Truyện ngắn của Vũ Mai Phong
Trận bão Yagi đổ bộ vào Bắc Bộ cuối tháng Tám, đây là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua. Gió giật cấp 17, mưa trắng trời suốt ba ngày ba đêm. Nước sông Hồng dâng cao, mấp mé mặt đê bối, vượt ngưỡng báo động cấp 2. Dù đài truyền hình đã phát tin từ trước đó cả tuần, nhưng dân làng Bãi vốn bao đời trồng hoa màu và trang trại ven sông vẫn không lường nổi sức nước năm nay lại hung dữ đến vậy. Tối mùng Bảy tháng Chín, nước tràn qua bờ bãi. Lúc ông Tân cầm đèn pin kiểm tra vườn tược thì toàn bộ địa lan đã ngập ủm trong nước. Ông ngao ngán nhìn nước ngập đến đầu gối, dập dờn vờn lên da thịt, lạnh thấu tim gan. Trại lợn, gà nháo nhác kêu, đàn vịt đẻ đã bơi theo dòng nước từ khi nào. Ông hét ầm cả lên:
– Bà Phượng, thằng Toàn đâu rồi. Chạy cây! Chạy lợn đi!
Bà Phượng – vợ ông, cùng thằng Toàn thì đang lo khênh bao thóc ẩm lên giường, Ngân đứa con út thì mải lội đi tìm con chó nhỏ bị nước cuốn mất từ chiều. Trong cơn hỗn loạn ấy, không ai biết bao nhiêu tài sản, mồ hôi nước mắt đã theo dòng nước đỏ quạch mà trôi đi.

Suốt đêm cả xã Phượng Đông hì hục, mưa chưa ngớt, nước vẫn chưa rút. Ông Tân ngồi thở dốc trên cái lán dựng tạm gần mép đê, nhìn mái trại lợn nhấp nhô dưới bãi. Ông chửi thề:
-Mẹ kiếp, bão với chả lụt mất hết rồi! – Quả thực, cả đời ông chưa bao giờ thấy nước lên nhanh thế!
Đến trưa, nước sông bắt đầu lên rất cao. Mực nước chỉ còn cách mặt đê chính chưa đầy một gang tay. Xã họp khẩn và quyết định sẽ cho phá đê bối và mở cống xả lũ để nước tràn qua cánh đồng làng bên, nơi thấp hơn và thoát nước nhanh hơn.
Dân xã Nhân Đức huỳnh huỵch chạy ra cống nối hai làng, người cầm cuốc, người cầm cọc tre, dàn thành hàng ngang trên mặt cống:
-Các ông phá cống này thì đồng làng tôi ngập hết à, chúng tôi không cho phá – một người đàn ông to tiếng.
-Mong bà con chia sẻ với làng chúng tôi, phá cống này thì nước sẽ rút nhanh hơn, cứu cánh đồng cây cảnh giá trị hàng trăm tỷ bên này – chủ tịch xã Phượng Đông cầm loa tay nói.
-Ngập hoa màu bên này thì ai bồi thường? Chúng tôi không đồng ý. – ông trung niên bên xã Nhân Đức gay gắt.
Lời qua tiếng lại như từng đợt như sóng đánh vào thân đê. Cậu thanh niên vớ được cục gạch ném thẳng vào phai cống. Công an xã gọi huyện.
Ông Tân đứng đó, vừa bức xúc vừa sốt ruột. Ông nhìn cảnh giằng co giữa hai làng, nghe những lời lẽ cay nghiệt. Bất chợt, một ý nghĩ lóe lên trong đầu ông, không phải là sự hằn học hay lợi ích cá nhân, mà là một điều gì đó lớn hơn. Ông Tân nhớ lại những năm tháng cùng dân làng đắp đê, cùng nhau chống chọi với thiên tai. Tình làng nghĩa xóm, giờ đây sao lại bị xé toạc bởi một con đê?
