in

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Vẫn còn bao tươi nhớ ở bên ta

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương đã và đang dâng hiến, qua thơ để hướng đến cái đẹp của tình người.

Đoàn Mạnh Phương là nhà thơ, nhà báo nổi tiếng. Gặp Đoàn Mạnh Phương, ông trao trút, gửi gắm nhiều ý tưởng, bên trong “người thơ” Đoàn Mạnh Phương là một con người hành động. “Nhưng em, mãi mãi là nhà thơ, chung thủy, tận hiến cho thơ…”, Phương tâm sự chân tình.

Đoàn Mạnh Phương đến với thơ khá sớm. Cha là một chiến sỹ vệ quốc đoàn năm xưa, mẹ ông là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Tôi cứ tìm cách lý giải: Năng khiếu thơ Đoàn Mạnh Phương, do ông sinh ra ở mảnh đất “đồ Nam” văn hiến hay được thừa hưởng từ mẹ ông?

Cho đến nay, Đoàn Mạnh Phương xuất bản 4 tập thơ. Đó là “Mắt đêm” (năm 1996); “Câu thơ mặt người” (năm 1999); “Ngày rất dài” (năm 2007); và “Mưa Ký ức” (năm 2021). In ít, nhưng thơ Đoàn Mạnh Phương không phải “dạng vừa”.

Đoàn Mạnh Phương có nhiều bài thơ tiêu biểu được lựa chọn in trong các tuyển tập thơ Việt Nam như “Thi ca Việt Nam thế kỉ XX”; “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” (năm 2000); “Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX” (năm 2005); “Thơ tình Việt Nam và Thế giới” (năm 2005); “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân” (năm 2009).

Thơ Đoàn Mạnh Phương cũng đã được giới thiệu trong các chương trình “Tác giả và tác phẩm”, “Đến với bài thơ hay” của VTV1, VTV3, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Hà Nội.

Nhiều bài thơ của Đoàn Mạnh Phương “bước chân” vào âm nhạc, đặt dấu ấn. Một trong những sáng tác là bài thơ “Cổng làng”, sáng tác năm 1996, được lựa chọn in trong “Tuyển tập 100 Bài thơ hay thế kỉ XX” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. “Cổng làng” của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, thành ca khúc cùng tên.

Đoàn Mạnh Phương còn có thơ dịch in trên các báo tạp chí của Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Rumania, Ba Lan, Bangladesh.

Cho đến nay, Đoàn Mạnh Phương đã nhận được nhiều giải thưởng thơ uy tín sau một hành trình hơn 30 năm tận hiến cho văn học: Giải thưởng văn học nghệ thuật, năm 2007 của Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (cho tập thơ “Ngày rất dài”); Giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2009; Giải nhì Giải thưởng cuộc thi Thơ của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010; Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Hương, năm 1996.

“Mùa ký ức”, NXB Hội Nhà văn (năm 2021) là tập thơ mới nhất gồm 56 bài thơ, ứng với tuổi ông. Đoàn Mạnh Phương “trình làng” một “bản đồ tâm hồn” ràng rịt ký ức, về muôn thuở, đa đề tài.

Đoàn Mạnh Phương không chỉ viết về gia đình, trong “Em”, “Dặn con”… mà còn hướng về những đề tài lớn, trong “Tổ quốc” và luôn bị ám ảnh bởi “hậu chiến”, trong “Những người lính thời bình” và “Người không có trong tấm ảnh”.

Người làm thơ, hơn ai hết “giàu cô đơn”, những lúc “Sống chậm trong thành phố của mình”, Đoàn Mạnh Phương luôn biết “Tạ lỗi”, “Trong yên lặng”, biết đặt “Dấu hỏi”, “Đối diện”; biết “Giới hạn” của cõi người trong “Cảm thức” thơ. Đó là những rung động thấu đời và biết nhẽ.

Mỗi nhà thơ đều có một người mẹ, với tư cách là đấng sinh thành và một “người mẹ Tổ quốc”, với tư cách là quê hương. Không ai lựa chọn được cho mình. Đây là hai đề tài “máu thịt”, bất kể nhà thơ nào cũng đều ít nhiều có sáng tác. Tùy theo cung bậc cảm xúc, nữa cảnh sinh ra cảm xúc. Tuy nhiên, khi viết về đất nước, bao giờ các nhà thơ cũng có giọng thơ cuộn chảy, hào sảng, tự hào…; tất nhiên, không thiếu những nốt trầm sâu thẳm, những quặn thắt, những trầm tư, nghĩ ngợi, những thao thiết của bản thân mỗi tác giả.

