in

Được thăm 10 Mẹ Việt Nam anh hùng

Dược sĩ Võ Hồng Hương cùng đoàn công tác thăm Mẹ VNAH Lê Thị Xứ
Dược sĩ Võ Hồng Hương cùng đoàn công tác thăm Mẹ VNAH Lê Thị Xứ

Dược sĩ Võ Hồng Hương

Một ngày cuối tuần giữa tháng tư năm 2023, tôi nhận nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đại diện công ty cổ phần dược phẩm SaVi phối hợp cùng Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Củ Chi Tp.HCM và BV Thống Nhất thực hiện chương trình “Về đất Thép Anh hùng” nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 và Ngày Quốc tế Lao Động. Một trong những nhiệm vụ mà tôi được đảm nhiệm là đến thăm và gửi quà tri ân mười người Mẹ Việt Nam anh hùng.

Dưới cái nắng chói chang của những ngày đầu mùa hạ, xe chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa mới gieo xanh rì đang dập dờn trong gió, đây đó xa xa những chú trâu già thong thả ung dung gặm cỏ, tôi hít một hơi thở thật sâu để tận hưởng khung cảnh đẹp như tranh với những gam màu tươi sáng, rực rỡ của một cuộc sống vùng quê yên ả, thanh bình.

Theo hướng dẫn của một bạn trẻ đang công tác tại  Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi (TP.HCM) và các anh các chị làm tại Ủy ban xã sở tại, đoàn chúng tôi cũng đã đến được nhà các mẹ. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà Mẹ T. Sau khi thưa chuyện với Mẹ về nội dung của chuyến thăm, Mẹ T rưng rưng xúc động vì nhận được sự quan tâm, chia sẻ động viên của đoàn chúng tôi.

Khi đến thăm Mẹ S. thì Mẹ òa khóc vì tủi thân khi đất nước hòa bình thống nhất, nhà nhà sum họp còn các con của mẹ ra đi mãi mãi, ngày trở về chỉ là một nỗi đau xé lòng gói trong tờ giấy báo tử và một vài kỷ vật còn vương khói súng bom đạn chiến trường. Tôi – lần đầu tiên cảm thấy ngôn từ dường như bất lực trước nỗi đau quá lớn của mẹ. Cổ họng tôi thắt nghẹn, nước mắt tôi cũng tuôn tràn xót xa theo dòng cảm xúc của mẹ. Mẹ nắm chặt tay tôi, mãi mà chẳng buông, dường như mẹ muốn tìm kiếm hơi ấm tình thương hình bóng người con liệt sĩ anh hùng của mẹ qua sự sẻ chia của đoàn chúng tôi. Cũng có mẹ trí nhớ đã suy giảm, đã lẫn nhiều, mẹ lại chỉ sống với một người con dâu duy nhất trong khi chồng và con đã hy sinh. Trước khi tạm biệt mẹ, tôi nói cảm ơn chị – người con dâu của mẹ và chúc cho chị thật nhiều phước lành vì đã chăm sóc cho mẹ chồng đến cuối đời.

Dù vậy, vẫn còn một vài Mẹ tinh thần còn rất minh mẫn, lạc quan như Mẹ M. Trong ánh mắt xa xăm nhớ về miền ký ức hào hùng, Mẹ say sưa kể về những ngày mẹ làm giao liên, để cứu bao nhiêu đồng chí thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Trước làn tên mũi đạn, xác định đi kháng chiến chống giặc là không có ngày trở về, nhưng Mẹ vẫn rất lạc quan, yêu đời. Có lẽ chính vì vậy, mà Mẹ tuy đã 93 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát và đẹp lão.

Mười ngôi nhà mà chúng tôi đã đến thăm là mười hoàn cảnh, mười cuộc đời khác nhau của các Mẹ nhưng tựu chung đều như một thước phim quay, chầm chậm đưa chúng tôi trở về một miền ký ức oanh liệt hào hùng của dân tộc, nơi đó cũng còn có những gam xám xịt của chiến tranh, của đạn bom khói lửa ngút trời, của những dòng máu đỏ người hy sinh nằm xuống – chồng con các Mẹ Việt Nam anh hùng. Mất mát là thế, đau thương là vậy, nhưng trong mắt các Mẹ luôn luôn ánh lên niềm tự hào hãnh diện về sự hy sinh của chồng, của con cho đất nước trọn vẹn một niềm vui ngày thống nhất dù các Mẹ phải chịu đựng nỗi đau trống vắng khắc khoải đến suốt cuộc đời.

Rời khỏi nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi trở về với cuộc sống thường nhật, trong lòng vẫn day dứt khôn nguôi, ước ao được trở lại thăm các Mẹ nhiều lần như vậy nữa vì quỹ thời gian của các Mẹ còn lại không nhiều. Mẹ ơi, chúng  con sẽ thực hiện lời nhắn nhủ, gửi gắm mà Mẹ đã dành cho chúng con, thế hệ trẻ hôm nay: “Các con hãy sống thật hiên ngang, trong sáng, bản lĩnh vững vàng trên mọi mặt trận. Sẵn sàng chiến đấu và giữ gìn từng tấc đất mà cha anh đã để lại. Mong cho các con sống trong hòa bình mãi mãi”.

Chỉ là một chuyến công tác ngắn ngủi trong phạm vi một ngày, nhưng đã để lại trong lòng tôi xốn xang nhiều cảm xúc. Là một người vợ, người mẹ có con trai duy nhất, tôi thấu hiểu máu xương của người thân mình quý giá vô cùng. Là một người phụ nữ, tôi biết nỗi đau xé lòng mà các Mẹ Việt Nam anh hùng đã chịu đựng vò võ biết bao năm khi các con của Mẹ hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ. Càng khâm phục hơn khi các Mẹ vẫn miệt mài chiến đấu, lao động, công tác, nuốt nỗi đau vào lòng để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên đã giao phó.

Mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ còn là một danh xưng để tôn vinh nữa, mà trong tim tôi các Mẹ còn là biểu tượng của đất nước Việt Nam về sự hy sinh chịu đựng, về lòng dũng cảm can trường, về tinh thần bất khuất kiên trung sắt son vì dân vì nước.

“Khi con đi qua khắp nẻo đường, nghe đau thương chìm trong khói hương

Mong sao cho mưa gió vô thường, không lung lay làm rớt hạt sương.

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!

Mây khói tan rồi, còn lại mẹ tôi…

Xin cảm ơn Người, Người Mẹ của tôi”

Cho con xin mượn lời bài hát của cố nhạc sĩ Xuân Hồng để thay lời tri ân, lời cầu chúc các Mẹ sống lâu, và vui khỏe để chúng con được ngưỡng vọng, học tập, cố gắng đạt nhiều kết quả trong công tác để tiếp tục có dịp xin thăm hỏi và dâng lên các Mẹ những món quà, những tình cảm ấm áp.

Được thăm mười Mẹ Việt Nam anh hùng, đó là một kỷ niệm sâu sắc mà trước đây tôi chưa từng nghĩ rằng mình lại có cơ may đó trong đời. Chắc chắn rằng hình ảnh các Mẹ trong ngày hè đặc biệt này sẽ khắc dấu đậm nét, trở thành trải nghiệm sống quý giá của tôi.

Dược sĩ Võ Hồng Hương với Mẹ VNAH Kiều Thị Nông

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Tiến sĩ Kang Byeong-Cheol

Thơ của Tiến sĩ Kang Byeong-Cheol (nhà văn, nhà thơ, dịch giả)

Bìa sách Gió gọi ban mai của nhóm 6 tác giả Trần Tựu, Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Khánh Phương và Phạm Vân Anh

“Gió gọi ban mai”, cuộc diễu hành kỳ diệu của cảm xúc