Ông tiến về phía cống, gạt đám đông đang cãi vã. Giọng ông trầm nhưng vang rõ giữa tiếng ồn ào:
– Này bà con! Nghe tôi nói đây! Cứ thế này thì nước sẽ nhấn chìm cả hai làng thôi! Chúng ta đều là người một nhà, đều là con dân của mảnh đất này. Cãi vã giành giật nhau cái cống này thì cuối cùng ai được lợi? Tất cả sẽ mất hết!
Một ông lão tóc bạc bên xã Nhân Đức khẽ nhíu mày:
-Vậy ý ông là sao hả, ông Tân?
Ông Tân nhìn thẳng vào mắt ông lão, giọng cương quyết hơn:
– Tôi xin tự nguyện mở một phần đê bối của làng tôi, ngay tại vườn nhà tôi đây! Nước sẽ tràn vào vườn cây cảnh của tôi trước, để giảm áp lực cho cống và cho cánh đồng bên Nhân Đức. Chúng ta cùng chịu, nhưng phải cùng nhau vượt qua. Nước rút rồi, chúng ta lại cùng nhau xây dựng lại!
Cả hai bên im lặng. Lời nói của ông Tân như gáo nước lạnh tạt vào cơn nóng giận của mọi người, rồi lại như ngọn lửa sưởi ấm những trái tim đang lạnh lẽo. Vườn cây cảnh của ông Tân, nơi ông đã đổ biết bao mồ hôi công sức, là tài sản giá trị nhất của gia đình ông. Nhưng ông lại sẵn lòng hy sinh để cứu lấy cả hai làng.
Chủ tịch xã Phượng Đông, nãy giờ vẫn cố gắng thuyết phục mà không được, giờ đây mắt ông sáng lên khi thấy không khí căng thẳng có phần dịu đi. Ông lập tức cầm loa tay, giọng đầy xúc động:
– Bà con ơi! Ông Tân đã nói rồi đó! Tinh thần hy sinh vì cộng đồng này, chúng ta không thể nào không noi theo! Nếu làng Nhân Đức chịu mở cống, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức trong việc khắc phục hậu quả, không chỉ riêng hoa màu mà cả những thiệt hại khác. Chúng ta cùng nhau, có khó khăn gì cũng chia sẻ!
Ông lão tóc bạc bên Nhân Đức thở dài, nhìn đám đông dân làng mình, rồi nhìn sang ông Tân. Ông Tân đang lặng lẽ gật đầu, ánh mắt kiên định. Ông lão nói khẽ:
– Được! Chúng tôi đồng ý! Nhưng Phượng Đông phải giữ lời hứa!
Tiếng reo hò vang lên giữa đêm mưa. Người dân hai làng, từ chỗ đối đầu, giờ đây lại cùng nhau xắn tay áo. Dưới ánh đèn pin lờ mờ, họ cùng nhau mở cống, rồi cùng nhau kiểm tra lại bờ đê của cả hai làng. Nước bắt đầu chảy xiết qua vườn nhà ông Tân, cuốn đi những chậu địa lan quý giá, nhưng trong lòng ông, một cảm giác nhẹ nhõm đến lạ.
Cả hai làng giằng co đến tối mịt. Nước trong đồng vẫn dềnh lên từng giờ, nhưng lần này, nó chảy có kiểm soát, có sự đồng lòng.
Ông Tân đứng đó, không còn bức xúc hay sốt ruột nữa. Ông cảm giác mình đã lên tiếng đúng lúc, mất mát của gia đình ông được đền bù xứng đáng bằng tình làng nghĩa xóm, bằng sự gắn kết, hy sinh vì nhau.
*
Nửa đêm, nước đã ngừng dâng. Tin báo từ đầu nguồn nói lượng mưa đã giảm, mực nước sông Hồng đã giảm dưới báo động 3. Trời hửng sáng, nước rút còn báo động 2. Người bên xã Nhân Đức đã không rút lán về. Thay vào đó, họ cùng với dân làng Phượng Đông, cùng nhau dọn dẹp bãi vỏ lạc luộc và đống vỏ lon bia, cùng nhau bàn bạc kế hoạch khắc phục hậu quả.