Với Đoàn Mạnh Phương, Tổ quốc /thấm vào tôi/ bằng bản lĩnh núi cao/ bằng bao dung biển rộng / bằng hai tiếng Việt Nam trong sâu thẳm tâm hồn, và Yêu Tổ quốc / tột cùng lòng tự trọng, (Tổ quốc).

Tổ quốc đã là cội nguồn thiêng liêng, là sức mạnh lớn lao, là lý tưởng cao đẹp…  Cảm ơn nhà thơ đã nói hộ niềm cảm xúc vô hạn đó khi ông chân thành tự bạch lòng mình, để ngẫm: “Tổ quốc ở trong tim / một đức tin bình dị / Tổ quốc hình cánh chim / bay trên mặt trống đồng / Tổ tiên phù trì cho con cháu mỗi ngày / Và mỗi ngày từng sát na chảy trong bầu máu nóng”, (Tổ quốc).

Làng quê Việt Nam, từng được những tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam như Huy Cận, Tế Hanh, Giang Nam, Nguyễn Bính…. từng nổi tiếng với nhiều thi phẩm về làng. Song cho đến hiện nay, thời 4.0 đề tài làng quê vẫn tiếp tục là cảm hứng sáng tạo của  các nhà văn, nhà thơ đương đại.

Hình ảnh làng quê với vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi và thân thương, thấm sâu vào tâm thức Việt Nam từ bao đời nay. Hình ảnh cây đa giếng nước, mái đình, dòng sông, con đò và người mẹ tần tảo sớm hôm không thể nào thiếu vắng trong các tác phẩm văn học, dẫu người viết mới ở độ tuổi trẻ trung nhất.

Đoàn Mạnh Phương cũng là nhà thơ sinh ra, ra đi từ làng. Làm việc và viết ở Hà Nội, ông hay về làng, xem đó là hạnh phúc. Ở mảng đề tài làng quê “Về quê”, đặc biệt là “Chuyện của làng” trong miên cảm Đoàn Mạnh Phương có nhiều đặc sắc. Ông đổi mới thơ, kết hợp thơ và thơ văn xuôi trong một văn bản, khá độc đáo.

“Những mảnh vỡ thời gian thở nóng ở sau lưng, kể tôi nghe những huyền tích của làng, những nỗi niềm không tên, những câu chuyện nửa khóc nửa cười… Hồn quả cau và lá trầu nhân thế, sống lưu vong trong trí nhớ con người”, (Chuyện của làng).

Chân đặt bước trên làng quê

nắng sớm…

Hạt thóc trong bồ mất ngủ cả đêm qua

Cây đa già dưới trời xanh

vẫn vươn cành mải miết

(Về quê)

Phía trước anh – một hành trình không kết thúc

Bởi con đường

không đơn thuần là dấu cộng những bàn chân

(Những người lính thời bình)

Hình ảnh “bước chân”, “bàn chân” trong không gian nghệ thuật của Đoàn Mạnh Phương là ẩn dụ của suy tư và chiêm nghiệm. Ở tuổi ngoài 50, ông luôn sống cùng trải nghiệm, cảm xúc thơ dâng đầy chiêm nghiệm từ bản thể nhưng có giá trị triết mỹ về nghệ thuật. Quan trọng hơn, từ đó gợi lên vẻ đẹp về niềm tin mà thi ca mang đến cho con người. “Để thêm yêu, đời vẫn còn đáng sống / Vẫn còn đức tin, vẫn còn hy vọng, vẫn còn bao tươi nhớ ở bên ta”, (Không có gì là không thể xảy ra).

Đoàn Mạnh Phương đã và đang dâng hiến, qua thơ để hướng đến cái đẹp của tình người. Bởi với Đoàn Mạnh Phương: Thơ chính là sự hướng tới một cảnh giới của sự “đủ”: Vừa đủ ấm trong tim mình tiếng hót/ Vừa đủ thơm đơm một cánh hoa mềm/ Vừa đủ nhớ một góc chiều đáng nhớ/ Vừa đủ tìm một ký ức thiêng liêng.

Dù cuộc sống có thế nào thì với Đoàn Mạnh Phương vẫn nguyên vẹn niềm tin như ông đã từng viết: Vẫn còn bao tươi nhớ ở bên ta…

Nhà thơ Ngô Đức Hành

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Ảnh: Bà Kiều Bích Hậu - Đại diện thương hiệu SaVipharm nhận Cup và bằng chứng nhận Top 10 thương hiệu mạnh ASEAN 2023

SaVipharm vinh dự lọt TOP 10 thương hiệu mạnh ASEAN 2023

Nhà thơ Phùng Hiệu – tác giả tập thơ “Biên bản thặng dư”.

Trái tim dũng cảm lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa