi trần/ Người là phù thủy, nghệ nhân/ Cao tay giăng mắc những vần bùa mê…” – (Thi nhân).

Ẩn dụ thường được sử dụng trong tất cả các thể loại văn học. Với những bài thơ nhằm mục đích truyền đạt hình ảnh và cảm xúc phức tạp cho người đọc, phép ẩn dụ sẽ làm bật lên những so sánh thực sự sâu sắc, thỏa nguyện cả tác giả lẫn độc giả.

Thơ Nguyên Hùng mang đến một quan niệm mở về cái đẹp – một đặc điểm khơi gợi trong chúng ta cảm giác thích thú và ngưỡng mộ. Không bao giờ có một tiêu chuẩn bên ngoài về cái đẹp bởi vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách cảm nhận của mỗi người. Suy cho cùng, nhà thơ đang cố gắng truyền đạt cho người đọc rằng vẻ đẹp là thứ phải được trải nghiệm.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

NHÓM NỮ DỊCH GIẢ HÀ NỘI – HFT