Ông Tân lội về qua mảnh ruộng của mình. Vườn cây và chuồng trại của ông đã được khoác lên lớp bùn dày, nước bắt đầu thấm rút dần xuống lớp đất bên dưới. Cánh đồng như một bãi chiến trường. Lá cây đã bị thối rữa không thể hồi xanh, xác gà, xác vài con lợn giống nằm mắc dưới gốc cây lộc vừng góc ruộng, ruồi bâu đặc. Dù đã dầm nước mấy ngày nhưng vợ chồng ông Tân vẫn cố cặm cụi dọn dẹp, nhổ cây chết, đào lại rãnh cho nước thoát nhanh. Ông bàn với vợ trồng rau và hoa ngắn ngày bán dịp Tết, sau Tết tính tiếp vậy.
*
Và không chỉ gia đình ông Tân, mà cả hai làng, sau đêm lịch sử ấy, đã cùng nhau bắt tay vào công cuộc tái thiết. Người Nhân Đức sang giúp Phượng Đông dọn dẹp vườn tược, người Phượng Đông sang giúp Nhân Đức khơi thông mương máng. Mối quan hệ giữa hai làng, từ chỗ căng thẳng, giờ đây trở nên gắn bó hơn.
Qua giêng hai, khi trời đã ấm hơn. Ông Tân bắt tay vào cải tạo lại hệ thống chuồng trại. Chuồng gà được nâng nền, mái lợp lại bằng tấm nhựa trong, thoáng và sạch. Cái chuồng lợn phía sau vườn cũng được đổ thêm xi măng, lót gạch tàu đỏ au, có cả rãnh thoát nước hẳn hoi. Ông chọn về được đàn lợn Mán 30 con giống khỏe, nhanh nhẹn. Bà Phượng nhận nhượng lại sạp hàng bán rau cá tươi ngoài cổng chợ huyện. Toàn đã chịu tu chí làm ăn, cũng biết thuê máy xới, mở rộng vạt đất bãi, rồi xuống giống mấy ngàn cây trạng nguyên. Nó nói với ông, loài hoa ấy đỏ rực bán cho mấy khu đô thị vào dịp Noel và Tết nguyên đán rất được giá. Nhìn cả nhà ai cũng có việc, tay lấm chân bùn mà mặt rạng lên, ông Tân đứng ở hiên nhà, rít một hơi thuốc lào. Mắt ông dõi ra phía sông. Gió bãi thổi về mang theo mùi đất ẩm và hương hoa bưởi góc vườn. Cuộc sống tưởng như đã dần ổn định. Vườn tược lên xanh, lợn gà đã vào đàn, cây hoa trạng nguyên bén đất, vươn lộc mỡ màng. Ông Tân bắt đầu nghĩ tới việc làm thêm cái mái che trước sân, dựng lại giàn bầu cũ.
Thế rồi, đùng cái, có thông báo xã sẽ sáp nhập với hai xã lân cận, chuyển sang mô hình hành chính mới. Tin được đọc trên loa, rồi phát cả trên điện thoại qua Zalo nhóm thôn. Người trong làng xôn xao. Người bảo: “Sát nhập rồi thì biết ai ở, ai đi?”, người khác thì thở dài: “Lại phải chạy giấy tờ từ đầu…”
Ông Tân cũng không khỏi hoang mang. Nhưng rồi, ngẫm đi ngẫm lại, ông Tân vẫn thấy: cái gì cũng phải thay đổi. Cái xã bé tí, lãn công thừa cả đống người. Đợt lũ vừa rồi, chính nhờ sự đồng lòng và hy sinh của người dân mà thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể, trách nhiệm không còn là vấn đề của riêng ai. Con đường liên xã trong quy hoạch mấy năm rồi chưa làm, nhưng giờ đây, ông tin rằng với sự đoàn kết, mọi việc sẽ thuận lợi hơn. “Thôi, chỉ mong sáp nhập rồi, hạ tầng tốt hơn, hành chính nhanh hơn là được…” – ông thở dài rồi ngước nhìn giàn mướp mới bén giàn, mấy tua cuốn bám chắc lấy sợi thép. Lòng ông cũng tự nhủ: cây muốn ra quả, cũng phải vượt qua lần trổ hoa đầu tiên.
