in

Giáo sư Yannis Fikas và góc nhìn về hệ giá trị chung Việt Nam và Hy Lạp

Giáo sư Yannis Fikas và cựu Đại sứ Việt Nam - Nguyễn Mạnh Cường cùng phu nhân và con trai tại Hy Lạp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giáo sư Yannis Fikas và cựu Đại sứ Việt Nam - Nguyễn Mạnh Cường cùng phu nhân và con trai tại Hy Lạp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kiều Bích Hậu

Đối với những người đam mê lịch sử, thì bảo tàng Acropolis của Hy Lạp là ước mơ, là điểm tham quan nhất định phải đến ít nhất một lần trong đời. Đến bảo tàng, ta không chỉ để khám phá nền văn minh Hy Lạp cổ đại, mà có thể chiêm nghiệm triết lí sống cho chính mình trong cả cuộc đời.

Tôi đã may mắn được đến bảo tàng Acropolis, mà lại được một giáo sư ngành Triết học và Nhân chủng học của Hy Lạp – Yannis Fikas dẫn đi thăm quan và giảng giải về những hiện vật quan trọng nhất nơi đây.

Thật sự cảm kích khi được một vị giáo sư danh tiếng, đúng chuyên ngành liên quan đến sự phát triển của loài người, tự nguyện làm người hướng dẫn cho tôi trong chuyến thăm một trong những bảo tàng quan trọng nhất thế giới. Ông tự bỏ tiền túi mua vé vào cửa, giá 15 Euro và tình nguyện hướng dẫn miễn phí cho tôi.

Nữ nhà thơ Hy Lạp – chị Eva Lianou Petropoulou nói, giáo sư Yannis đã từng tới bảo tàng Acropolis hơn 50 lần, mà mỗi lần ông lại phát hiện ra những điều mới mẻ, gợi những ý tưởng, tư duy sâu sắc hơn. Quả thực, hôm ấy tôi dành gần trọn ngày để thăm bảo tàng này, nhưng vẫn bị “ngộp” trước muôn vàn chi tiết cần ngắm kỹ hơn, cần đọc và hỏi nhiều hơn.

Giáo sư Yannis Fikas có một mối liên hệ khá đặc biệt với Việt Nam, cho dù ông chưa từng đặt chân đến nước Việt. Hiện sống tại Thủ đô Athens của Hy Lạp, nhưng ông từng giảng dạy và làm việc tại 3 trường đại học (Đại học New York, Đại học Mỹ tại Hy Lạp và Đại học Athens).

Giáo sư Yannis Fikas và Đại sứ Việt Nam – Lê Hồng Trường tại Hy Lạp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong quá trình giảng dạy, ông chú ý đến những sinh viên Việt Nam, thậm chí thân thiết với họ và tiếp tục duy trì mối quan hệ như bạn hữu sau khi họ học xong rồi trở về Việt Nam. Trong danh sách bạn bè trên Facebook của giáo sư Yannis Fikas có khá nhiều người Việt, hầu hết là sinh viên của ông, hoặc các cán bộ ngành ngoại giao, từng công tác tại Athens, trong đó ông khá thân thiết với 3 vị Đại sứ của Việt Nam tại Athens (ông Vũ Bình, bà Trần Hà Phương, và ông Lê Hồng Trường).

Lí do khiến giáo sư Yannis Fikas quan tâm Việt Nam là bởi sở thích và nghề nghiệp của ông gắn chặt với lịch sử, văn minh loại người cổ đại. Việt Nam là nước có lịch sử dài bốn ngàn năm, nên sở hữu nền văn minh cổ khá quan trọng, cần tìm hiểu, nghiên cứu.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam và Hy Lạp có đặc điểm chung là bờ biển dài, có thể ví giá trị như nhà mặt tiền nên hay bị ngoại bang thèm khát, dòm ngó và tham lam muốn chiếm hữu, do đó tất yếu đều phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và dài đằng đẵng.

