Tri thức thời đại mới: Không thụ động chờ đợi, mà chủ động kiến tạo tương lai
Trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế – xã hội hiện đại, làn sóng tinh giản biên chế đang ngày một lan rộng, không chỉ ở khu vực nhà nước mà cả trong doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế và đơn vị phi lợi nhuận. Đối với nhiều người, đây là một nỗi lo thực sự. Nhưng cũng chính trong dòng xoáy đó, những lao động trình độ cao, những người tự tin vào năng lực bản thân lại nhìn thấy một cánh cửa khác – cánh cửa của cơ hội, phát triển và khẳng định giá trị.
Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “tinh giản biên chế” trở thành đề tài nóng trên mặt báo, diễn đàn công vụ và các hội thảo nhân sự. Trong một thế giới vận động không ngừng, hiệu quả và tối ưu nguồn lực trở thành tiêu chí sống còn cho bất kỳ tổ chức nào. Nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách này từ hàng chục năm trước, như một phần tất yếu của cải cách hành chính, giảm chi tiêu công, nâng cao năng suất và hiệu quả quản trị khi “tái cấu trúc” trở thành xu hướng toàn cầu.
Tại Việt Nam, lộ trình tinh giản biên chế đã được đẩy mạnh theo các Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến năm 2025, hàng chục nghìn biên chế sẽ tiếp tục được cắt giảm, tập trung vào những vị trí không còn phù hợp, chồng chéo chức năng hoặc không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Điều đáng lưu ý, đây không còn là câu chuyện của riêng khu vực công. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cả trong và ngoài nước, cũng đang bước vào quá trình cơ cấu lại bộ máy, tái định vị chiến lược nhân sự nhằm thích ứng với thị trường và công nghệ.
Không thể phủ nhận rằng, đối với nhiều người lao động, thông tin về tinh giản biên chế như một cú sốc. Mất việc làm đồng nghĩa với mất thu nhập ổn định, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và gia đình. Đặc biệt với những lao động lâu năm, đã quen với môi trường làm việc cũ, việc bị loại khỏi guồng máy công vụ hoặc doanh nghiệp giống như bị rơi vào khoảng trống không xác định, gây hoang mang, đây cũng là nỗi lo chính đáng của nhiều người.
Tâm lý bất an, hụt hẫng, thậm chí là tổn thương lòng tự trọng là điều khó tránh khỏi. Với những người có tuổi đời trung niên, áp lực càng lớn: họ phải cạnh tranh với lớp trẻ nhanh nhạy, thành thạo công nghệ, và luôn sẵn sàng thích nghi.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn làn sóng tinh giản dưới góc độ tiêu cực, thì vô hình chung, chúng ta tự đẩy mình vào thế bị động – một trạng thái nguy hiểm trong thời đại biến động.
Ngược lại với xu hướng chung, một bộ phận không nhỏ lao động trình độ cao – những người có chuyên môn vững vàng, kỹ năng toàn diện và tư duy cầu tiến, lại coi tinh giản là cơ hội để tái thiết bản thân. Họ không chờ bị chọn, mà chủ động lựa chọn, tìm kiếm môi trường làm việc phù hợp hơn, nơi tài năng được ghi nhận và phát triển đúng hướng.
Không còn bó hẹp trong những vị trí “an toàn”, những con người này dũng cảm bước ra khỏi vùng quen thuộc, không ngại thử thách để tìm đến những cơ hội thực sự xứng đáng với năng lực và khát vọng của mình.
Một chuyên viên quản lý cấp trung từng làm việc trong cơ quan nhà nước chia sẻ:
“Tôi từng rất lo khi nhận quyết định nghỉ việc sớm. Nhưng nhờ có nền tảng chuyên môn vững, ngoại ngữ tốt, và kinh nghiệm thực chiến, tôi đã nhanh chóng tìm được công việc trong một tổ chức quốc tế, thu nhập gấp ba lần cũ, môi trường năng động hơn rất nhiều.” Câu chuyện của anh không phải là hiếm. Những lao động giỏi, chủ động học hỏi, thích nghi với xu hướng chuyển đổi số, quản trị hiện đại và mô hình làm việc linh hoạt… luôn có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường lao động chất lượng cao.
Thị trường lao động ngày nay ngày càng đề cao giá trị thực – nơi bằng cấp không còn là tấm “kim bài miễn tử”, mà chính năng lực thực tiễn, tài năng sẽ được trọng dụng; kỹ năng mềm và khả năng sáng tạo mới là yếu tố then chốt. Trong một thế giới “phẳng” và số hóa, ai có khả năng tự học, tự thích nghi và tạo ra giá trị thì người đó chiến thắng.
Làn sóng tinh giản, dù khắc nghiệt, nhưng cũng là bài kiểm tra đúng lúc để sàng lọc, đồng thời phát hiện những “viên ngọc thô” đang bị chôn vùi trong cơ chế cũ kỹ, trì trệ. Một người giỏi, nếu bị loại khỏi guồng máy cồng kềnh, lại có cơ hội bay cao hơn trong một môi trường năng động hơn.
Không ít doanh nghiệp đang “khát” nhân lực chất lượng cao, nhưng không tìm được ứng viên phù hợp. Đây là thời điểm “cung” và “cầu” cần gặp nhau trên một mặt bằng mới – nơi năng lực thực sự được định giá công bằng và minh bạch.
Một đặc điểm chung ở những người dám “lột xác” sau tinh giản là họ đều có tinh thần cầu tiến mạnh mẽ. Họ không coi thất nghiệp là dấu chấm hết, mà là một dấu phẩy, mở đầu cho chặng đường mới.
Chủ động học thêm kỹ năng mới, nâng cao ngoại ngữ, tham gia các khóa đào tạo trực tuyến, xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội chuyên ngành, mở rộng kết nối nghề nghiệp – tất cả những hành động này đều cho thấy họ không ngồi yên chờ đợi, mà đang chủ động kiến tạo tương lai.
Đây chính là hình mẫu của tri thức thời đại mới: Tự tin, linh hoạt và luôn hướng tới sự hoàn thiện. Họ không bị trói buộc bởi định kiến “việc nhà nước mới là ổn định”, mà sẵn sàng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau: doanh nghiệp, start-up, phi chính phủ, tư vấn độc lập, thậm chí khởi nghiệp riêng.
Mỗi người đều có những giới hạn nhất định – cho đến khi buộc phải vượt qua chúng. Chính trong những thời điểm tưởng như u ám nhất, con người mới có cơ hội đối thoại sâu sắc với chính mình, từ đó khám phá ra những khả năng tiềm ẩn.
Sự mất mát công việc, nếu nhìn dưới góc độ tích cực, lại là cơ hội để đánh thức sức mạnh bên trong. Khi không còn “chiếc ghế an toàn”, bạn buộc phải học hỏi, buộc phải nỗ lực và thực sự sống hết mình với từng công việc, từng quyết định.
Người có nội lực thật sự sẽ không sợ thay đổi. Ngược lại, họ biến thay đổi thành động lực, biến thử thách thành bước đệm để thăng tiến.
Thực tế cho thấy, giá trị của một người không chỉ đến từ công việc họ làm, mà còn từ tâm thế khi làm việc. Một người làm công tác hành chính nếu có tâm thế tích cực, tinh thần phục vụ, kỷ luật và sáng tạo, thì vẫn có thể tạo ra hiệu quả vượt trội.
Ngược lại, một vị trí cao nhưng thiếu tâm huyết, làm việc theo lối mòn, thiếu khát vọng… thì giá trị cũng sẽ giảm dần theo thời gian.
Vì thế, dù làm gì, hãy làm bằng tất cả sự tập trung, trách nhiệm và khát khao tiến bộ. Đó mới là “vũ khí mềm” để mỗi người lao động khẳng định chỗ đứng trong thế giới đầy biến động.
Không ai muốn bị buộc phải rời bỏ công việc quen thuộc. Nhưng khi điều đó xảy ra, điều quan trọng là bạn sẽ phản ứng ra sao.
Dưới đây là một số hướng đi thực tế và hữu ích cho những người bị ảnh hưởng bởi làn sóng tinh giản biên chế:
Đánh giá lại năng lực bản thân: Xác định điểm mạnh, điểm yếu và những kỹ năng có thể chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Tái đào tạo và học tập suốt đời: Tham gia các khóa học trực tuyến hoặc trực tiếp để cập nhật xu hướng, đặc biệt là các lĩnh vực đang thiếu nhân lực như công nghệ, phân tích dữ liệu, giáo dục kỹ năng, tâm lý học; khai mở tiềm năng con người…
Mở rộng mạng lưới nghề nghiệp: Tham gia các cộng đồng chuyên ngành, kết nối, hội thảo, sự kiện ngành nghề…
Xây dựng thương hiệu cá nhân: Tạo hồ sơ chuyên nghiệp, chia sẻ kiến thức, bài viết chuyên sâu… để ghi dấu ấn với nhà tuyển dụng tiềm năng.
Khởi nghiệp hoặc chuyển hướng: Nếu có đam mê và điều kiện, đừng ngại thử sức với những hướng đi mới như mở lớp đào tạo, làm freelancer, cố vấn chuyên môn, khởi nghiệp trong lĩnh vực mình am hiểu.
Làn sóng tinh giản biên chế, dù tạo ra không ít lo lắng, nhưng cũng mở ra cánh cửa cơ hội cho những ai đủ bản lĩnh, tự tin và khát khao khẳng định giá trị bản thân. “Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra – nếu bạn dám nhìn về phía đó.” Alexander Graham Bell.
Từ đó ta hiểu: Tinh giản không phải là mất mát, mà là sự sàng lọc tích cực. “Chính những cơn bão mới dạy ta cách chèo lái giỏi giang” (Khuyết danh).
Trong thời đại mà năng lực được đặt lên hàng đầu, thì chính những người chủ động thay đổi mới là người chiến thắng sau cùng.
Từ nỗi lo thất nghiệp đến cơ hội phát triển mới, từ bóng tối, họ thắp lên một ánh sáng – đó là hành trình của những lao động trình độ cao, những người không chấp nhận đứng yên, mà luôn tiến về phía trước với tinh thần kiến tạo, đồng hành cùng thời đại, và luôn hướng tới sự hoàn thiện không ngừng.
Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng không phải là chuyện gì xảy ra với bạn, mà là bạn chọn phản ứng ra sao. Bởi “Chính trong nghịch cảnh, con người khám phá ra sức mạnh và cơ hội tiềm ẩn của mình.” – Napoleon Hill.
GIPHY App Key not set. Please check settings