*
Ngày nào bật tivi cũng thấy đưa tin triệt phá hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng. Từ nước mắm, thịt đông lạnh, đến thuốc men, mỹ phẩm… chỗ nào cũng thấy phát hiện vi phạm.
Ông Tân ngồi ở hiên nhà, vừa vê thuốc lào, vừa lắng nghe bản tin. Giọng phát thanh viên đều đều nhưng đanh thép: “…thu giữ gần hai tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại kho lạnh… cơ sở không có giấy phép hoạt động…”
Ông nhổ bã thuốc, chép miệng:
Phải làm mạnh tay như thế chứ. Dạo này thấy nhiều vụ ngộ độc, lắm bệnh lạ. Người ta ăn vào mà không biết mình đang chết từ từ.
Bà Phượng cũng gật đầu, tay không ngừng nhặt rau:
Hôm trước nhà con Nhài ngoài phố gọi về bảo, gần công ty nó có bà bán bún bị bắt vì dùng hóa chất tẩy bún trắng. Ngoài phố mấy người nhập viện cấp cứu. Ghê quá!
Ông Tân nhíu mày. Từ ngày nuôi lại đàn lợn, ông càng cẩn trọng hơn trong việc chọn cám, chọn thuốc tiêm. Lần nào lên huyện mua, ông cũng đòi hóa đơn, nhìn kỹ bao bì, có khi còn gọi điện hỏi trực tiếp bên thú y. Dân quê mình giờ cũng phải tỉnh. Không còn cái thời thấy rẻ là ham nữa đâu. Đắt tí mà thật còn hơn là ăn rẻ rồi bệnh nằm đấy. Ông ngẩng nhìn ra phía chuồng lợn – lũ lợn con đang lúc rúc trong khu chuồng sạch sẽ. Dù còn nhiều thứ phải lo, ông vẫn thấy yên tâm hơn. Ít ra, cháy nhà ra mặt chuột, nhiều kẻ đang được phơi ra ánh sáng, giờ là thời của hàng thật, giá thật.
*
Nghe đâu đang thí điểm chính sách thuế mới đối với hộ kinh doanh cá thể. Tôi nghe loáng thoáng trên loa xã mà chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao nên tôi tạm nghỉ hàng vài hôm ông nhé – Bà Phượng kể.
Thảo nào sáng nay tôi ra chợ vắng lắm. Thấy mấy hàng quần áo đóng cửa, rồi mấy hàng đồ chơi trẻ em, thuốc thú y cũng treo biển “tạm nghỉ”, “bán xả hàng nghỉ bán” hết cả.
Giờ muốn bán thì phải đăng ký hộ kinh doanh, kê khai hóa đơn… tôi học hết lớp 7, nhìn cái tờ khai mà phát ngốt. Cứ thuế khoán như trước có phải đơn giản không ông nhỉ?
Làm cái gì cũng phải từ từ hướng dẫn rồi mới áp dụng, người dân họ sợ bị sai, bị truy thu rồi còn vi phạm pháp luật ấy chứ. – Ông Tân thở dài:
Ông Tân chợt thấy hơi lo lo. Mấy ngàn cây trạng nguyên của cu Toàn đang rộ lộc, hai tháng nữa là lứa lợn trong chuồng đến kỳ xuất bán. Nhưng nếu chợ vắng thế này, thương lái có mua không? Rau, hoa màu biết bán cho ai? Ông lặng lẽ đứng dậy kéo ống nước tắm cho lũ lợn.
Cuối tháng Sáu, cái Ngân con gái út của ông chuẩn bị thi tốt nghiệp và vào đại học. Nó là đứa học giỏi nhất nhà, từng giành giải nhì tỉnh môn Văn. Cũng ước mơ làm nhà báo, viết về cuộc sống làng quê như chính nơi nó đang sống. Vậy mà buổi đi nộp hồ sơ thi, nó rầu rĩ chạy về:
Bố mẹ ơi, số căn cước của con bị sai mất một chữ. Giờ họ bắt con phải xin giấy xác nhận của xã mới cho nộp hồ sơ.
Ông Tân chau mày:
Thì mày lên xã xin đi.
Con lên rồi, mà xã cũ thì dẹp rồi. Bàn ghế niêm phong hết. Họ bảo phải lên trụ sở xã mới mà xã mới thì chưa hoạt động, cán bộ còn đang tập huấn ở tỉnh!
Hôm sau, ông Tân đạp xe ra xã hỏi, gặp ai cũng chỉ tay qua chỗ khác. Cô văn thư xã nói:
Hôm nay thu dấu cũ rồi chú ơi. Chú về chờ thêm mấy ngày có dấu xã mới.
– Chờ thì con tôi lỡ mất kỳ thi thì sao? – ông Tân gắt.
– Thì cứ đăng ký bằng căn cước cũ, sau này xin đính chính lại cũng được.
*
Năm nay bão sớm, mới tháng 6 mà đã có cơn bão số 1 rồi. Rất may bão đổi hướng sang ngả đảo Hải Nam nhưng trời mưa rất to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Tin lũ quét ở Lai Châu, Sơn La, sạt lở đất ở Bắc Hà, lại lũ ống về một số bản vùng cao làm ông Tân nhộn nhạo không yên. Bà Phượng nhắc:
– Mình vùng đồng bằng, có sao đâu mà cứ thở dài thế?
Ông khẽ lắc đầu:
– Nước đầu nguồn dồn về, sông Hồng lại dâng. Mình ở bãi, thấp nhất vùng. Nhỡ lại như năm ngoái thì bỏ mẹ.
Ông lo lắng ra sát bờ sông. Nước sông cuồn cuộn, gió thổi mạnh, mang theo mùi phù sa ngai ngái lẫn bùn non. Ông đứng lặng hồi lâu, trong đầu lại văng vẳng hình ảnh đàn lợn bị chết đuối năm trước, rồi cả vườn lan bị úng… Tay ông run run, siết chặt cán đèn pin. Tiếng ông trưởng thôn vang trên loa phóng thanh: “…Tình hình mưa lớn ở đầu nguồn có thể khiến nước sông Hồng có thể lên báo động một… Đề nghị các hộ dân ngoài bãi sông theo dõi sát…”
Ông Tân nhìn xuống ngấn nước bụi lau ven bờ rồi lẩm bẩm: “Nước rút rồi…”
– Bố ơi con đã tái được mấy giấy xác nhận tạm thời từ cổng thông tin điện tử, em Ngân có thể in và nộp cho trường thi rồi nhé – giọng cu Toàn.
– Hai bố con vào ăn cơm, hôm nay có món sườn chua ngọt và canh cua mồng tơi ông thích đấy – bà Phượng gọi.
– Tối rửa chân tay rồi vào ngay. Toàn đi mua cho bố hai chai bia lạnh nhé.
Phía trước hiên, một chồi rau cải mới gieo vừa bật lên, nhỏ như móng tay xanh mơn mởn giữa vạt đất còn dấu loang bùn cũ. Ông uống một hơi bia, vị đắng nhẹ trôi xuống cổ, cảm giác nặng trĩu trong ngực ban nãy đã tan biến theo bọt men. “Ngân tập trung thi cho tốt con nhé. Tối nay cu Toàn chở bố đi thử con đường liên tỉnh mới khánh thành nhé” – Ông Tân đặt chai bia xuống, gió bãi sông Hồng thổi về mát rượi.
25.6.2025