Theo giáo sư, trải qua lịch sử chiến tranh, nhân dân Việt Nam và Hy Lạp đều có chung một giá trị, đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, thường trực và hết sức mình. Tinh thần ấy có thể được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ và đem lại hiệu quả lâu dài cho dân tộc. Ông cũng tìm cách ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Hy Lạp thông qua công việc giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động xã hội của mình.

Yannis Fikas cũng thường xuyên liên lạc với các cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Hy Lạp. Ông cho biết, tất cả những vị này đều rất năng động, khao khát phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hy Lạp. Khi có bất cứ ý tưởng nào để thúc đẩy điều này là họ thực hiện ngay.

Bản thân ông cũng đã tham gia đóng góp ý kiến và mối quan hệ cho việc kết giao hệ thống giáo dục đại học hai nước. Đại sứ Việt Nam cũng thường mời ông tới tham dự các sự kiện của người Việt tại Athens, đặc biệt là Lễ Quốc khánh 2.9 hàng năm.

Vào năm 2020, giáo sư Yannis Fikas thành lập Học viện Farsala tại Athens, nghiên cứu và đào tạo hai ngành chính là Triết học và nền văn minh các quốc gia cổ đại. Hiện ông là Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Học viện Farsala. Ông mong muốn được đón các sinh viên và nhà nghiên cứu Việt Nam tới Farsala học tập, làm việc.

Sau khi giới thiệu những mục chính, quan trọng trưng bày trong bảo tàng Acropolis, giáo sư Yannis Fikas mời tôi và nữ nhà thơ, nhà văn Hy Lạp – chị Eva Lianou Petropoulou uống cà phê trong quán cà phê bảo tàng. Ông rất vui được tiếp xúc với một nhà văn Việt Nam, và ngỏ ý với tôi rằng, ông sẵn sàng đón tiếp các đoàn giáo sư, nhà khoa học, sinh viên, nhà thơ, nhà văn, nhà báo Việt Nam tới thăm bảo tàng Acropolis và đích thân ông sẽ làm hướng dẫn viên.

Giáo sư Yannis Fikas và tác giả Kiều Bích Hậu tại bảo tàng Acropolis. Ảnh: Eva L.P

Giải thích lí do cho việc làm hào hiệp đặc biệt này, giáo sư Yannis Fikas nói rằng, ông muốn chia sẻ với mọi người về triết lí sống của người Hy Lạp cổ đại nói riêng và các tộc người cổ đại khác như: Ai Cập, Mexico, Peru, Trung Quốc, Nhật Bản… Điều đó rất hữu ích cho phát triển nhân cách, nhất là với người trẻ. Ông coi bảo tàng Acropolis chính là một phòng thí nghiệm độc đáo bậc nhất để nghiên cứu về nhân học và sự hình thành tính cách con người. Đó không phải chỉ là nghiên cứu quá khứ, mà chính là để hiểu hiện tại và xây dựng tương lai.

Khi được hỏi ông nghĩ thế nào về thơ và ông có đọc thơ hay không, giáo sư Yannis Fikas chia sẻ, với ông, thơ là nhu cầu của tâm hồn, ông tin rằng thơ ca và nghệ thuật nói chung gồm”: Tranh, phim ảnh, âm nhạc… sẽ góp phần xây dựng tính cách con người.

Ông cũng vui vẻ nhận lời khi nữ sĩ Eva Lianou Petropounou mời ông vào ban cố vấn cho Acheron – một tạp chí văn học hợp tác giữa các nhà văn, nhà thơ Hy Lạp và Việt Nam, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10.2023.

Nguồn: Nhân dân và lao động

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Trung tướng – Nhà văn Hữu Ước.

Kiêu hãnh lật giở những trang đời quá khứ

Quang cảnh nhà hàng Phở Sure trong buổi ra mắt tủ sách.

Nuôi dưỡng tâm hồn, lan tỏa nét riêng văn hóa Việt