in ,

Du khách kiên định trong vũ trụ thi ca

Đó là cách người ta nói về Rodica Marian – tác giả cuốn thơ “Khoảnh khắc can đảm”. Sinh ra ở Romania – nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hóa của Liên minh châu Âu, bản năng của Rodica Marian chính là đào sâu khám phá văn hóa và mang tinh hoa văn hóa thế giới vào tác phẩm của mình.

Bởi thế, tập thơ nhẹ bẫng như “Khoảnh khắc can đảm” lại là nơi chứa đựng vô vàn kiến thức lịch sử nhân loại. Và có lẽ chỉ có Rodica Marian mới có thể làm được điều đó một cách độc đáo và thú vị.

Nhịp đập trái tim nhân văn

Thi ca là một trong những con đường kỳ diệu giúp khám phá vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc và tinh hoa của một nền văn hóa. Trên con đường này, Rodica Marian đã làm tốt sứ mệnh của mình. Qua tập thơ “Khoảnh khắc can đảm”, bạn đọc Việt Nam có dịp khám phá đất nước Romania từ góc nhìn của một nhà ngôn ngữ học, được chuyển ngữ bởi dịch giả Bùi Xuân, cũng là một nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn.

Tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” được chuyển ngữ bởi Bùi Xuân.

Tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” được chuyển ngữ bởi Bùi Xuân.

Xuất phát điểm là nghiên cứu ngôn ngữ, Rodica Marian đã dành cả cuộc đời để gắn bó với công việc này. Đam mê của bà là tham gia nghiên cứu về những thay đổi trong nghĩa của từ, đã lâu không còn theo đuổi sự nghiệp thi ca, dường như bà đã dành thời gian cho công việc và kiên nhẫn chờ đợi Nhà thơ được sinh ra trong bà.

 “Tôi là bản sao trắng của màn đêm/ Sự nặng nề không chạm vào tôi/ Rồi đột nhiên ánh sáng được sinh ra/ Trông hạnh phúc và dễ bị tổn thương/ Như chú chim hải âu đi chân trần vào buổi sáng…”

“Tôi tưởng tượng/ Tôi là cô nàng không tự biết mình hạnh phúc/ Niềm hạnh phúc chẳng ai hay/ Chẳng ai thấy/ Một vết sẹo cũng trở nên thanh nhã…

Tôi dần hiểu ra hạnh phúc/ Cảm giác ớn lạnh hằn trong kí ức/ Bàng hoàng sống dậy trong tôi…”

Cách thức mà ngôn ngữ được tổ chức một cách biến hóa trong thơ Rodica Marian có thể gọi là nghệ thuật ngôn từ. Đây là thách thức đối với dịch giả Bùi Xuân, nhưng có lẽ, với bề dày kinh nghiệm cùng khả năng tinh tế trong cách lựa chọn ngôn từ, thơ Rodica Marian càng khiến Bùi Xuân đam mê hơn công việc chuyển ngữ.

Nét riêng nổi bật trong thơ Rodica Marian có lẽ là diễn ngôn và vốn từ vựng giàu có. Nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Không phải ngẫu nhiên trong tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” có nhiều bài thơ viết về thư viện. Bởi thư viện cũng đồng nghĩa với ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử. Thư viện đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo cho Rodica Marian.”

Đáng nói, giữa sự hoành tráng và vinh dự dành cho người xưa, thật bất ngờ khi Rodica Marian có cái nhìn khác biệt – một cái nhìn bằng nhịp đập trái tim nhân văn.

Lay động và lan tỏa

Trong tập thơ “Khoảnh khắc can đảm”, Rodica Marian không chỉ dành nhiều không gian cho những thành phố của Hy Lạp cổ đại, bà còn đưa độc giả đến với văn hóa và lịch sử Nhật Bản. Bài “Bí ẩn tâm hồn người Nhật” như mở ra trước mắt độc giả một cuốn phim điện ảnh. Ở đó, người ta sẽ trở nên tò mò về một số nghi thức cổ xưa, những nhân vật và địa danh gắn liền với lịch sử đất nước Mặt trời mọc.

“Lạy Chúa, hôm nay, chỉ trong tích tắc/ Tôi đã thấy mình trên cánh đồng mimosa/ Hương thơm thoang thoảng trắng hồng…”

Trên hành trình thi ca, Rodica Marian đưa độc giả đến với Angkor Wat – một quần thể đền đài tại Campuchia, di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.

“Giống như một sự bùng nổ kì diệu/ Trong đó các vũ công tiên giới quyến rũ các vị thần/ Với vẻ đẹp phi tự nhiên của họ/ Ở Angkor Wat có trên ba nghìn bức phù điêu các vũ nữ/ Tư thế độc đáo, tất cả đều ăn mặc khác nhau…”

Thư viện Khổng tử – triết gia, chính trị gia, một nhà hiền triết mẫu mực của Trung Quốc cũng là một điểm dừng chân kỳ bí trong thơ Rodica Marian.

“Trong thực tại trôi nổi tê liệt, trên võng mạc của tôi/ Thư viện Khổng Tử vẫn còn đó…”

Thơ Rodica Marian là bài thánh ca đích thực, bởi nó có sự trang trọng nhất định với sự điềm tĩnh, kiên định, một sự giải thoát trí tuệ, nó có khả năng chinh phục người đọc. Tác phẩm “Cuộc sống vĩnh hằng của bóng tối” là minh chứng cho nhận định đó.

“Hình dáng, màu sắc của những bông hoa làm rối mắt tôi/ Mùi hương của chúng sẵn lòng chết, sẵn lòng sinh ra/ Chúa ơi, sao người đánh thức niềm hi vọng/ Như sự trì hoãn không có chân trời/ Chúa ơi, người có để tôi tin/ Trong đứng yên, thời gian ngưng đọng/ Trong nghệ thuật nhẹ nhàng/ Hứa hẹn với tôi tất cả vẻ đẹp của thế giới/ Với sự rộng mở vô thức của trái tim/ Thông qua một dự án mang tên hạnh phúc/ Luôn trên con đường nhận thức/ Luôn biến cái vô thường thành vĩnh cửu…”

Đích đến chính là điểm xuất phát, điều này có lẽ rất đúng trong thế giới thi ca, đặc biệt là thơ của Rodica Marian. “Ngôn ngữ là nền tảng và thế mạnh hết sức quan trọng cho Rodica Marian trên hành trình sáng tạo thế giới thi ca cho riêng mình. Một thế giới kết hợp tài năng, cảm xúc với tư duy khoa học ngôn ngữ để hình thành nên những bản thánh ca tâm hồn có sức lay động và lan tỏa”, nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ nhận định về Rodica Marian.

Tiểu Mai

What do you think?

Written by Kieu Bich Hau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

SaVipharm đạt danh hiệu “Môi trường làm việc tốt nhất Asean 2023”

Nhà thơ, nhà văn Vũ Trọng Thái

“Trên mỗi nẻo đường” – hành trình kết nối tình người