in

Lần theo bước gian truân của đời muôn người

(Nhân một ngày tháng tư đọc “Theo dấu loa kèn” của tác giả Kiều Bích Hậu, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2011)

“Những hàng phượng, sấu cổ thụ hai bên xòe những bàn tay xanh dịu dàng vẫy nhẹ”, giọng văn đẹp quá, nhưng sao chứa đựng nhiều niềm đau đến vậy. Trong 14 truyện ngắn của tập “Theo dấu loa kèn” của Kiều Bích Hậu là 14 cảnh đời, với số phận những nhân vật trong đó đan xen, quấn quyện vào nhau, rất chặt chẽ. Nghe đâu như những chuyện ta thường hay nghe ai đó tỉ tê kể lại bên tách trà, ly nước. Vì chúng thật quá, thật đến rùng rợn.

Tập truyện ngắn “Theo dấu loa kèn” là một trong số các tác phẩm xuất bản đầu tiên của Kiều Bích Hậu; chị là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, là đại diện văn học cho Việt Nam trên nhiều diễn đàn thơ ca trên thế giới, hiện đang công tác tại Hội nhà văn Việt Nam. Kiều Bích Hậu nổi tiếng với nhiều tác phẩm trong nước và song ngữ, viết về nhiều đề tài đa dạng. Thế nhưng, khi đọc “Theo dấu loa kèn”, tôi mới thấm được câu nói của nhà văn Bùi Việt Thắng rằng: văn hóa Việt Nam khởi nguồn từ nông thôn, từ tình làng nghĩa xóm. Nông thôn trong “Theo dấu loa kèn” sinh động, giàu sức sống và xao xuyến tâm hồn: “Qua ba đêm mưa rào liền tù tì, bèo cái đã nở phủ kín mặt ao, xanh non mỡ màng, cánh bèo nào cũng muốn xòe ra hết cỡ. Lũ chim cuốc tha hồ nhún nhảy trên mặt ao bèo, lủi từ góc nọ sang góc kia, mắt láo liên vụng trộm” (Mùi Ổi). Nông thôn cũng giàu, giàu cây trái sinh ra từ đất, giàu tình người: “U nó đun sẵn một nồi nước lá lốt hái ở bờ rào cho nó ngâm chân. Mùi lá lốt xông lên ấm phổi, nước lá lốt nóng vỗ về bàn chân… nó lên giường ngủ ngon lành, không bị những cơn nhức nhối hành hạ bàn chân” (Lạc loài). 

Tập truyện ngắn “Theo dấu loa kèn” của tác giả Kiều Bích Hậu

Trong trẻo là thế, nhưng cái nghèo đói như một bóng ma khi thì lẩn khuất, rình rập người dân, khi thì ám ảnh họ đến không dứt ra được. Có truyện nhắc đến bối cảnh xây dựng nông thôn mới, một bước tiến lớn của đất nước nhưng cũng đẩy nhiều người vào cảnh xót xa, cùng cực… Có truyện nói đến bối cảnh gần đây hơn, khi người ta chấp nhận tha hương để đổi đời, rồi làm lụng vất vả xong muốn về quê, rồi chuyện tại thành phố, tại nước ngoài… Chuyện về người nghèo, không lạ. Nhưng cái hay của Kiều Bích Hậu là chị đã viết về họ từ tấm lòng đồng cảm, thương xót và nâng niu, “Nhà ba mẫu ruộng, đàn vịt trên trăm con, lại thêm lợn nái, bác lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, quần ống thấp ống cao, tay năm tay mười thu vén, chẳng quan tâm đến giai đoạn ở cữ nữa. Có lúc đang lùa vịt, nước ối túa ra, thế là vứt cả đàn vịt lội tung tóe, bác quýnh quáng chạy lên đến bờ đê, kêu toáng lên và thằng bé lọt lòng giữa vùng nước trắng mênh mông, trên tấm áo vá đẫm mồ hôi của người đàn ông cày ruộng gần đó cởi vội ra lót cho bác Sung gái.” (Cuộc truy tìm chiếc chìa khóa), “Dòng nước mắt dằn vặt nhớ nhung chảy xuôi về bên kia trái đất, nơi họ đành lòng dứt áo ra đi, nơi họ có cuộc sống không ra con người. (Lạc loài). Chị như đứng ngay bên cạnh họ, lẳng lặng đi theo dấu chân họ, thấu hiểu phần nội tâm người ta bỏ lại phía sau, bao nỗi niềm một mực che giấu. Thế nên, người đọc dễ nghe chị kể, dễ cảm thông với nhân vật, chịu đi cùng chị vào cảnh sống thương tâm của họ để rồi xót xa, ngậm ngùi, suy ngẫm. 

