in

100 sắc thái thơ Hữu Ước

Hữu Ước thành công ở nhiều mảng nghệ thuật, đến nỗi người ta không thể nhớ ông xuất thân từ thơ, kịch bản sân khấu, hội họa hay điện ảnh.

Hơn 5 thập kỉ qua, Trung tướng, nhà báo, nhà văn Hữu Ước không ngày nào không thao thức với nghệ thuật. Trong kho sáng tác đồ sộ của mình, “Hữu Ước – 100 bài thơ chọn” thể hiện được phần nào niềm đam mê và tính cách của ông.

Tập thơ gây ấn tượng bởi sự cầu toàn của tác giả. Ở nhiều trang thơ, Hữu Ước đều chiêu đãi người đọc một số tranh minh họa do chính ông cầm cọ. 

Có người nói, thơ Hữu Ước rất lý tính, có người lại bảo thơ Hữu Ước “rất buồn, rất sâu và cũng rất đời”. Trong nghệ thuật, thơ và họa có lẽ là 2 lĩnh vực trừu tượng nhất và cũng rất khó để bình luận. Vậy nên, nghệ thuật hay ra sao, đẹp như thế nào chính là ở cảm nhận của mỗi người. Có điều, đối với một cây viết lẫy lừng như Hữu Ước, chất đời trong các tác phẩm của ông chắc chắn là điều không thể phủ nhận.

Nỗi buồn trong thơ của Hữu Ước, nếu có, thì đương nhiên không phải là tiếng than, tiếng trách hay là tiếng thở dài thông thường, mà nó là triết lý cô đọng của riêng ông.

“Thế nhân an phận thủ thường/ Phù du một thoáng, xót thương một đời…”

“Hữu Ước – 100 bài thơ chọn” không khác gì một cuốn nhật ký bởi mỗi bài được viết ở mỗi mốc thời gian khác nhau, thậm chí có bài ra đời gần 30 năm trước. Mỗi bài là một sắc thái tâm trạng, được ông viết bằng ngôn từ chắt lọc tinh túy. Có lúc, Hữu Ước bắt đầu tác phẩm của mình bằng một câu hỏi:

“Tôi muốn hỏi cuộc đời:/ Đời cho tôi những gì?”, và kết thúc thế này: “À, ra đời là thế/ Ta vừa nhận vừa cho…”

Có cảm giác, đây là cuốn thơ mời người đọc nhìn vào bên trong và tìm thấy ánh sáng bên trong. Tác giả đóng vai trò hướng dẫn người đọc trở thành một phiên bản được chữa lành hoàn hảo của chính mình thông qua khả năng tự làm chủ và tự nói chuyện. Hữu Ước dẫn dụ người đọc cách khai thác trí tuệ bên trong, mà không cần một khóa học tốn tiền nào khác để đạt được cảm giác hài lòng.

Rồi, cũng có lúc, Hữu Ước mở toang cánh cửa, mời người đọc bước vào thế giới riêng của ông, nơi có thơ và có rượu.

“Người buồn lấy rượu giải sầu/ Người vui lấy rượu cười/ Còn nhà thơ uống rượu/ Cho rượu ngấm vào thơ.”

Trong 100 bài thơ chọn, “Tiếng đêm” là điểm nhấn mềm mại, “bóc mẽ” tâm hồn mỏng manh và nhạy cảm – một sắc thái có lẽ không dễ thấy ở Hữu Ước, nếu chỉ nhìn vẻ ngoài.

100 sắc thái thơ Hữu Ước

“Gió lùa qua khe cửa/ Thoảng chút hương đêm/ Mùa hoa sữa thơm nồng/ Hương mộc lan dịu êm… Đêm đọng lại/ Tiếng thở dài…”

Nghệ sĩ nào cũng có một tri kỷ trong cuộc đời mang tên Cô Đơn. Hữu Ước cũng vậy, bất kể thế giới xung quanh xoay chuyển ra sao, bản chất của người nghệ sĩ trong ông vẫn luôn trực chờ đối diện với nỗi buồn. Ở bài “Ngọn gió hoang”, ông viết:

“Lang thang/ Ngọn gió hoang/ Ngang tàng nhọn sắc/ Đi qua những chiều mưa/ Mềm như khói sương/ Giữa đất trời nắng bụi/ Lãng đãng ngọn gió hoang…”

Chỉ khi cô đơn, ta mới có thể đối mặt với con người thật của mình, và đó là một trong những điều tuyệt vời nhất ta có thể làm cho chính ta.

Chỉ khi cô đơn, ta mới thấu hiểu trái tim mình, và chỉ khi nhìn sâu vào tâm can, ta mới thấy sự vô tận của nó.

“Ôi trái tim tôi/ Đã bao lần ứa máu/ Với bao lần yêu là bao lần dại/ Vẫn hạnh phúc ngọt ngào/ Trái tim cả đời đi tìm chân lý/ Sống cho mọi người và sống với chính tôi…/ Ôi, kiêu hãnh trái tim…”

Trong cuốn “”Hữu Ước – 100 bài thơ chọn”, người đọc còn thấy nỗi buồn không sao khỏa lấp được của tác giả. Ở bài “Khóc vợ”, ông chỉ viết vỏn vẹn 3 câu mà cuốn người đọc vào mênh mang cảm xúc.

“Chỉ khi vợ tôi mất/ Tôi mới nhận ra rằng/ Nỗi đau là có thật…”

Bài “Lá vàng rơi”, “Tết”, “Nỗi nhớ mồ côi”,… đều là không gian dành cho nỗi buồn – một nỗi buồn chẳng thể gọi tên:

“Không đào/ Không mai/ Không cả cánh hoa khô/ Chỉ có tranh trên tường/ U ám, đớn đau, rỉ máu…”

Hữu Ước từng nói: “Trong sâu thẳm của người làm nghệ thuật thì cô đơn lắm, họ cô đơn để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Giống như 50 năm tôi chỉ có… một mình vậy”.

Chỉ khi ở đáy của cô đơn, Hữu Ước mới có thể hết mình để viết, chữ viết ra hồn nhiên như hơi thở. Quả thật, công cụ mạnh mẽ nhất của thi nhân khi đối mặt với con người thật của mình chỉ là hai thứ đơn giản: cây bút và tờ giấy. Viết nhật ký bằng thơ giữ cho tâm trí không hỗn loạn để tiếp tục tiến về phía trước, đồng thời hiểu rõ sự thật về chính mình và phiên bản mà mình muốn phát triển.

Hữu Ước sở hữu những tứ thơ độc đáo như chính con người và tính cách của ông. Không những thế, với bản lĩnh sống mạnh mẽ, quyết liệt của một người lính, các tác phẩm của Hữu Ước cùng cái nhìn thấm đẫm nhân ái, nhân văn, ấm áp tình người, luôn là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả yêu nghệ thuật.

Mọi sắc thái kể trên đều tạo nên nét cuốn hút riêng, thuyết phục người đọc đi đến tận cùng những tác phẩm của ông.

Tiểu Mai.


Chùm thơ tác giả Nga Julia Pikalova

Chuyện đẹp về tình thầy trò

NUÔI BIỂN VÀ “CÁNH ĐỒNG CUỐI CÙNG TRÊN HÀNH TINH”

What do you think?

6.7k Points
Upvote Downvote

Written by Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Chùm thơ tác giả Nga Julia Pikalova

Kỷ lục gia Thế giới Guinness Nguyễn Khắc Hưng: Bông hoa tươi thắm chúc mừng ngành giáo dục ngày 20/11