in

“Đi tìm dấu vân chữ” – tiếp cận tác phẩm văn học một cách tự giác và hứng thú

Tiểu luận, phê bình văn học “Đi tìm dấu vân chữ” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Cuốn tiểu luận, phê bình văn học mang tên “Đi tìm dấu vân chữ” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ra mắt độc giả vào năm 2022.

Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó Trưởng khoa Sáng tác và Lí luận phê bình văn học của trường Đại học Văn hóa, Hà Nội; hiện là Phó Trưởng bộ môn Việt Nam học, Đại học Thăng Long, Hà Nội.

Thoạt nghe giới thiệu về PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc, có lẽ ai cũng tưởng chị trưởng thành từ cái nôi của chữ nghĩa thì hẳn nhiên là một nhà phê bình chuyên nghiệp. Và, để xuất xưởng cuốn “Đi tìm dấu vân chữ” bao gồm những bài phân tích cụ thể, tỉ mỉ về các tác phẩm nổi bật trên văn đàn, Hoàng Kim Ngọc không thể là một tay mơ, chắc chắn chị phải là người chủ động đến với con đường phê bình văn học. Thế nhưng, chị gọi công trình nghiên cứu của mình là do… cơ duyên.

Hoàng Kim Ngọc giải thích, cơ duyên thứ nhất là vì chị được đảm nhiệm giảng dạy môn Ngôn ngữ văn chương ở khoa Viết văn – Báo chí, trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Cơ duyên thứ hai là chị được giao làm chủ nhiệm một đề tài cấp Bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mà ứng với nó chính là chủ biên bộ giáo trình “Ngôn ngữ văn chương” (gồm 2 cuốn: lí thuyết và thực hành) dành cho sinh viên Ngữ văn các trường đại học. Cơ duyên thứ ba là chị có một thời gian dài được làm việc trong bầu khí quyển văn chương của Khoa Viết văn – Báo chí,…

Chính môi trường đặc biệt đó đã thôi thúc Hoàng Kim Ngọc tiếp cận các tác phẩm văn học một cách tự giác và nhiều hứng thú. Đây cũng là nơi phong cách riêng của chị được hình thành trong lĩnh vực phê bình văn học.

Lật giở từng trang “Đi tìm dấu vân chữ”, độc giả sẽ ngỡ ngàng và thích thú trước những tìm tòi và phát hiện rất thú vị của Hoàng Kim Ngọc. Có những bài phê bình, Hoàng Kim Ngọc căn cứ vào gene chữ để có thể hiểu thật sâu tác phẩm. Chị định nghĩa: “Gene chữ là những chữ quen thuộc mang phong cách tác giả, phong cách văn bản được thể hiện qua số lần xuất hiện trong trường từ vựng của nhà thơ hoặc của một thể loại văn bản”.

Với tác phẩm “Chút sen còn lại” của Hồng Thanh Quang, Hoàng Kim Ngọc đã phát hiện hương sắc riêng của sen. Chị cho rằng sen trong tác phẩm này là một tín hiệu thẩm mĩ luôn được hiện về trong hoài niệm của một tâm hồn thơ đa cảm, đa tình và cả đa đoan. Sen vừa là hình ảnh thực vừa là ẩn dụ của mỹ nhân, tình yêu và cái đẹp.

Từ góc nhìn vừa sâu vừa… say của Hoàng Kim Ngọc, độc giả mới có thể trở lại với thói quen dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cái lạ của các tác phẩm. Nói cách khác, Hoàng Kim Ngọc giúp độc giả đọc chậm, đọc kĩ và “tỉnh thức”.

Theo GS.TS.NGND Trần Đình Sử, phê bình của Hoàng Kim Ngọc cụ thể, tỉ mỉ, dễ đọc đối với số đông. Ngoài ra, chị còn có những phát hiện mới lạ, thú vị và tinh tế.

Khi phê bình tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, Hoàng Kim Ngọc gây ấn tượng với khái niệm tham, sân, si. Chị viết: “Tham, sân, si là ba thứ kịch độc luôn tiềm ẩn trong tâm trí con người. Đức Phật dạy: nguồn cội của mọi đau khổ trên đời đều từ ba việc mà ra: tham, sân, si. Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên đã là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Tham là sự đắm say, sự ham muốn, đam mê một điều gì đó như dục tình, tiền tài, danh vọng,…”

Với tiểu thuyết giả tưởng “Nền văn minh chợt tắt” của Võ Xuân Tòng, phát hiện của Hoàng Kim Ngọc thôi thúc độc giả đi ngược vào trong để tìm hiểu: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đến đây để làm gì? Ta sẽ đi đâu về đâu?…

Bên cạnh đó, những phát hiện của Hoàng Kim Ngọc giúp độc giả tiếp cận tác phẩm ở một phạm vi rất rộng, từ thủ pháp tu từ nghệ thuật ngôn ngữ, văn bản đến diễn ngôn, chứ không phải là từ ngữ và câu nữa. Nói như GS.TS.NGND Trần Đình Sử, thì phê bình văn học là cách Hoàng Kim Ngọc “giao lưu hào hứng với người đọc”.

Cuốn tiểu luận, phê bình văn học “Đi tìm dấu vân chữ” của Hoàng Kim Ngọc khá nặng về kích thước và cả những giá trị chứa đựng bên trong, nhưng tác giả lại làm nó nhẹ đi bằng những lời tâm sự của mình: “Trước mỗi tác phẩm, bao giờ tôi cũng đọc rất kĩ và viết kĩ với một sự tự trọng cao của người cầm bút. Vì không phải là nhà phê bình và lại tiếp cận văn bản văn học theo hướng ngôn ngữ nên tôi viết rất chậm và rất lâu mới xong được một bài. Chúng đều được viết ra từ những cảm nhận thành thực của lòng mình chứ không vì bất cứ một sự vụ lợi nào. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được ai đó quan tâm, ưu ái, sẻ chia”.

Tiểu Mai.

PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc – tác giả cuốn sách “Đi tìm dấu vân chữ”.

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Lễ trao quà tặng học sinh trường tiểu học Mèo Vạc

Chùm thơ tác giả Bùi Xuân Mẫn