Đặc biệt hơn, nhiều truyện ngắn trong “Theo dấu loa kèn” viết về tình cảm lứa đôi và số phận người đàn ông, người phụ nữ trong hôn nhân. Nói là số phận, vì Kiều Bích Hậu ít khi chỉ miêu tả một lát cắt, mà thường xây dựng nhân vật từ khi nhỏ tuổi đến lúc trưởng thành, già lão. Qua đó, có thể thấy được cái nhìn sâu lắng của tác giả về một con người: không chỉ thoáng qua, mà nhìn sâu vào quá khứ của họ, rồi quan sát hành trình họ lớn lên và thay đổi, đôi khi đến tận điểm đích cuối cùng. Trong hành trình ấy, tình yêu và hôn nhân luôn là phần trắc trở. Ai là phụ nữ, khi đọc “Theo dấu loa kèn” sẽ không thể không thấm thía, rồi tự ngẫm lại về cuộc đời mình: phận nữ nhi bị xã hội coi là phái yếu, thân gái dặm trường, hồng nhan bạc phận, sự cay nghiệt của người đàn bà khi ghen, nỗi đau khi bị phụ tình, xúc cảm yêu đương say đắm… “Ni ngồi lặng, ngắm những đóa loa kèn ngời lên tinh khiết trong không gian đẫm hơi nước của buổi sáng tháng tư xứ Bắc. Loa kèn không quên nở, dù lòng người đổi thay rồi” (Theo dấu loa kèn).

Tác giả Kiều Bích Hậu. Ảnh: Romaniavippress

Tài tình nhất là, viết xong về người sống, Kiều Bích Hậu lại viết về người ở cõi bên kia, về ma quỷ, ảo ảnh… Đọc truyện mà tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cứ băn khoăn tự hỏi sức sáng tạo này bao giờ mới dừng lại… Kỳ lạ là mỗi không gian được tác giả kể lại với đầy đủ màu sắc, thanh âm và mùi vị; các chi tiết tỉ mỉ ấy lấp đầy kín mỗi truyện. Chẳng hiểu là tác giả đã tưởng tượng ra hay đó chính là ký ức của chị? “Thành phố không một bóng cây, chỉ có bóng ma vô hình đi lại và khói nhang lảng vảng lẫn mùi ván thôi lờm lợm lưu cữu…” (Trộm ma), “Dần ngồi tựa lưng vào thành cầu Gon. Gió sông vi vút luồn qua thành cầu, thổi phồng tấm áo vải mộc mới của Dần. Đêm nay mùng chín lịch âm, gió thơm mùi trăng non…” (Cầu Gon). 

Tôi muốn kể nhiều trích đoạn nữa, vì cái hay của văn Kiều Bích Hậu nằm ở tình tiết, càng đọc càng cảm thấy cuốn hút. Càng đọc, càng cảm nhận được tâm huyết và sự cẩn trọng của người viết trong từng câu chữ, từng chi tiết, từng sự kiện xảy ra với nhân vật. Một số câu chuyện diễn ra trong bối cảnh cách đây đã lâu, nhiều câu chuyện khác có lẽ đang xảy ra đều đặn hàng ngày ở thời điểm hiện tại. Âm vọng từ cuộc đời các nhân vật trong truyện vẫn luẩn quẩn trong tôi. Vì tôi hiểu rằng, truyện là hư cấu, nhưng gần lắm với hiện thực. “Theo dấu loa kèn”, với tôi, chính là chuyện đời. 

What do you think?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Tập thơ “Tôi & Đêm, Và…” của nữ sĩ Anh Hồng ra mắt tại Bắc Mỹ

Thơ Jang Jeong Sun (Hàn Quốc)